Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bẫy du lịch giá rẻ

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – “Hội An không khéo sẽ rơi vào cái bẫy du lịch giá rẻ, không những không tăng chất lượng mà còn giảm đi giá trị của phố cổ”.

Chủ một nhà hàng lâu năm bên bờ sông Hoài, thành phố Hội An đã tâm sự như vậy khi được hỏi về tình hình kinh doanh dịp Tết vừa qua.

Anh kể, rất đông khách du lịch đã quay trở lại Hội An, từ Hà Nội, TPHCM đến Hàn Quốc, Thái Lan... Đêm nào trung tâm phố cổ, đặc biệt là những con đường hai bên bờ sông Hoài, cũng nhộn nhịp du khách, tấp nập người mua kẻ bán.

Những hàng quán bình dân nằm dọc một đoạn đường bên bờ sông Hoài luôn đông khách. Những món ăn phổ biến như cao lầu, thịt nướng, bánh xèo… được bán với giá 30.000-40.000 đồng/phần. Theo anh, giá này thấp hơn nhiều lần so với giá tại nhà hàng. Thêm vào đó, những xe bán hàng rong có mặt rải rác khắp trung tâm phố cổ chứ không nằm trong một khu đã quy hoạch.

Những điều này vô hình trung làm cho những nhà hàng như của anh tại đây thường xuyên vắng thực khách dù du khách đông. Anh giải thích rằng có nhiều nguyên nhân. Khách thấy thuận tiện khi có thể trực tiếp "nhìn", "sờ", "ngửi" thức ăn và ngồi xuống thưởng thức ngay khi đang dạo phố cổ. Bên cạnh đó, nhiều khách hiện nay cũng theo xu hướng là đi du lịch tối đa với chi phí tối thiểu. Nếu điều này không sớm thay đổi hay có giải pháp phù hợp thì Hội An không khéo sẽ rơi vào cái bẫy du lịch giá rẻ, không những không tăng chất lượng mà còn giảm đi giá trị của phố cổ, anh nhận định.

Người viết đã thử đưa ra ý kiến của anh tại các cuộc trò chuyện gần đây với một số doanh nhân cũng như chuyên gia về du lịch thì nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Người thì cho rằng có thể hiểu được bức xúc của anh nếu đứng trên góc độ là chủ kinh doanh một nhà hàng. Các nhà hàng bị áp lực lớn và chịu cạnh tranh nặng nề trước các hàng quán bình dân và xe hàng rong.

Người khác thì phân tích, các nhà hàng như anh phải “sống chung với lũ” vì đây là kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Nếu nhà hàng anh năng động hơn trong phương thức tiếp thị trực tuyến và trực tiếp thì sẽ thu hút được một lượng khách đáng kể. Việc tiếp thị này phải đánh mạnh vào chất lượng sản phẩm, vệ sinh, an toàn thực phẩm, không gian… - những thế mạnh so với các hàng quán và xe hàng rong.

Trong khi đó, có người mượn ý kiến của anh để nói đến chuyện vĩ mô hơn một chút. Đó là Hội An cần phải nhìn lại vị thế của mình. Hội An lâu nay được xem là thành phố du lịch nổi tiếng không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới với các giá trị di sản cũng như văn hóa độc đáo. Người này thậm chí còn so sánh giá trị của Hội An của Việt Nam tương tự như các thành phố du lịch nhỏ khác ở châu Âu như Freiburg của Đức, Salzburg của Áo, La Rochelle của Pháp hay Venice của Ý. Vì vậy, Hội An hoàn toàn có thể làm du lịch chất lượng cao, thu nhiều tiền từ khách bất kể từ đâu vì không chỉ Tây Âu hay Mỹ mà những thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... vẫn có nguồn khách chịu chi tiền cho dịch vụ tương xứng.

Tuy nhiên, Hội An hiện nay có vẻ như đang “muốn quá nhiều thứ”. Thành phố du lịch này muốn thu hút nhiều khách đến và cũng vừa muốn nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đương nhiên, không một địa phương nào không muốn thu hút nhiều khách và có nhiều nguồn thu. Nhưng, thu hút như thế nào, tăng nguồn thu như thế nào một cách bền vững, phù hợp với đặc thù của địa phương lại là một vấn đề khác.

Hội An đã buộc một số thương hiệu cà phê có tiếng như Starbucks hay Cộng phải tuân thủ những giá trị của mình khi kinh doanh tại đây. Quán cà phê Starbucks với logo màu vàng đặc trưng của Hội An chứ không phải xanh, trắng truyền thống của mình. Quán cà phê Cộng cũng vậy. Ở một khía cạnh tích cực thì đây cũng chính là điểm khác biệt để những quán cà phê này hút nhiều khách hơn.

Hội An đã làm được điều này thì cũng hoàn toàn đủ khả năng “nâng chất” các khu ẩm thực tại phố cổ.

Người chủ kinh doanh nhà hàng nói trên đưa ra gợi ý các hàng quán bình dân dọc bờ sông tự nâng cấp mình và có thể bán một phần cao lầu với giá cao hơn gấp đôi vì cái họ bán đây không chỉ là đặc sản Hội An mà còn là giá trị của phố cổ nối tiếng thế giới. Trong khi các xe hàng rong phải quay trở về khu quy hoạch riêng cho mình.

Có như vậy, Hội An sẽ trở thành một điểm đến chất lượng đúng nghĩa, không rơi vào cái bẫy của du lịch giá rẻ.

3 BÌNH LUẬN

  1. Khách đến/ Thu tiền/ Một lần đến/ Ra đi không trở lại… Đó là kết quả nhãn tiền của kiểu làm ăn chụp giựt, giăng bẫy, móc túi, chặt chém một cách lộ liễu. Tuy nhiên, rẻ hay đắt cũng không quan trọng lắm. Bánh bèo, bánh tráng đập, bánh bột lọc, bánh mì… thì phải rẻ như bèo mới đúng. Khác với phở, cao lầu, cơm gà, bia rượu cao cấp… Tiền nào của nấy. Ăn chơi sợ chi mưa rơi. Quan trọng là luôn trung thực với khách hàng, cho họ thấy dịch vụ sản phẩm xứng đáng với đồng tiền bát gạo. Mọi thứ còn tùy thuộc vào khẩu vị của từng loại du khách, đừng để họ có cảm giác như đang bị lừa, đối xử không đúng mực. Hãy làm sao để du khách tự nhiên, tự tại, tận hưởng, lưu lại ấn tượng tốt đẹp, lâu dài là quan trọng nhất.

  2. Ở TP HCM, các dịch vụ cao cấp cũng có, các dịch vụ giá rất rẻ cũng có, một tô phở cả triệu cũng có và một tô phở giá hai chục ngàn cũng có. Dịch vụ nào cũng có đầy khách, nhưng không hề nghe nói tới bẫy du lịch giá rẻ vì các dịch vụ này tiền nào của đó đều đáp ứng nhu cầu của phân khúc mà nó cung cấp.

  3. Bài hay; cần suy nghĩ cho Hội An! Phố cổ Hội An đã từng có 1 đề án hẳn hoi về hàng rong – ăn đặc sản HA trong tâm thế “thưởng thức” hương vị của món ăn; cảm quan của quang gánh xưa, trang phục xưa của người bán, không gian cổ xưa của phố và giá cả phù hợp với đầu tư-chăm chút của người bán và hàm lượng văn hoá của sản phẩm!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới