Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hướng tới thông minh
TS. Nguyễn Kỳ Tài - BS. CK II Võ Đức Chiến (*)
(KTSG) - LTS: Bệnh viện thông minh là một giải pháp đổi mới sáng tạo để giải quyết các thách thức phát triển ngành y tế Việt Nam - có thể ví dụ như là một trong những lời giải cho đề bài mà cuộc thi Hack4Growth đặt ra.
Bệnh viện thông minh là một phần của hệ sinh thái tích hợp, kết nối với nhau bao gồm các nền tảng dữ liệu của chính phủ, cơ quan y tế, dân số và người bệnh, cũng như các nhà cung cấp khác.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: N.K |
Chia sẻ dữ liệu giữa tất cả các thực thể (trong phạm vi cho phép của pháp luật, cân bằng với sự cần thiết phải bảo vệ sự riêng tư của bệnh nhân) là rất quan trọng để đảm bảo rằng bệnh nhân nhận được chăm sóc sức khỏe một cách hiệu quả và thuận tiện.
Bệnh viện thông minh sẽ được tối ưu hóa hệ thống quản lý và cơ sở hạ tầng, thiết kế lại hoặc xây dựng các quy trình lâm sàng mới, dựa trên cơ sở số hóa, để cung cấp dịch vụ hoặc thông tin có giá trị, để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Số hóa và kết nối dữ liệu
Bệnh viện thông minh chỉ cung cấp các dịch vụ chuyên sâu hơn trong một hệ sinh thái rộng lớn hơn. Trong hệ sinh thái này, các dịch vụ phòng ngừa và các chương trình quản lý chăm sóc sức khỏe, ví dụ, được cung cấp tại các phòng khám, tại phòng tập thể dục và thậm chí trong nhà của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị y tế khác và các “bệnh lý nhẹ” được cung cấp tại các trung tâm cấp cứu. Xét nghiệm chẩn đoán (dịch vụ chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm) được cung cấp tại các trung tâm độc lập. |
Tương lai của chăm sóc y tế là bệnh viện đặt bệnh nhân làm trung tâm, loại bỏ các nhiệm vụ hành chính không cần thiết, và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Sự kết nối giữa nhân viên y tế và bệnh nhân sẽ có tính di động cao hơn. Theo định hướng số hóa dữ liệu, các hệ thống trong bệnh viện thông minh sẽ tương thích với nhau và không còn được trực tiếp kiểm soát bởi con người, nên có thể loại bỏ một số lỗi liên quan đến yếu tố con người.
Trong bệnh viện, bệnh nhân và nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân trực tiếp sử dụng thiết bị tương tác để thu thập, theo dõi và truyền dữ liệu theo thời gian thực. Ngoài ra, các nhân viên lâm sàng có thể truy cập dữ liệu thông qua các thiết bị di động để cho phép các hoạt động lâm sàng hiệu quả hơn.
Hiện tại, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tiến hành số hóa bệnh án của bệnh nhân. Bệnh viện đang chuyển đổi thành bệnh viện kỹ thuật số với hệ thống hồ sơ y tế điện tử của riêng mình. Các trung tâm dữ liệu thu thập và tập trung thông tin, và các ứng dụng di động cho phép các nhân viên lâm sàng và bệnh nhân truy cập dữ liệu trong vòng vài giây.
Việc số hóa thông tin giúp bệnh viện hiểu những gì đã xảy ra đối với bệnh nhân trước khi nhập viện, quản lý tất cả việc chăm sóc nội trú, và giám sát các can thiệp sau khi xuất viện.
Tự động hóa quy trình quản lý, điều trị và chăm sóc bệnh nhân
Các bệnh viện thông minh dựa vào các thiết bị để nâng cấp hoạt động và tự động hóa quy trình làm việc, làm tăng đáng kể năng suất và độ chính xác của chăm sóc của bệnh viện.
Các quy trình và thiết bị tự động thay thế một số hoạt động nhất định của con người trong việc chăm sóc bệnh nhân. Tự động hóa cũng được sử dụng để cải thiện hiệu quả của nhiều quy trình hậu cần và văn phòng. Các bệnh viện hàng đầu đang sử dụng robot và các công nghệ kỹ thuật số khác để cho phép nhân viên lâm sàng dành nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân. Tự động hóa trong chăm sóc lâm sàng và các dịch vụ hậu cần sẽ làm giảm chi phí và thời gian của bệnh viện.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã ứng dụng mã vạch và các công nghệ cảm biến mới khác để tối ưu hóa quản lý tài sản nội bộ và đảm bảo rằng tất cả mọi người và vật liệu có thể được xác định, theo dõi và truy tìm trong thời gian thực.
Ứng dụng công nghệ IoT, AI và big data
Với sự gia tăng nhanh chóng các giải pháp công nghệ, việc kết nối sử dụng điện thoại di động với các thiết bị y tế thông minh để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe tốt hơn đang phát triển mạnh mẽ. Công nghệ Internet vạn vật (IoT) sẽ kết nối tất cả các loại thiết bị y tế, cảm biến, thiết bị đeo hiện có với nhau.
Không những kết nối các thiết bị y tế và bệnh nhân trong bệnh viện, những bệnh nhân ngoại trú có thể được theo dõi tình trạng sức khỏe của họ bằng cách sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng thông qua ứng dụng IoT để kết nối với bệnh viện.
Do đó, IoT sẽ không chỉ giúp kết nối các thiết bị và công nghệ y tế hiện có với nhau, nó cũng sẽ cho phép điều khiển từ xa, giám sát từ xa và thậm chí tạo ra một hệ sinh thái mới. Mặc dù IoT là công nghệ đã đạt được sự phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua, nhưng trong lĩnh vực ứng dụng y tế nó chỉ bắt đầu bùng nổ cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng thiết bị y tế thông minh.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp chẩn đoán một loạt bệnh thông qua phân tích hình ảnh. Nghiên cứu cho thấy, AI hiện có tỷ lệ chẩn đoán chính xác tương đương với các bác sĩ.
Phân tích dữ liệu lớn về hồ sơ lâm sàng đang được sử dụng để giúp bệnh nhân cần can thiệp sớm và cung cấp dịch vụ chăm sóc. Việc ứng dụng AI để xây dựng các mô hình dự đoán dựa trên dữ liệu hành vi, y tế để xác định bệnh nhân có nguy cơ cao tái nhập viện hoặc tiến triển bệnh mãn tính là khả thi. Các chương trình AI có thể xây dựng một mô hình đánh giá rủi ro với độ chính xác hợp lý cho phép thiết kế tốt hơn các chương trình quản lý sức khỏe dân số.
Phân tích dữ liệu lớn (big data) cũng có thể tích hợp một loạt biến từ hồ sơ bệnh viện (ví dụ: thời gian cần thiết để thực hiện các thủ tục và thời gian vận chuyển bệnh nhân khác nhau) để cải thiện lịch trình phòng mổ, giảm thời gian thực hiện các thủ tục.
IoT, AI và big data đóng vai trò hỗ trợ quản lý chăm sóc sức khỏe và chẩn đoán theo thời gian thực. Nó cho phép theo dõi từ xa các điều kiện bệnh nhân, giảm số lượng thiết bị y tế cần thiết, và cho phép các bác sĩ và bệnh nhân sử dụng thời gian của họ hiệu quả hơn. Với sự trợ giúp của IoT và AI và big data, các bác sĩ và y tá có thể theo dõi sức khỏe bệnh nhân, phân tích dữ liệu lấy từ cảm biến thông minh hoặc thiết bị đeo. Bác sĩ có thể theo dõi bệnh nhân mà không cần rời khỏi văn phòng và bệnh nhân không phải ở lại bệnh viện trong nhiều tuần.
Các công nghệ chăm sóc sức khỏe mới đang được giới thiệu để củng cố sự tập trung vào bệnh nhân và cải thiện sự hài lòng của bệnh nhân. Sự xuất hiện của các công nghệ thông minh có thể nâng cao trải nghiệm của bệnh nhân trước, trong và sau khi nằm viện.
Một vài ví dụ
a. Trước khi điều trị, bệnh nhân có thể sử dụng thiết bị đeo hoặc thiết bị viễn thám để phát hiện và ghi lại huyết áp trong thời gian thực. Các thiết bị gửi cảnh báo tự động cho bệnh nhân khi phát hiện một điều bất thường; bệnh nhân sau đó có thể tải lên dữ liệu huyết áp và giao tiếp với nhân viên trực tuyến, những người này sẽ giúp bệnh nhân xác định một chuyên gia thích hợp và xác nhận một cuộc hẹn.
b. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân có thể xác minh danh tính của mình bằng chứng minh thư, dấu vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt. Hệ thống IT tiếp nhận bệnh nhân và thực hiện phân loại tự động, ghi nhận trong hồ sơ loại bảo hiểm mà bệnh nhân có. Hệ thống sau đó giải thích cho bệnh nhân nơi họ nên đi tiếp theo, những kiểm tra và xét nghiệm sẽ được thực hiện. Một khi các kiểm tra và xét nghiệm được hoàn thành, hệ thống sẽ tự động cung cấp kết quả cho bệnh nhân.
c. Sau khi điều trị đã được hoàn tất tại bệnh viện, tất cả dữ liệu của bệnh nhân có thể được tổng hợp trên nền tảng đám mây để tạo báo cáo về điều trị hiện tại. Bệnh nhân có thể kiểm tra kết quả bất cứ lúc nào bằng cách sử dụng thiết bị di động. Thiết bị sẽ gửi lời nhắc tới bệnh nhân về việc tuân thủ thuốc và thông báo về các vấn đề chăm sóc, phục hồi chức năng và bảo hiểm sắp tới. Bệnh viện cũng sử dụng một nền tảng “chăm sóc sức khỏe từ xa” để thường xuyên đánh giá sự phục hồi của bệnh nhân và cung cấp tư vấn khi cần thiết.
Phân tích dữ liệu thông qua big data, AI và IoT, và điện toán đám mây sẽ thu thập được thông tin từ các cảm biến sức khỏe và lưu trữ nó trong các cơ sở dữ liệu bệnh viện. Sử dụng dữ liệu truy xuất, hệ thống bệnh viện thông minh sẽ có thể theo dõi và thông báo cho bệnh viện cũng như bệnh nhân về tình trạng sức khỏe của họ và những loại thuốc cần thiết vào lúc này.
Mặc khác, việc phân cấp và phân quyền cho các đơn vị y tế hoạt động sẽ giảm tải cho các bệnh viện lớn ở tuyến trên. Các bệnh viện thông minh sẽ không phải là nơi cung cấp tất cả các dịch vụ y tế. Thay vào đó, bệnh viện thông minh chỉ cung cấp các dịch vụ chuyên sâu hơn trong một hệ sinh thái rộng lớn hơn.
Trong hệ sinh thái này, các dịch vụ phòng ngừa và các chương trình quản lý chăm sóc sức khỏe, ví dụ, được cung cấp tại các phòng khám, tại phòng tập thể dục và thậm chí trong nhà của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị y tế khác và các “bệnh lý nhẹ” được cung cấp tại các trung tâm cấp cứu.
Xét nghiệm chẩn đoán (dịch vụ chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm) được cung cấp tại các trung tâm độc lập. Bệnh viện chỉ chịu trách nhiệm cho các ca phẫu thuật lớn, chăm sóc đặc biệt, quản lý chấn thương nặng và điều trị các tình trạng cấp tính, nặng, phức tạp khác.
Hack4Growth - Cuộc thi tìm kiếm các ý tưởng đổi mới sáng tạo giải quyết các thách thức phát triển tại Việt Nam - đã trở lại với mùa thứ hai Hack4Growth - Unlimited! Chỉ cần một ý tưởng, nhận ngay 10.000 đô la AWS Credits. Tổng giá trị giải thưởng tiền mặt 32.000 đô la; cơ hội nhận đầu tư lên đến 5.000.000 đô la; Tài khoản cao cấp tại V-Space; Gói phát triển sản phẩm trị giá 20.000 đô la. Đội ngũ 40 Mentor & Advisor đẳng cấp quốc tế như GS. Nguyễn Đức Khương, Shark Việt, Shark Hưng, Hùng Trần, Thức Vũ,... Hack4Growth - Unlimited! đi tìm những giải pháp cho 59 vấn đề thực tế tại 24 tỉnh thành Việt Nam. Tham gia Hack4Growth, để hoàn thiện chính dự án của bạn, và đi tìm lời giải cho Việt Nam. Đăng ký ngay tại: https://www.hack4growth.org/ Facebook: https://www.facebook.com/Hack4Growth.AVSEGlobal/ |
(*) Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương