Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bauxite Tây Nguyên và Bộ Công Thương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bauxite Tây Nguyên và Bộ Công Thương

Nguyễn Quang A

San lấp mặt bằng khai thác bauxite tại Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông – Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG) – Theo Bộ Công Thương, năm 2013 dự án khai thác bauxite Tân Rai lỗ 258 tỉ đồng, dự kiến năm 2014 sẽ lỗ 176 tỉ đồng, năm 2015 lỗ 252 tỉ đồng; còn dự án Nhân Cơ dự kiến lỗ kéo dài từ năm 2015-2020, mức lỗ thậm chí gấp đôi so với Tân Rai. Những con số lỗ chỉ là cái đỉnh của tảng băng chìm vì các dự án này còn gây ra bao vấn đề khác.

Bất chấp kiến nghị của các chuyên gia về không thực hiện các dự án này hoặc dừng (toàn bộ hay một phần) các dự án, Bộ Công Thương ủng hộ từ đầu đến cuối. Lúc đầu bộ vẽ ra triển vọng hết sức sáng sủa, ngược hoàn toàn với các dự báo của các chuyên gia. Nay dự báo của các chuyên gia đã chứng tỏ rất chính xác thì bộ đành thừa nhận những khoản lỗ khổng lồ, nhưng lại kiến nghị Quốc hội cho TKV (tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam) nhiều ưu đãi để “bớt lỗ”. TKV là doanh nghiệp đầu tư nên họ có động cơ mạnh để xin ưu đãi, nhưng sao bộ lại xin cho họ?

Bài này không bàn đến tính phi kinh tế và tác hại xấu về nhiều mặt của các dự án bauxite Tây Nguyên vốn đã được các chuyên gia phân tích rất kỹ từ nhiều năm nay mà chỉ tìm cách lý giải thái độ của Bộ Công Thương đối với các dự án này. Phải nói ngay thái độ ấy rất nhất quán và không có gì kỳ lạ cả và dễ hiểu nếu nhìn từ khía cạnh các động cơ, các khuyến khích đứng đằng sau Bộ Công Thương.

Thứ nhất, chẳng ai thích công khai nhận sai lầm của mình. Khi không thể bác bỏ được những con số minh chứng cho sự sai lầm thì người ta tìm cách giảm bớt thiệt hại, đổ lỗi cho các nhân tố khác. Đấy là những cách ứng xử chẳng có gì khó hiểu của con người và tổ chức nói chung.

Hiếm người đạt mức giác ngộ để thừa nhận sai lầm của mình một cách công khai và thành thực sửa chữa, nếu môi trường xung quanh không buộc họ phải làm thế. Hiện nay vì nhiều nguyên nhân, cái môi trường ép buộc đó không tồn tại hoặc ít tác dụng, nên người ta không buộc phải thừa nhận sai lầm.

Thứ hai, cũng tương tự như trên, ít ai dám nói ngược với cấp trên của mình. Trong một hệ thống thứ bậc mà cấp dưới hoàn toàn lệ thuộc vào cấp trên, thì sự phản biện từ bên dưới, ý kiến khác của bên dưới là không thể, nếu có thì cũng ít được lắng nghe mà đa phần chỉ làm theo chỉ đạo. Như thế hệ thống tổ chức nhà nước, phân định vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan có vấn đề lớn và phải được xem xét lại.

Giá như TKV là một công ty tư nhân, hay chí ít là doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm thực sự về việc kinh doanh của mình, chỉ bị pháp luật “quản một cách thực chất” chứ không phải Bộ Công Thương, thì chắc TKV đã chẳng đầu tư, hay đã dừng dự án rồi.

Thứ ba, TKV không phải là một doanh nghiệp độc lập kinh doanh theo cơ chế thị trường, mà là “công cụ” của Chính phủ hay bộ chủ quản, nên những động cơ, khuyến khích kinh doanh không mạnh, chứ không phải nó “lo lắng nhất, trung thực nhất với túi tiền của mình” như người ta lầm tưởng. Giá như TKV là một công ty tư nhân, hay chí ít là doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm thực sự về việc kinh doanh của mình, chỉ bị pháp luật “quản một cách thực chất” chứ không phải Bộ Công Thương, thì chắc TKV đã chẳng đầu tư, hay đã dừng dự án rồi. Vì thế cải tổ các doanh nghiệp nhà nước là việc phải làm thật, chứ không chỉ nói mà không làm hay làm qua loa.

Nếu có một cơ quan quản lý tài sản quốc gia độc lập với Chính phủ, với các bộ chuyên ngành, chỉ lo quản lý tài sản quốc gia một cách chuyên nghiệp theo một luật riêng và đóng vai trò chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước, hành xử như “ông chủ” thực sự theo quy định của luật, thì TKV cho dù vẫn là doanh nghiệp nhà nước sẽ ứng xử khác đi và Bộ Công Thương cũng vậy.

Vài vấn đề cốt lõi như trên, nếu các cơ quan nhà nước không làm một cách hiệu quả mà cứ xin xỏ thay cho doanh nghiệp, một việc hoàn toàn không phải là việc của họ, thì nguy cơ TKV theo vết chân đổ của Vinashin, Vinalines chỉ còn là vấn đề thời gian.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới