Bất cập trong áp dụng luật bản quyền qua vụ “Cô Ba Sài Gòn”
Lê Thiên Hương (*)
![]() |
Vi phạm bản quyền ở Việt Nam đang là một “vấn nạn” ảnh hưởng nghiêm trọng tới các tác giả, nghệ sĩ cũng như của các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Ảnh: Internet |
(TBKTSG) - Từ vụ “Cô Ba Sài Gòn”, chúng ta có thể nhìn rõ hơn những bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế dựa trên sức mạnh tri thức, cần sớm có kế hoạch sửa đổi Luật SHTT, vì các bất cập này chính là yếu tố kéo lùi động lực sáng tạo của người Việt Nam.
Mấy ngày nay, vụ vi phạm bản quyền phim “Cô Ba Sài Gòn” - một tác phẩm điện ảnh mới của Ngô Thanh Vân - gây xôn xao dư luận. Cụ thể là một sinh viên 19 tuổi đã dùng điện thoại phát trực tiếp (livestream) cảnh phim “Cô Ba Sài Gòn” đang chiếu trong rạp lên trang Facebook “Phim+”, thu hút hơn 5.300 lượt xem chỉ sau 30 phút. Hành vi này ước tính gây thiệt hại hơn 300 triệu đồng cho nhà sản xuất.
Vi phạm bản quyền ở Việt Nam đang là một “vấn nạn” ảnh hưởng nghiêm trọng tới các tác giả, nghệ sĩ cũng như của các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Cho dù đã có Luật SHTT, các hành vi “ăn cắp” lao động trí tuệ sáng tạo một cách “trắng trợn” rất phổ biến ở nước ta. Ngoài ra, không khó để nhận thấy rằng các vụ việc vi phạm bản quyền hiếm khi được phân xử tại tòa án, thường khi bị phát hiện thì người vi phạm chỉ... xin lỗi, ngưng hành vi vi phạm, hoặc chỉ bị xử phạt hành chính. Với vụ “Cô Ba Sài Gòn”, đối với nhiều người, đây chính là “giọt nước tràn ly” về tình trạng thiếu tôn trọng bản quyền ở nước ta.
Vì thế, hãy đặt câu hỏi tại sao Luật SHTT, sau mười năm áp dụng, không ngăn chặn hiệu quả được tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan ở Việt Nam. Thậm chí, phải thừa nhận sự thật là càng ngày, với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật tinh vi, các hành vi vi phạm bản quyền diễn ra càng nhiều hơn, và càng dễ dàng hơn.
Theo luật Việt Nam hiện hành, nạn nhân của hành vi vi phạm quyền tác giả có thể đề nghị xử phạt hành chính, hoặc kiện người vi phạm ra tòa dân sự, hoặc yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Thoạt nhìn, hệ thống hành chính - dân sự - hình sự này là đủ đảm bảo mục đích bảo vệ, đền bù và răn đe. Tuy nhiên, quan sát kỹ thực tế áp dụng sẽ cho thấy hai bất cập nghiêm trọng như sau.
Thứ nhất là do đặc tính của hệ thống luật Việt Nam, các chủ sở hữu bản quyền chưa có thói quen khởi kiện, mà thường chỉ yêu cầu xử phạt hành chính. Xử phạt hành chính có ưu điểm là đơn giản, chấm dứt nhanh hành vi vi phạm nhưng lại không mấy có tác dụng răn đe. Ví dụ, theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP thì hành vi sao chép tác phẩm trái phép như trong vụ “Cô Ba Sài Gòn” chỉ phải chịu hình phạt tiền từ 15-35 triệu, còn hành vi truyền đạt tác phẩm trái phép tới công chúng là từ 10-30 triệu đồng. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo chỉ là dỡ bỏ, tiêu hủy bản sao chép trái phép. Áp dụng mức phạt này là quá nhẹ, không có tác dụng răn đe, trong khi lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm có thể lớn hơn rất nhiều.
Hãy đặt câu hỏi tại sao Luật Sở hữu trí tuệ, sau mười năm áp dụng, không ngăn chặn hiệu quả được tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan ở Việt Nam. |
Tất nhiên, về nguyên tắc, mức độ răn đe lớn nhất nằm trong các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), với hình phạt gồm phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, hay tù giam. Tuy nhiên, theo luật Việt Nam hiện hành, một người chỉ bị khởi tố hình sự các hành vi vi phạm bản quyền có “quy mô thương mại”, hoặc “có tổ chức” hay “phạm tội nhiều lần” (theo điều 170a BLHS 1999, sửa đổi năm 2009). Cho dù BLHS 2015 có hiệu lực vào ngày 1-1-2018 đã thay khái niệm “quy mô thương mại” của điều khoản này bằng các khái niệm cụ thể hơn như mức độ “thu lợi bất chính” (từ 50-300 triệu) mức độ “thiệt hại” (từ 100-500 triệu), giá trị “hàng hóa vi phạm” (100-500 triệu) để xác định căn cứ khởi tố vụ án hình sự một cách dễ dàng hơn, điều này không thể thay đổi bản chất của luật Việt Nam là chỉ các hành vi vi phạm mang tính thương mại ở quy mô lớn mới dẫn đến trách nhiệm hình sự. Sự thiếu nghiêm khắc này dẫn đến hậu quả là người vi phạm chưa thực sự thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề vi phạm quyền SHTT ở Việt Nam.
Trong khi đó, nhiều nước khác quy định các hình phạt rất nghiêm khắc về tội quay phim và phát tán trên mạng. Ví dụ, ở Pháp, Luật Phát tán và bảo vệ tác phẩm trên Internet đã được thông qua vào tháng 6-2009 để bổ sung vào Bộ luật SHTT của Pháp như sau: “Cấu thành tội vi phạm sở hữu trí tuệ hành vi ghi lại toàn bộ hay một phần tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn trong phòng chiếu phim”. Hành vi này có thể bị phạt tới 400.000 euro và bốn năm tù giam. Trong trường hợp tái phạm, mức phạt tăng lên gấp đôi. Hơn nữa, tuy ở Pháp không có xử lý hành chính như ở Việt Nam, nhưng nạn nhân có thể tùy ý muốn khởi kiện dân sự hay yêu cầu khởi tố hình sự. Yếu tố duy nhất để xác định căn cứ khởi tố hình sự - khác với khiếu kiện dân sự - là việc chứng minh người vi phạm “cố ý” thực hiện hành vi vi phạm, chứ không có yêu cầu về quy mô thương mại như trong luật của Việt Nam nói ở trên. Ở Mỹ, cả luật liên bang lẫn khoản 40 luật bang đều có quy định cụ thể về hành vi quay trộm phim trong rạp (camcording) mà hình phạt có thể lên tới ba năm tù giam. Ngoài ra, luật Mỹ còn quy định khen thưởng cho những người tố cáo hành vi quay trộm này, nhằm giảm tối đa các vụ vi phạm. Rõ ràng, đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam nên học tập.
Thứ hai là ở Việt Nam, khi kiện ra tòa dân sự, người bị vi phạm phải chứng minh được thiệt hại vật chất, tinh thần do hành vi vi phạm bản quyền gây ra thì mới có thể yêu cầu tòa án quyết định mức bồi thường dựa trên thiệt hại đó. Nếu xác định được thiệt hại vật chất có thể tính bằng tiền (tức tổng thiệt hại cộng lợi nhuận bị đơn thu được) thì tòa mới ấn định mức bồi thường thiệt hại, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại “nhưng không quá 500 triệu đồng” (điều 205, khoản 1c, Bộ luật Dân sự). Nếu không chứng minh được thiệt hại tinh thần, nguyên đơn cũng không được bồi thường trên căn cứ này. Các quy định này trên thực tế đã gây ra rào cản cho khởi kiện dân sự, vì rất khó để tính thiệt hại cụ thể bằng tiền. Trong khi đó, để “bù đắp” vào việc có thể thiệt hại thực tế và lợi nhuận trái phép không được tính chính xác gây thiệt thòi cho người bị vi phạm, luật SHTT của Mỹ cho phép chủ sở hữu bản quyền bị vi phạm được hưởng thêm một khoản bồi thường “theo luật” (statutory damages) do tòa ấn định. Ở Pháp, với sự hỗ trợ của các chuyên gia kinh tế và bằng chứng của nạn nhân, tòa án sẽ đánh giá hậu quả kinh tế tiêu cực mà hành vi vi phạm gây ra, tức là bao gồm “lợi nhuận mất đi”, “lợi nhuận người vi phạm nhận được” từ hành vi vi phạm và “thiệt hại tinh thần” của nạn nhân để xác định mức bồi thường. Ngoài ra, luật của Pháp cũng quy định rằng nếu nguyên đơn đề nghị, tòa có thể ấn định “bồi thường một cục” (indemnisation forfaitaire), có nghĩa là một khoản tiền không ít hơn khoản tiền mà người vi phạm đáng lẽ phải thanh toán cho chủ sở hữu bản quyền nếu như được người này cho phép sử dụng quyền bản quyền đó. Rõ ràng trong vấn đề bồi thường, so với luật Việt Nam, luật nước ngoài vừa đơn giản hơn, vừa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bị vi phạm.
(*) Cố vấn Trung tâm Tư vấn quản trị tài sản trí tuệ VIPMAC - Việt Nam, CECOJI - Pháp.