(KTSG Onine) – Năm ngoái, tổng vốn huy động từ các thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Hồng Kông rơi xuống mức thấp nhất trong 20 năm. Việc bế tắc trong tiến trình IPO khiến nhiều doanh nghiệp thiếu tiền mặt, buộc phải gác lại kế hoạch mở rộng kinh doanh.
- Thị trường chứng khoán 4.000 tỉ đô la của Hồng Kông lâm ‘cảnh chợ chiều’
- Dừng IPO mảng điện toán đám mây, Alibaba ‘bốc hơi’ 22 tỉ đô la vốn hóa
Thị trường IPO đóng băng
Hồng Kông luôn được xem là trung tâm tài chính châu Á, nơi huy động vốn quốc tế sôi động đối với doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và những nền kinh tế khác ở châu Á. Cách đây vài năm, Hồng Kông thậm chí còn tiến sát trung tâm tài chính New York của Mỹ về quy mô thị trường IPO. Song cơn suy sụp kéo dài của thị trường chứng khoán Hồng Kông cùng với làn sóng tháo chạy của nhà đầu tư nước ngoài khiến kế hoạch niêm yết cổ phiếu lần đầu của nhiều doanh nghiệp rơi vào bế tắc.
Theo dữ liệu của Dealogic, các thương vụ IPO ở Hồng Kông trong năm 2023 chỉ huy động được vỏn vẹn 5,9 tỉ đô la Mỹ. Kết quả này được ghi nhận là ở mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua. Nhìn lại năm 2020 (năm đầu tiên của đại dịch Covid-19), thông qua Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, các công ty huy động tổng cộng hơn 51 tỉ đô la trong các thương vụ IPO và niêm yết bổ sung (niêm yết cổ phiếu ở sàn thứ hai).
Tại Trung Quốc đại lục, thị trường IPO cũng từng rất nhộn nhịp nhưng gần đây tình hình đã thay đổi. Kể từ tháng 8 năm ngoái, Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã trì hoãn phê duyệt các hồ sơ đăng ký IPO vì lo ngại nguồn cung cổ phiếu mới sẽ đè nặng lên thị trường cổ phiếu trong nước vốn đang ảm đạm.
Các công ty lớn hơn và lâu đời hơn như ByteDance (chủ sở hữu của TikTok), tập đoàn bảo hiểm FWD Group đã nhiều lần trì hoãn kế hoạch IPO ở Hồng Kông vì các điều kiện thị trường bất lợi.
Trong bối cảnh không thể tìm nguồn vốn mới qua IPO, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu cấp thiết hơn về tiền mặt phải thắt lưng buộc bụng.
“Họ đang kỷ luật hơn trong chi tiêu, và đang bảo toàn tiền mặt”, Kenneth Chow, đồng giám đốc thị trường vốn cổ phần châu Á của Citigroup, nói khi đề cập đến một số công ty đang chờ tiến hành IPO.
Danh sách các công ty chờ niêm yết ở Hồng Kông bao gồm các công ty công nghệ sinh học cần huy động vốn cho các thử nghiệm lâm sàng. Bên cạnh đó là các nhà sản xuất xe điện chưa có lãi và các nhà sản xuất công nghiệp khác muốn mở rộng năng lực sản xuất.
“Trong quá trình chuẩn bị IPO, khi thảo luận về việc sử dụng số tiền thu được và kế hoạch mở rộng trong tương lai, chúng tôi cũng trao đổi rất nhiều về việc hủy hoặc hoãn một số dự án nhất định”, Hang Wang, đồng chủ tịch bộ phận tư vấn thị trường vốn Trung Quốc ở hãng luật Baker McKenzie, nói về một trường hợp tư vấn gần đây.
Nhiều thương vụ huy động vốn đổ bể
Hồi tháng 10, WM Motor, nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đã nộp đơn làm thủ tục phá sản tại Thượng Hải sau khi tạm dừng phần lớn hoạt động sản xuất. WM Motor có các cổ đông tên tuổi như tập đoàn internet Tencent Holdings và hãng tìm kiếm Baidu đã từng nộp đơn đăng ký IPO tại Hồng Kông vào năm 2022. Sau đó doanh nghiệp này dự tính sẽ niêm yết cổ phiếu thông qua thỏa thuận trị giá 2 tỉ đô la để sáp nhập ngược vào Công ty Apollo Smart Mobility. Tuy nhiên, hai bên đã đi đến kết cục chấm dứt thỏa thuận sau khi xem xét nhiều yếu tố bất lợi như bất ổn vĩ mô, căng thẳng địa chính trị.
Hay như Lu DaoPei Medical Group, nhà điều hành các bệnh viện tư nhân ở Trung Quốc đại lục, nộp hồ sơ xin IPO tại Hồng Kông vào năm ngoái. Tuy nhiên, công ty chưa thể tiến hành bán cổ phiếu vì chưa được CSRC "bật đèn xanh". Trong bản cáo bạch, công ty trình bày kế hoạch sử dụng số tiền huy động được để di dời bệnh viện hàng đầu ở tỉnh Hà Bắc đến một địa điểm lớn hơn. Công ty giải thích, bệnh viện này đang hoạt động quá công suất và hợp đồng thuê đất sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.
Zhuhai Wanda, một trong những nhà điều hành trung tâm mua sắm lớn nhất Trung Quốc, đang gặp khó khăn tài chính sau khi không thể niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông theo kế hoạch vào cuối năm 2023. Zhuhai Wanda đã cam kết với nhóm các nhà đầu tư rằng công ty sẽ hoàn trả khoản nợ 4,2 tỉ đô la Mỹ cộng với tiền lãi nếu không thể IPO vào cuối năm ngoái.
Được biết, Zhuhai Wanda lần đầu tiên nộp hồ sơ đăng ký niêm yết ở Hồng Kông vào năm 2021, nhưng vẫn chưa được CSRC cho phép tiến hành bán cổ phiếu. Trong một thỏa thuận đạt được vào tháng 12, nhóm nhà đầu tư này đồng ý tái đầu tư 4,2 tỉ đô la vào Zhuhai Wanda với điều kiện họ sẽ nắm quyền kiểm soát 60% cổ phần công ty.
Sự chùng xuống của thị trường IPO cũng làm tổn thương nhiều công ty lớn. Syngenta Group, công ty nông nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã lên kế hoạch IPO trị giá 9 tỉ đô la Mỹ tại Thượng Hải vào năm ngoái. Nhưng do các điều kiện thị trường bất lợi, công ty lùi kế hoạch niêm yết cổ phiếu đến cuối năm 2024.
Tập đoàn Alibaba cũng hoãn kế hoạch niêm yết cổ phiếu của chuỗi siêu thị thực phẩm Freshippo, đơn vị thành viên của tập đoàn, cũng với lý do điều kiện thị trường yếu. Tuy nhiên, Alibaba vẫn xúc tiến kế hoạch tiến hành IPO đối với mảng kinh doanh hậu cần Cainiao ở Hồng Kông.
Kỳ vọng phục hồi dần
Thị trường IPO của Trung Quốc trong năm 2023 ảm đạm đến mức các ngân hàng đầu tư nói rằng tình hình không thể tệ hơn. Tại Hồng Kông, thị trường chứng khoán Hồng Kông tiếp tục suy giảm trong năm 2023, đánh dấu năm thứ tư suy giảm liên tiếp.
Các ngân hàng chỉ kỳ vọng thị trường IPO ở Trung Quốc và Hồng Kông dần phục hồi. “Chúng tôi cần thấy nhiều dữ liệu đáng khích lệ hơn về tăng trưởng, hy vọng kinh tế Trung Quốc sẽ dần ổn định”, Selina Cheung, đồng giám đốc thị trường vốn cổ phần châu Á của ngân hàng UBS, nói. Bà lưu ý thêm, thị trường IPO có thể phục hồi nhanh chóng nếu tiêu dùng trong nước cải thiện rõ rệt, căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung hạ nhiệt và cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc phê duyệt nhiều hồ sơ đăng ký IPO hơn.
“Để thị trường IPO được cải thiện, thị trường không cần các nhà đầu tư gia tăng sự lạc quan về kinh tế của Trung Quốc, mà chỉ cần họ bớt bi quan”, Chow của Citigroup nói.
Tại Trung Quốc đại lục, CSRC chỉ phê duyệt 17 thương vụ IPO ở Thượng Hải và Thâm Quyến kể từ tháng 9-2023, so với 202 thương vụ trong tám tháng đầu năm 2023. Hiện tại, có 49 công ty đang chờ phê duyệt IPO, theo dữ liệu của nhà cung cấp dữ liệu tài chính.
Cũng có một số công ty hủy bỏ kế hoạch IPO sau thời gian dài chờ đợi sự chấp thuận của CSRC trong vô vọng. Tháng 9 năm ngoái, một nhà đầu tư của Haodaifu, nền tảng y tế trực tuyến được Tencent hậu thuẫn, đã đệ đơn kiện công ty này lên tòa án Quần đảo Cayman. Lý do khởi kiện là Haodaifu không tiến hành IPO trong vòng 5 năm và cũng không mua lại cổ phần của nhà đầu tư như cam kết.
Theo WSJ