(KTSG) - Tỷ lệ béo phì tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua, từ mức 12,1% vào năm 2000 tăng lên 22,1% vào năm 2020. Béo phì được báo động là bệnh mạn tính nguy hiểm, là “gốc rễ” của một số bệnh lý nghiêm trọng, gây tử vong cao hơn cả huyết áp hay hút thuốc. Tuy nhiên, người mắc béo phì vẫn tránh né đi khám và điều trị vì sợ bị chê cười và vì khó theo đuổi việc điều trị lâu dài.
- Hơn 250 bệnh được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày
- Bệnh án điện tử bước vào giai đoạn nước rút: vẫn còn nhiều nút thắt cần gỡ

Việt Nam đang đứng trong nhóm đầu của khu vực Đông Nam Á về tốc độ gia tăng tình trạng béo phì, vượt qua cả Indonesia và Ấn Độ. Béo phì không còn là vấn đề của các nước phát triển, mà đang trở thành một bệnh dịch mới tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Đây là nội dung được PGS.TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thông tin trong buổi công bố kết nghiên cứu Action - Việt Nam (những thách thức và kỳ thị trong cuộc sống của người mắc béo phì tại Việt Nam) do Novo Nordisk Việt Nam tổ chức hôm 21-6 vừa qua.
Những con số biết nói
Nghiên cứu Action - Việt Nam được thực hiện vào năm 2022 trên 1.000 bệnh nhân mắc béo phì và 200 nhân viên y tế. Có khoảng một phần ba số người béo phì không thừa nhận bản thân bị béo phì. Cụ thể, trong số những người có chỉ số khối cơ thể BMI cao, chỉ có 56% tự nhận là thừa cân nhẹ, còn gần 10% nghĩ mình hoàn toàn bình thường. Điều này cho thấy, vấn đề lớn không chỉ là cân nặng, mà còn là nhận thức sai lệch về cân nặng của chính bản thân.
“Béo phì là “gốc rễ” của hàng loạt bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ, trầm cảm, suy giảm sinh lý, tổn thương cơ quan nội tạng, tai biến sản khoa, rối loạn giấc ngủ, thoái hóa khớp, vô sinh... Hiệp hội nghiên cứu béo phì châu Á xem béo phì là một bệnh và nó gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể, làm rối loạn các cơ quan trong cơ thể”.
Bác sĩ Tuấn, đồng tác giả của nghiên cứu Action - Việt Nam, cho hay tỷ lệ thừa cân và béo phì của trẻ em trong độ tuổi đi học từ 5-19 tuổi đã tăng gấp đôi trong một thập niên từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ béo phì ở khu vực thành thị là 26,8%, cao hơn đáng kể so với 18,3% tại khu vực nông thôn. Đáng chú ý, tỷ lệ béo phì ở thanh thiếu niên tại TPHCM đã vượt mốc 50% và ở Hà Nội là trên 41%.
Các chuyên gia y tế cho rằng tình trạng tỷ lệ trẻ em béo phì tăng nhanh phản ánh hệ quả của lối sống hiện đại với chế độ ăn uống thiếu kiểm soát, ít vận động, tiếp xúc quá sớm và quá nhiều với các thiết bị điện tử. Ngoài ra, béo phì cũng có nguyên nhân do gen di truyền.
“Gốc rễ” thầm lặng của hàng loạt bệnh nguy hiểm
Theo lời bác sĩ Tuấn, béo phì không còn là chuyện “ăn nhiều, lười vận động” đơn thuần gây nhiều cản trở trong đời sống thường nhật, hay thẩm mỹ mà được xác định là một bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa cần được chẩn đoán và điều trị chuyên sâu như các bệnh mạn tính khác. Có mặt trong buổi công bố hôm 21-6, bác sĩ người Úc chuyên về điều trị béo phì Georgia Rigas cung cấp chi tiết hơn: “Béo phì là “gốc rễ” của hàng loạt bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ, trầm cảm, suy giảm sinh lý, tổn thương cơ quan nội tạng, tai biến sản khoa, rối loạn giấc ngủ, thoái hóa khớp, vô sinh... Hiệp hội nghiên cứu béo phì châu Á xem béo phì là một bệnh và nó gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể, làm rối loạn các cơ quan trong cơ thể”.
Ngoài ra, bác sĩ Tuấn cũng dẫn lại thống kê trong 30 năm (từ năm 1990-2019), số ca tử vong do béo phì tại Việt Nam đã tăng hơn 500% từ hơn 6.300 lên hơn 31.600 trường hợp, cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực. “Những con số này cho thấy béo phì đã trở thành yếu tố nguy cơ gây tử vong nhanh nhất tại Việt Nam, vượt qua các yếu tố khác như tăng đường huyết, tăng huyết áp hay hút thuốc”, vị bác sĩ này thông tin thêm.
Các bác sĩ cho biết hiện nay, bệnh béo phì đã có nhiều biện pháp can thiệp. Việc chủ động chẩn đoán, điều trị sớm sẽ góp phần ngăn ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, đội ngũ y, bác sĩ điều trị béo phì cần có sự đồng cảm, trò chuyện, chia sẻ với người bệnh vì người bệnh dễ bị mặc cảm, tự ti dẫn tới việc không hợp tác điều trị bệnh, bác sĩ Tuấn khuyến nghị.
Bác sĩ Tuấn cho biết hiện có ba cấp độ điều trị béo phì, gồm: (i). tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân về chế độ ăn uống, vận động, sinh hoạt; (ii). điều trị nội khoa (bằng thuốc); và (iii). phẫu thuật. Nhưng bác sĩ Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, phẫu thuật điều trị béo phì không phải hút mỡ thừa mà các bác sĩ sẽ can thiệp trên dạ dày, ruột non để giảm cảm giác đói, thèm ăn liên tục nhằm giảm lượng ăn, giảm sự hấp thu, ăn vào thấy nhanh no nhưng bệnh nhân vẫn khỏe.
Năm 2024, UBND TPHCM đã ban hành “Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại TPHCM từ nay đến năm 2030”. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì vào năm 2030 ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi là dưới 14%; nhóm trẻ từ 5-18 tuổi ở mức dưới 40% và nhóm người trưởng thành dưới 35%. Lượng muối tiêu thụ trung bình của dân số (15-49 tuổi) giảm xuống dưới 8 gam/ngày vào năm 2025 và dưới 7 gam/ngày vào năm 2030.
Một số giải pháp thực thi được đề ra, như huy động các ban ngành, trường học, bệnh viện thực hiện truyền thông, tư vấn cho từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao hiểu biết, thực hành dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là kiểm soát thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó là cung ứng những dịch vụ tư vấn, phục hồi dinh dưỡng, phòng chống thừa cân, béo phì tại cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.