Thứ tư, 9/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bệnh viện công cũng cần ‘làm’ thương hiệu

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ba năm trước, tôi tham gia đứng lớp trong một khóa tập huấn về viết tin, chụp ảnh và xây dựng hình ảnh cơ sở y tế trên cộng đồng mạng do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TPHCM tổ chức.

Lớp khá đông học viên, gần 100 y bác sĩ, nhân viên phòng công tác xã hội của các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố. Lớp tập huấn sôi nổi từ đầu tới cuối và đặc biệt là ngày thảo luận về đăng tải thông tin, quảng bá hình ảnh, truyền thông trên trang web, trên mạng xã hội của các bệnh viện.

Một nhân viên y tế trình bày trong buổi thảo luận đã làm cho tôi hết sức bất ngờ khi đề tài của cô ấy trình chiếu slide chính là “bệnh viện làm truyền thông, quảng bá tên tuổi”. Bệnh viện cô ấy công tác đã phân công cho cô ấy, một nhân viên y tế kiêm nhiệm công việc truyền thông cùng một hai người nữa, cũng kiêm nhiệm tương tự.

Kết quả sau một thời gian, bệnh viện có một trang web khá đồ sộ thông tin, đặc biệt là khả năng tương tác với người bệnh chứ không phải lập web để làm màu mè như nhiều cơ quan nhà nước hiện nay. Còn trên mạng xã hội thì bệnh viện có fanpage và kênh chia sẻ video Youtube mà nhìn qua lượt theo dõi (follow) và tương tác (thích, bình luận) tôi thầm nghĩ quá chuyên nghiệp so với suy nghĩ mặc định trong đầu tôi về bệnh viện công trước khi đứng lớp.

Tuy trong buổi thảo luận không một ai nhắc đến “thương hiệu bệnh viện” nhưng các nhân viên y tế là bác sĩ, điều dưỡng đều thảo luận mục tiêu chung của bệnh viện khi làm truyền thông là giáo dục sức khỏe cho cộng đồng, chăm sóc khách hàng và nâng cao hình ảnh bệnh viện.

Khái niệm “bệnh nhân là khách hàng” và mục tiêu nâng cao hình ảnh bệnh viện khá mới mẻ với cá nhân tôi và tôi cho rằng cũng mới mẻ với không ít người hiện nay.

Một lần tôi đến thăm người thân đang nằm bệnh viện mà có học viên từng trình bày trong buổi thảo luận, nhân tiện xem thử họ có nâng cao hình ảnh bệnh viện qua truyền thông hay không thì quả đúng như lời học viên đó từng thảo luận. Bệnh viện tranh thủ từng dãy nhà, từng bức tường làm nơi truyền thông, quảng bá khoa phòng, đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị. Trước cửa từng khoa đều có nhân viên bộ phận làm công tác xã hội, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ, hướng dẫn thông tin cho bệnh nhân đi đến đúng khoa phòng mình cần.

Mới đây, sau giãn cách tôi phải đi công tác và phải xét nghiệm nhanh Covid-19. Loay hoay không biết xét nghiệm nơi nào và giá ra sao, tôi tìm kiếm trên mạng và chọn ngẫu nhiên fanpage của một bệnh viện quận, nhắn tin (inbox trong hộp thư) hỏi thăm cầu âu chứ không trông chờ hồi đáp vì trong đầu tôi nghĩ chắc có khi 1-2 ngày sau nhân viên bệnh viện mới trả lời.

Vậy mà chỉ 30 phút sau, tôi nhận được tin nhắn trả lời thông tin tôi cần biết và sáng hôm sau tôi đến xét nghiệm, chờ lát sau lấy kết quả.

Có rất nhiều người hiện nay vẫn còn quan niệm bệnh viện và trường học không phải là doanh nghiệp, là chỗ không để kinh doanh thì không thể nói xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Nhưng suy cho cùng, với cộng đồng, giáo dục hay y tế cũng là một dịch vụ mà người cung cấp dịch vụ, dù công hay tư, cũng đều phải nâng cao hình ảnh của mình trong công chúng. Ấy cũng là xây dựng thương hiệu vậy.

2 BÌNH LUẬN

  1. Tôi nghĩ ngành y còn cải thiện dài, một số bệnh viện tôi gặp còn cực kì quan liêu. Mấy năm trước tôi gặp chấn thương phải đi cấp cứu ở bệnh viện Giao thông vận tải HN. Dù tôi đang ở phòng cấp cứu rồi nhưng họ bắt tôi đi ra khu tiếp đón để đóng tiền, rồi tự đi ra chuyên khoa để tìm bác sĩ chữa. Tôi đi hết, rồi tới nơi thì thấy phòng đóng cửa, hỏi điều dưỡng đi qua thì người đó chỉ bảo bác sĩ đi ăn trưa rồi, và đi mất.

  2. Công hay tư cũng vậy thôi. Quan trọng là phải có con người biết làm việc chuyên nghiệp. Lâu nay mọi người hay có quan niệm làm thương hiệu là phải gắn với doanh thu/ lợi nhuận/ kim tiền… nhưng quên mất một điều rằng trước khi nhận được những thứ đó thì trước hết phải chứng tỏ được uy tín/ danh hiệu/ thực lực của chính mình. Bởi vì làm ngược quá nhiều, nên rất nhiều trường hợp phải nhận lãnh hậu quả rất đáng tiếc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới