Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bảo hộ sở hữu trí tuệ như thế nào là tốt?

Nguyễn Thị Lâm Nghi(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bảo hộ sở hữu trí tuệ là một bài toán không dễ giải quyết, trong nền kinh tế toàn cầu đặc biệt là với những quốc gia có trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau. Những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam bị cho là có sự lỏng lẻo trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, rằng chúng ta không bảo hộ tốt nhưng như thế nào là “tốt”?

Vào thế kỷ 16, Martin Luther, cha đẻ của phong trào Kháng cách, đã viết “Warning to Printers” trong lời đề từ cho bản dịch tiếng Đức của Kinh Thánh, trong đó, dù ông quan ngại về chất lượng của những bản in “lậu” tác phẩm của mình, nhưng về mặt thương mại, Luther bày tỏ: “Ta đã được nhận miễn phí, và ta cũng cho đi miễn phí, ta không mong cầu được đền đáp điều gì”.

Tri thức từ món quà được ban tặng thành hàng hóa thị trường

Tuyên bố của Martin Luther là sự phản ánh quan điểm của nhân loại trong hàng ngàn năm lịch sử về cách nhìn nhận đối với tri thức - đối tượng mà ngày nay đã trở thành một loại tài sản đặc biệt: tài sản trí tuệ. Thật ra, trong phần lớn lịch sử của mình, loài người không có ý niệm về sở hữu trí tuệ. Từ thuở sơ khai, chúng ta luôn coi tri thức là món quà thiêng liêng của Đấng tạo tác ban tặng cho con người. Chúng cần được tự do cho, tự do nhận và tự do truyền đạt. Mọi hành vi chiếm hữu độc quyền hay thương mại hóa kiến thức sẽ bị coi là điều đáng xấu hổ.

Thế nhưng, thái độ này đã hoàn toàn thay đổi khi nhân loại bước sang thời kỳ tư bản chủ nghĩa, khi mà mọi thứ đều có thể (và cần thiết) phải biến thành hàng hóa lưu thông trên thị trường, kể cả ý tưởng, thông tin và tri thức. Ở thế kỷ 18, Gotthold Lessing, nhà thơ vĩ đại thời kỳ Khai Sáng của Đức, cho rằng tại sao những người thợ thủ công thô thiển có thể tìm kiếm lợi ích kinh tế từ các sản phẩm lao động tay chân của họ trong khi các tác giả với sự nỗ lực trí tuệ lại không có được quyền lợi đó. Lessing ta thán rằng, dù Martin Luther nghĩ sao đi nữa thì Luther cao quý cũng chỉ là ngoại lệ mà thôi. Từ đó, thế giới bước sang một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của sở hữu trí tuệ.

Độc quyền hóa các tài sản trí tuệ là hiện tượng tất yếu trong mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa. Khi nền kinh tế được xây dựng dựa trên (và có động lực) từ tư bản thì các thiết chế pháp lý cho phép chiếm hữu và thương mại hóa tri thức là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bảo hộ sở hữu trí tuệ là một bài toán không dễ giải quyết, trong nền kinh tế toàn cầu đặc biệt đối với những quốc gia có trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau. Ngày nay, các quốc gia phát triển thường phàn nàn Việt Nam và những nước đang phát triển như chúng ta có sự lỏng lẻo trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, rằng chúng ta không bảo hộ tốt như họ.

Nhưng như thế nào là “tốt”?

Suy cho cùng, mọi hoạt động sáng tạo đều bắt đầu từ sự bắt chước: trẻ con bắt chước người lớn để lớn lên; sinh viên mỹ thuật phải học chép tranh mới có thể thành họa sĩ; muốn là nhà văn thì điểm bắt đầu sẽ là mô phỏng các phong cách sáng tác của những nhà văn đi trước. Sự bắt chước này là không thể cấm cản.

Sáng tạo còn là hoạt động có tính kế thừa. Các phát minh vĩ đại là sự nối tiếp nhau các khám phá khoa học của nhân loại, trong đó, khám phá trước là tiền đề cho các phát minh sau. Không nhà khoa học nào, dù thiên tài đến mấy có thể tự nhận một phát minh nào đó là sản phẩm trí tuệ của riêng mình.

Nói một cách khác, sản phẩm trí tuệ là sản phẩm mang tính tập thể sâu sắc, như Newton từng phát biểu: “Sở dĩ tôi có thể nhìn xa được là vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Sản phẩm trí tuệ là sự kết tinh của tinh hoa nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử phát triển. Thế nhưng, bảo hộ sở hữu trí tuệ là bảo hộ độc quyền, nghĩa là gạt bỏ hết yếu tố “tập thể” trong bản thân sản phẩm sở hữu trí tuệ chỉ để trao quyền hưởng lợi cho một chủ thể duy nhất.

Do đó, bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ làm ảnh hưởng lớn đến lợi ích chung của cộng đồng. Đây chính là mâu thuẫn tự thân của cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ, không thể giải quyết triệt để mà chỉ có thể giảm thiểu thấp nhất tác động tiêu cực của chúng bằng một nguyên tắc nổi tiếng: nguyên tắc cân bằng lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.

Vấn đề là: như thế nào là cân bằng và làm gì để có thể cân bằng?

Thực tế, không có một nguyên tắc chung phổ quát nào để trả lời câu hỏi trên. Mỗi một quốc gia khác nhau, thậm chí trong cùng một quốc gia, ở những thời điểm khác nhau với trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, sẽ đặt ra mục tiêu cân bằng khác nhau và xây dựng chính sách bảo hộ phù hợp để đạt mục tiêu đó. Lịch sử đã chứng minh rằng chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ của các quốc gia thay đổi liên tục qua thời gian phụ thuộc vào mức độ phát triển của quốc gia và những ưu tiên trong chiến lược kinh tế - chính trị của quốc gia đó.

Lấy ví dụ là Mỹ, quốc gia luôn kêu gọi nâng cao ngưỡng bảo hộ sỡ hữu trí tuệ và hiện thực hóa chúng bằng cách “đỡ đầu” cho hàng loạt các điều ước quốc tế định hình nên cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ hiện đại ngày nay. Thực tế, đã có một thời gian dài trong lịch sử, Mỹ “ngó lơ” các yêu cầu bảo hộ bản quyền của các nước châu Âu, đặc biệt là Anh. Luật bản quyền của Mỹ thế kỷ 18 và suốt thế kỷ 19 không bảo hộ tác phẩm của tác giả nước ngoài. Thái độ này của Mỹ xuất phát từ việc đảm bảo lợi ích của các nhà xuất bản nội địa của nó.

Mỹ là quốc gia non trẻ, mới thoát khỏi sự cai trị của Đế quốc Anh nên bề dày văn hóa lịch sử của riêng mình chưa kịp hình thành. Hầu hết các tác phẩm văn học được đọc tại Mỹ trước thế kỷ 20 đều đến từ nước ngoài, nhất là Anh, nên bảo hộ tác quyền cho các tác phẩm của Anh sẽ đặt gánh nặng chi phí lên các nhà xuất bản. Do đó, nhân danh rằng tri thức là phải được tự do tiếp cận, Mỹ không tham gia các điều ước quốc tế áp đặt việc bảo hộ tác phẩm nước ngoài cho quốc gia mình.

Tuy nhiên, quan điểm này xoay chiều khi các nhà xuất bản lớn của Mỹ bị sự cạnh tranh gay gắt từ những nhà xuất bản nhỏ giá rẻ ở các bang thuộc miền Trung Tây. Vì thế, họ đã thay đổi chiến lược, chuyển sang ủng hộ các thỏa thuận quốc tế bảo hộ tác quyền cho tác giả nước ngoài. Họ lên án hành vi thương mại hóa các tác phẩm mà không xin phép tác giả là “tội ác quốc gia” - hành vi mà cách đây không lâu giúp họ kiếm bộn tiền. Năm 1891, Mỹ ký kết với Vương quốc Anh một điều ước quốc tế bảo hộ tác quyền cho công dân của nhau.

Đến đầu thế kỷ 20, khi Mỹ vươn lên thành một đối thủ chính trên thị trường toàn cầu, từ vị trí bên nhập siêu trở thành bên xuất siêu các tài sản trí tuệ, từ người tiêu dùng thành chủ thể quyền, các chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ của Mỹ có sự thay đổi căn bản: càng ngày càng nâng cao ngưỡng và mở rộng phạm vi bảo hộ cho chủ sở hữu quyền.

Bức tranh toàn cảnh về chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ của Mỹ cũng là bức tranh chung của cả thế giới. Thụy Sỹ không có luật sáng chế trong thời kỳ 1850-1907. Những năm đầu thế kỷ 20 chứng kiến Anh yêu cầu các bằng sáng chế hóa học buộc phải được sử dụng tại Anh để tận dụng chúng làm lợi cho quốc gia. Hay như Mỹ, khi cần thiết, vì lợi ích quốc gia, sẵn sàng tịch thu các bằng sáng chế của Đức nhân sự kiện Đức bại trận trong Thế chiến thứ I.

Chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ: vấn đề của sự phù hợp

Bức tranh trên nói lên điều gì? Nó nói lên rằng chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ không thể giống nhau ở các quốc gia khác nhau, thậm chí trong cùng một quốc gia khi ở những thời điểm phát triển khác nhau. Rằng ngưỡng bảo hộ cao hay thấp trong chính sách này không liên quan gì đến sự “văn minh” hay “tiến bộ” của một quốc gia. Chúng đơn thuần là vấn đề của sự phù hợp.

Nhân loại cách đây chưa lâu hẳn còn nhớ đến nạn AIDS hoành hành ở châu Phi khi mà Mỹ tìm mọi cách áp đặt cơ chế bảo hộ chặt chẽ các sáng chế liên quan đến thuốc điều trị căn bệnh này thông qua các điều ước quốc tế có sức ảnh hưởng lớn như TRIPS. Ngược lại, nhiều bệnh nhân hẳn nên cảm ơn Ấn Độ vì nhờ vào chính sách bảo hộ dược phẩm bị coi là “lỏng lẻo” của họ mà thuốc điều trị nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư với giá cả rẻ hợp lý mới có thể đến tay người nghèo.

Nói một cách khác, một quốc gia với nền kinh tế chưa kịp phát triển đã phải gồng gánh gánh nặng bảo hộ sở hữu trí tuệ quá lớn thì không khác gì một đứa trẻ chưa kịp học nói đã phải buộc sáng tác một bài thơ. Tại sao Mỹ thế kỷ thứ 19 thậm chí từ chối bảo hộ tác quyền cho các tác giả nước ngoài nhưng lại buộc các quốc gia khác ngày nay, vốn có vị thế kinh tế tương tự như Mỹ ngày ấy, lại phải bảo hộ bản quyền cho tác giả Mỹ lên đến 50 năm, thậm chí 70 năm, sau khi tác giả mất?

Nền kinh tế toàn cầu buộc nhiều quốc gia như Việt Nam không thể đứng ngoài các điều ước quốc tế nếu như muốn hàng hóa của mình hiện diện trên kệ hàng của các thị trường lớn. Bảo hộ sở hữu trí tuệ trở thành một nghĩa vụ mang tính trao đổi mà chúng ta phải chấp nhận để đổi lại lợi ích nói trên. Nhưng có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên thôi phán xét rằng một chính sách bảo hộ “lỏng lẻo” sở hữu trí tuệ là một chính sách không “tốt”, là “thiếu văn minh” hay “kém văn hóa”.

(*) Giảng dạy môn Luật Sở hữu trí tuệ, khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới