Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bị kiện đạo nhạc – liệu Miley Cyrus có vi phạm luật bản quyền?

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc công ty nắm giữ một phần quyền tác giả ca khúc “When I was your man” kiện Miley Cyrus và các đồng tác giả bài hát Flowers một lần nữa đặt lại vấn đề về mức độ giới hạn bảo hộ trong các tác phẩm nghệ thuật.

“Flowers” là tên một bài hát nổi tiếng của ca sĩ người Mỹ Miley Cyrus - một bài hát được giới trẻ yêu thích, đánh giá cao về chất lượng âm nhạc và gắn liền với đời sống riêng tư của cô. Theo đồn đại của người hâm mộ, Miley Cyrus viết bài hát này như một thông điệp gửi đến người chồng cũ của cô, diễn viên điển trai người Úc Liam Hemsworth. Cũng nhờ bài hát này, Miley Cyrus đã đoạt hai giải Grammy danh giá.

Vụ kiện Miley Cyrus

Tuy nhiên, những ầm ĩ xung quanh bài hát này chưa dừng lại. Ngày 16-9 vừa qua, Công ty Tempo Music Investments đã đệ đơn ra Tòa án California của Mỹ kiện Miley Cyrus và các đồng tác giả của Flowers vì cho rằng bài hát Flowers đã đạo nhái When I was your man - bài hát mà Bruno Mars và nhạc sĩ Philip Lawrence là đồng tác giả. Tempo Music Investments có quyền đệ đơn kiện vì công ty này là chủ sở hữu một phần quyền tác giả bài hát When I was your man, sau khi được Philip Lawrence nhượng quyền tác giả trên bài hát.

Đơn kiện của Tempo Music Investments nhấn mạnh rằng bản nhạc bài hát When I was your man đã được đăng ký quyền tác giả ở Mỹ vào năm 2013. Vào tháng 3-2020, vụ nhượng quyền tác giả từ nhạc sĩ cho công ty cũng đã được đăng ký tại Cục Bản quyền Mỹ với số đăng ký V9975D044 và kể từ đó công ty đã khai thác quyền tác giả từ bài hát này.

Theo Tempo Music Investments, bài hát Flowers của Miley Cyrus đã sử dụng nhiều yếu tố về giai điệu, hòa âm và ngôn từ của When I was your man, kể cả thiết kế âm vực giai điệu (pitch design) lẫn chủ đề lời hát và sự thay đổi hợp xướng. Công ty này trong đơn kiện cũng cho rằng ngay từ đầu người nghe nhạc có thể nhận ra những điểm tương tự giữa hai bài hát một cách dễ dàng. Vì thế, Tempo Music Investments cho rằng cần phải coi Flowers là một tác phẩm phái sinh của bài hát When I was your man và Miley Cyrus đã vi phạm quyền tác giả của Tempo Music Investments khi sáng tác Flowers mà không có sự cho phép của công ty này.

Không thể phủ nhận rằng có những điểm tương tự giữa Flowers và When I was your man, cả hai bài hát đều thể hiện những suy nghĩ và tiếc nuối của ca sĩ về mối quan hệ đã thất bại, cũng như sử dụng những hình ảnh biểu tượng như mua hoa hay cầm tay. Tuy nhiên, dưới góc độ của luật bản quyền, những điểm tương tự nói trên chưa đủ để kết luận rằng bài hát Flowers đã sử dụng một cách bất hợp pháp những yếu tố luật bản quyền bảo hộ.

Để tòa án có thể kết luận rằng bài hát Flowers đã đạo nhái When I was your man, Tempo Music Investments cần phải chứng minh hai điểm chính: (1) các tác giả của Flowers có biết đến bài hát When I was your man và (2) sự tương tự giữa hai bài hát phải có tính đáng kể, mới có thể cấu thành hành vi vi phạm bản quyền.

Ở điểm thứ nhất, không khó để cho Tempo Music Investments chứng minh điều này, vì When I was your man được tung ra khá lâu trước bài Flowers và đạt mức độ nổi tiếng cũng không kém (đạt vị trí số 1 trên Billboard Hot 100 ở Mỹ). Ở điểm thứ hai, Tempo Music Investments có chỉ ra trong đơn kiện một cách chi tiết những điểm tương tự giữa hai bài hát. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng luật bản quyền không bảo hộ ý tưởng, vì thế những tương tự về lời bài hát, chủ đề bài hát không thể coi là yếu tố cấu thành hành vi vi phạm luật bản quyền. Những tương tự về hợp xướng, hòa âm có vẻ như chưa đủ để coi là đáng kể. Tòa án hiện chưa ra quyết định trong vụ tranh chấp này.

Việc của tòa án ngày càng khó hơn

Luật bản quyền bảo vệ các sáng tạo về mặt văn học, nghệ thuật qua việc trao quyền sở hữu cho tác giả. Tuy nhiên, luật bản quyền cũng nhắm tới mục đích thúc đẩy đa dạng hóa sáng tạo qua việc từ chối bảo hộ ý tưởng (các yếu tố mang tính trừu tượng, không được cụ thể hóa dưới một dạng nhất định) hay chỉ công nhận hành vi đạo nhái với những vay mượn đáng kể mà thôi. Cách tiếp cận này để lại một khoảng trống tự do cần thiết để kích thích việc tạo ra các tác phẩm mới, đa dạng hơn chứ không đóng khung, quản lý hoạt động sáng tạo một cách cứng nhắc.

Trong một số trường hợp khác, việc vay mượn yếu tố sáng tạo mang tính rõ ràng, đáng kể sẽ cần phải có sự cho phép của tác giả để có thể sử dụng hợp pháp các yếu tố vay mượn này. Bài hát Hung up của nữ ca sĩ nổi tiếng Madonna có sử dụng một đoạn nhạc trong bài Gimme! Gimme! Gimme! (A Man After Midnight) của Abba chỉ có thể được coi là hợp pháp khi Madonna có được sự cho phép chính thức của Abba sử dụng đoạn nhạc này.

Trường hợp ngược lại, tòa án có thể xử rất nặng hành vi vay mượn, như đối với vụ tranh chấp liên quan tới bài hát Blurred Lines. Các tác giả bài hát này - Robin Thicke và Pharrell Williams đã phải đền bù hàng triệu đô la Mỹ cho gia đình cố nhạc sĩ Marvin Gaye và Bridgeport Music Publishing Company, vì tòa án công nhận rằng Blurred Lines đã đạo nhái bài hát “Got to Give It Up” của nhạc sĩ này.

Hiện nay, mỗi ngày có tới khoảng 60.000 bài hát mới ra đời. Việc lấy cảm hứng hay vô tình tạo ra những nốt nhạc tương tự với bản nhạc có sẵn cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Vì thế, công việc của các tòa án càng khó hơn, vừa phải công tâm, vừa phải đạt được mục đích bảo vệ sáng tạo và khuyến khích thúc đẩy sáng tạo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới