Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bảo tồn di sản nhìn từ góc độ quy hoạch: Bài học kinh nghiệm từ châu Á

Nguyễn Xuân Ngọc Hoa (*)

(KTSG Online) - Thời gian qua, việc thành phố Hà Nội dự định phá dỡ công trình số 61 Trần Phú (quận Ba Đình), là công trình được xây dựng từ năm 1924 trong thời kỳ Pháp thuộc, đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Mặc dù các nhà bảo tồn và công chúng nói chung không hài lòng, nhưng đây không phải lần đầu tiên chúng ta phải tiếc nuối trước sự mất mát của các di tích lịch sử đô thị.

Đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến việc các nền kinh tế của châu Á đang phát triển dựa trên bất động sản và gây ra tác động lớn với cảnh quan đô thị. Ở Việt Nam, dấu vết của quá trình công nghiệp hóa và các hoạt động cảng biển đang dần bị đẩy ra xa các thành phố lớn; ở Singapore, các khu nhà thấp tầng sau chiến tranh bị san lấp để nhường chỗ cho các hạ tầng giải trí và thương mại, và ở Trung Quốc, các dãy nhà cổ (hutong), con phố và ngõ nhỏ mang những câu chuyện lịch sử đang nhanh chóng biến mất bất chấp lời kêu gọi của các nhà bảo tồn.

Một số người cho rằng việc phá dỡ là một hành động cần thiết cho sự tiến bộ của đô thị, bởi chúng ta không thể giữ lại tất cả mọi thứ từ quá khứ. Vì đất đai luôn là tài sản có giá trị nhất, chi phí cơ hội cho việc bảo tồn là rất lớn. Một số người khác lại đặt câu hỏi về chính định nghĩa của di sản. Trên thực tế, tòa nhà 61 Trần Phú không nằm trong danh mục công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 cần bảo tồn, và có các ý kiến từ phía chủ đầu tư và Sở Quy hoạch kiến trúc cho rằng tòa nhà 61 Trần Phú không có những giá trị nổi bật cần bảo tồn.

Từ góc độ những nhà quy hoạch, chúng tôi có một phần trách nhiệm trả lời các câu hỏi liên quan đến sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, và sự phân bổ hợp lý, đồng đều tất cả các nguồn lực và cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó đất đai là một trong những nguồn tài nguyên giá trị nhất. Bất cứ quyết định nào trong việc chọn một khu vực làm dấu mốc lịch sử đô thị hay phát triển khu thương mại đều có tác động lớn đến cảnh quan đô thị trong tương lai. Từ nghiên cứu sâu rộng của chúng tôi về cảnh quan di sản ở Singapore và các phương pháp bảo tồn thành công trên toàn cầu, enCity đề xuất ba ý tưởng cơ bản để mở đường cho việc bảo tồn di sản đô thị:

Giá trị của một tòa nhà không chỉ nằm ở giá trị kiến ​​trúc mà còn ở tác động của nó với cộng đồng, chứng nhân của các sự kiện lịch sử hoặc nằm trong một phần của cảnh quan đô thị lớn hơn. Các nhà quy hoạch cần hợp tác với các chuyên gia bảo tồn và di sản để đánh giá chi tiết giá trị tiềm năng của các tài sản lịch sử, các khía cạnh cần gìn giữ, và kết hợp các khía cạnh này vào các công trình phát triển tương lai. Trường hợp tòa nhà số 61 Trần Phú là một trong những bằng chứng cuối cùng về thời kỳ phát triển công nghiệp của thủ đô đô – một dấu mốc lịch sử, đồng thời nằm trong tổng thể kiến ​​trúc hài hòa của các công trình thời Pháp thuộc. Chúng ta không thể nhìn ra những giá trị này từ tường gạch tòa nhà đã hư hại, mà phải nhìn trong bối cảnh rộng lớn hơn từ giá trị lịch sử và xã hội của nó. Những yếu tố như tấm phù điêu và kiến trúc thời Pháp của tòa nhà 61 Trần Phú có thể được tích hợp vào yêu cầu thiết kế cho các công trình tương lai.

Tại Singapore, việc đánh giá giá trị các công trình được xây dựng trước năm 1990 diễn ra thường kỳ trong mọi lĩnh vực. Những ví dụ về việc bảo tồn các công trình đô thị thị với vẻ ngoài tưởng chừng như tầm thường trên thế giới bao gồm khu Dakota Crescent ở Singapore, một trong những bằng chứng cuối cùng về các khu nhà ở công cộng đầu tiên của quốc đảo này, đang bị phá bỏ để phát triển đô thị; khu Flourmill Studios ở Sydney Australia, một nhà máy bột mì không hoạt động nay được chuyển thành trung tâm thương mại, hoặc Chợ trung tâm Hongkong (Hongkong Central Market), với sự cải tạo khu chợ cũ thành một điểm đến cho giới trẻ, song vẫn giữ được một phần các nét đặc trưng xưa, đặc biệt về mặt kiến trúc. Những cấu trúc này tạo thêm sự đa dạng cho quỹ đạo phát triển kinh tế đơn điệu của một thành phố.

Rõ ràng qua các trường hợp gây tranh cãi, chúng ta thấy các quan điểm về bảo tồn di sản sẽ rất khác nhau. Cần có một quy trình ấn định giá trị cho các công trình kiến ​​trúc, cũng như quyết định giữ hoặc loại bỏ các tòa nhà cũ, bao gồm nhiều thành phần khác nhau - như các chuyên gia di sản, các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng, để từ đó tạo ra được sự đồng thuận về việc đánh giá. Các nhà quy hoạch và bảo tồn cần làm tốt  công tác lấy ý kiến, cũng như truyền thông hiệu quả công chúng, để giúp đưa ra một quyết định lý tưởng nhất.

Mặc dù là một trong những thành phố đông đúc nhất trên thế giới, Hongkong thực hiện rất tốt công tác bảo tồn di sản. Một trong những cuộc chuyển đổi đô thị thành công nhất của họ - Phố Staunton - bao gồm việc tham khảo ý kiến ​​của cư dân địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, để xác định chung các giá trị và tương lai của các tòa nhà. Kết quả của sự trao đổi và xây dựng đồng thuận này là một kế hoạch bảo tồn mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong hệ sinh thái, đồng thời cũng tạo động lực khiến họ chung tay đóng góp vào bảo tồn và giữ gìn khu vực này.

Những nhận định cho rằng việc bảo tồn đi ngược với quy trình phát triển có lẽ có tính vội vàng, bởi một số điểm đến du lịch thành công nhất trên thế giới, chẳng hạn như các thị trấn cổ kính của châu Âu, đều là kết quả của việc bảo tồn công trình di sản. Tăng trưởng kinh tế công bằng và đem đến lợi ích cho nhiều bên là kết quả của một nền kinh tế đa dạng, và chính việc bảo tồn, tái sử dụng các công trình cổ góp ích vào sự đa dạng hóa của nền kinh tế.

Khu Boat Quay ven sông của Singapore là một ví dụ nổi bật về cách bảo tồn di sản dẫn đến thành công về mặt kinh tế. Boat Quay vẫn giữ nguyên dãy nhà phố từ thời thuộc địa, khai thác thành quán bar, nhà hàng và các hoạt động giải trí về đêm, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển mạnh, thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới và đóng góp vào việc xây dựng “kinh tế đêm” ở Singapore.

Tòa nhà 61 Trần Phú ở Hà Nội, cũng như nhiều công trình khác đã chứng kiến lịch sử dân tộc và trường tồn theo thời gian, không thể bị đánh giá chỉ ở giá trị bề mặt. Các công trình xây dựng không chỉ có những chức năng thực dụng để đạt mục tiêu kinh tế, mà còn là chứng nhân cho những câu chuyện về các thành phố của chúng ta, về các giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử. Quan trọng hơn, các công trình ấy có thể thích nghi với các mục đích sử dụng của đô thị hiện đại, tạo thêm sự đa dạng cho cảnh quan đô thị, đồng thời là nơi để các hoạt động kinh tế phát triển. Những thành phố thành công nhất là những thành phố biết tận dụng quá khứ và biến thành tương lai, đó là kết quả mà các nhà quy hoạch và thiết kế đô thị cần hướng tới.

(*) Nguyễn Xuân Ngọc Hoa, Chuyên gia quy hoạch, enCity

Trình bày: T.Trang

Tác giả Nguyễn Xuân Ngọc Hoa là Chuyên gia cao cấp về Chính sách và Quy hoạch của enCity Singapore, là nhà nghiên cứu về quy hoạch có đam mê với các hoạt động gắn kết cộng đồng và tư vấn chiến lược quản lý đô thị. Chuyên gia Nguyễn Xuân Ngọc Hoa đã tham gia nhiều dự án quy hoạch đô thị cho các tỉnh thành phố lớn ở Việt Nam với quy mô lên đến 22.000 ha, cũng như tham gia nghiên cứu phát triển bảo tồn di sản đô thị tại đảo quốc Singapore.


Tham khảo:

Bảo tồn và phát triển – bài học từ các đại đô thị ven sông

Thành phố ven sông từ góc nhìn chỉnh trang đô thị

Thách thức trên hành trình ‘kỳ tích sông Sài Gòn’

Tin mới