Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bão số 3 và biến đổi khí hậu

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bão số 3 và hoàn lưu sau bão cướp đi nhiều tính mạng và tài sản, để lại những vết thương quá lớn cho nhiều gia đình, cho các địa phương, cho những cánh rừng, cho cả nền kinh tế... Ứng phó với biến đổi khí hậu, do đó, không còn chỉ là khẩu hiệu, mà cần cụ thể hóa thành hành động chính sách ở mọi cấp độ.

Ứng phó với biến đổi khí hậu cần cụ thể hóa thành hành động chính sách ở mọi cấp độ. Ảnh: TL

Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Bắc trong 30 năm qua có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố của toàn miền Bắc và Thanh Hóa - khu vực chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước ta. Theo số liệu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 vào ngày 15-9-2024, cơn bão này đã làm 353 người chết, mất tích; thiệt hại về tài sản khoảng 40.000 tỉ đồng và GDP năm nay có thể giảm 0,15%.

Đây thực sự là những ước tính “sơ bộ, chưa đầy đủ”, như ông Dũng đã nhấn mạnh. Không hẳn vì một số địa phương vẫn còn tình trạng ngập lụt, hoặc có nguy cơ cao khiến cho thiệt hại có thể còn nặng nề hơn. Cũng không hẳn vì nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa khiến miền Bắc sẽ bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế kéo dài từ tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau...

Đằng sau những con số mất mát nói trên còn là tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương. Đường hỏng có thể sửa, nhà đổ có thể dựng lại, cây gãy có thể trồng mới... nhưng những người mất đi người thân trong cơn bão số 3 không biết khi nào mới có thể dịu vết thương lòng.

Bão Yagi thêm chứng tỏ biến đổi khí hậu đi liền với thời tiết cực đoan đã trở thành xu hướng rõ rệt, nhiều năm qua đã đánh dấu các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, bao gồm các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng, trên phạm vi toàn cầu. Các nhà khoa học khẳng định khí hậu trái đất tiếp tục ấm lên, chúng ta có thể thấy nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn trong tương lai. Không chỉ vậy, các hệ quả lớn hơn còn bao gồm nước biển dâng, sự đe dọa đối với đời sống của các loài động vật, thực vật, và bùng phát dịch bệnh.

Cụ thể, các chỏm băng và sông băng trên trái đất tan chảy, mực nước biển đang dâng lên - đây là mối đe dọa đối với các cộng đồng ven biển trên khắp thế giới. Tốc độ tan băng ở vùng cực đang được ghi nhận ở mức độ kỷ lục và các đảo quốc vùng Thái Bình Dương đang gánh chịu các hệ quả rõ rệt từ nước biển dâng.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những thay đổi trong đời sống thực vật và động vật: một số loài đang di chuyển đến các khu vực mới khi môi trường sống của chúng trở nên quá nóng hoặc khô; nhiều loài sinh vật bị đe dọa bởi hiểm họa tuyệt chủng. Cũng chính biến đổi khí hậu khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn, do nhiệt độ ấm hơn và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt hơn có thể tạo điều kiện lý tưởng cho bệnh dịch bùng phát.

Bão Yagi và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã xảy ra cho thấy các quốc gia dễ bị tổn thương thế nào trước biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam cần tăng tốc trong ứng phó cũng như cần đóng vai trò tích cực và trách nhiệm hơn trong nỗ lực của toàn cầu. Trong ngắn hạn, giám sát chặt chẽ phát thải khí nhà kính, thực hiện các chương trình giảm phát thải và nhanh chóng triển khai thị trường mua bán tín chỉ carbon - cần phải là ưu tiên của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Để giữ rừng, các chính sách phải bảo đảm người dân thực sự sống được, sống tốt nhờ rừng - không chỉ bằng việc chi trả dịch vụ môi trường rừng mà còn là phát triển du lịch, nuôi cấy dược liệu, khai thác lâm đặc sản ngoài gỗ... nhưng không làm tổn hại rừng. Kèm với đó là những chính sách để người dân có thể tiếp cận công nghệ sản xuất, thu hoạch, chế biến với chi phí hợp lý cũng như chính sách đào tạo nhân lực phù hợp để triển khai.

Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, được phê duyệt từ năm 2023 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần được tăng tốc thực thi. Trong đó, việc tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng và luyện tập các tình huống ứng phó phù hợp với điều kiện vùng, miền, đặc thù của từng địa phương cho cộng đồng và người dân hết sức cấp thiết. Trong bão số 3, chúng ta đã chứng kiến Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, Lào Cai nhờ có kinh nghiệm về đồi núi, sạt lở và dám nghĩ dám làm đã đưa ra quyết định di tản táo bạo và bảo vệ an toàn tính mạng cho 115 người dân trong thôn.

Ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Từng người dân đều có thể đóng góp tích cực vào tiến trình này bằng các hành động cụ thể thay vì chỉ trích và phê phán. Chẳng hạn, trồng thêm nhiều cây xanh, sử dụng điện và nước tiết kiệm, hạn chế dùng túi nylon và đồ nhựa một lần, sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn...

“Mọi người đều đã được cảnh báo nhưng không ai lắng nghe. Nhiệt độ tăng lên, mô hình đại dương thay đổi và băng tan. Người ta gọi đó là thời tiết cực đoan nhưng họ chưa biết “cực đoan” là gì”. Đây là những lời dẫn đầu tiên trong phim “Siêu bão địa cầu” (Geostorm) của đạo diễn Dean Devlin. Bão Yagi phần nào cho chúng ta biết thêm về sự “cực đoan” và hệ quả của nó cũng như hiểu rằng, hành động gấp rút ở mọi cấp độ để ứng phó với biến đổi khí hậu không phải là lời kêu gọi mà là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới