Khi các doanh nghiệp ngày càng phát triển, mở rộng hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, một lớp doanh nhân mới cũng đã xuất hiện với sự trẻ trung, năng động cùng lợi thế cạnh tranh là khả năng quản trị đa lĩnh vực.
Phạm Sơn Tùng là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) mới. Hiện anh đang nắm giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong một DN thuộc ngành hàng bán lẻ và tham gia điều hành một số doanh nghiệp khác trong lĩnh vực proptech (công nghệ bất động sản), healthtech (y tế công nghệ cao)…
Doanh nhân Phạm Sơn Tùng đã chia sẻ về chủ đề đang được phía giới chủ và thị trường lao động trẻ quan tâm nhất hiện nay: “Bí quyết của nghệ thuật và khoa học quản trị đa lĩnh vực”.
PV: Các doanh nghiệp do anh quản lý đều có được tốc độ tăng trưởng bền vững, vượt “cơn gió ngược” trong những năm Covid-19 hay so với tình hình kinh tế chung hiện tại, anh có bí quyết gì chăng?
Ông Phạm Sơn Tùng: Trong đại dịch, toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng, cung cầu, logistic trên cả nước bị đứt gãy và ở thời điểm đấy thì mọi người đều nói về dinh dưỡng miễn dịch chủ động. Sản phẩm của chúng tôi phân phối là sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc tự nhiên, giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Nhờ sự chuẩn bị của đội ngũ và quy trình đã được số hóa từ trước, Covid-19 là một “cú hích” để DN chúng tôi chuyển đổi số toàn diện hơn nữa. Chính điều này đã giúp doanh số trong hai năm Covid-19 tăng trưởng đều trên hai con số, giúp DN giữ vững vị trí trong CLB doanh nghiệp ngàn tỉ cho tới thời điểm hiện tại.
PV: Đâu là công thức chung cần phải có để quản lý và điều hành nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề khác nhau?
Ông Phạm Sơn Tùng: Tôi cho rằng mọi tổ chức, DN đều vận hành dựa trên nguyên lý về quản trị khá cơ bản là Balance Scorecard - một hệ thống quản lý được xem xét toàn diện dưới 4 khía cạnh: tài chính, khách hàng, quá trình hoạt động nội bộ, học tập và phát triển. Khi điều hành công ty, tôi đều xem doanh nghiệp có đạt sự cân bằng hài hòa 4 yếu tố này không.
Ngoài ra, giữa doanh nghiệp startup và các công ty quy mô tương đối lớn luôn có sự khác biệt về giai đoạn cũng như khác nhau về chỉ số đo lường. Vì thế, việc xây dựng đội ngũ, từ sales, marketing, training, IT, nhân sự giữa các công ty sẽ rất khác nhau.
Thực tế, để tìm được những người mà bạn tin tưởng được thì ngoài trình độ chuyên môn là điều kiện tiên quyết thì “quan trọng là thái độ”. Tùy từng doanh nghiệp, từng quy mô kinh doanh, tùy từng nhóm mà ban điều hành sẽ đưa ra các tiêu chí để đánh giá thái độ và có sự chọn lựa phù hợp, nhất là khi tuyển dụng gen Z. Bởi đặc thù phát triển của các bạn gen Z có những nét tính cách riêng, chỉ cần được hướng dẫn và ở vào văn hóa tổ chức phù hợp, các bạn sẽ đi đúng hướng và phát triển tốt.
Rõ ràng, cùng một công thức (framework), nhưng nếu bạn nắm bắt được cách thức hài hòa giữa nghệ thuật và khoa học quản trị ở mỗi lĩnh vực khác nhau thì sẽ giúp DN không ngừng tiến lên.
PV: Quản lý 1 doanh nghiệp start up, đặc biệt về healthtech có những trở ngại gì trong cách áp dụng vận hành trên khi mọi thứ dường như rất mới?
Ông Phạm Sơn Tùng: Startup thường hơn 90% sẽ thất bại trong ba năm đầu. Chothuoctot hiện đã có 3 năm phát triển với nhiều thành tựu và thị phần đã chiếm hơn 10%.
Đúng là với startup thì thu hút và quản trị nhân sự là trở ngại lớn mà nhà quản trị phải ưu tiên giải quyết tốt. Vì mọi thứ đều mới nên yếu tố con người rất quan trọng khi họ sẽ là những người đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng công ty. Với Chothuoctot, tôi rất may mắn khi có được những đồng sự giàu kinh nghiệm triển khai hệ thống thương mại điện tử của ngành dược khi mà chúng tôi đặt mục tiêu trong 05 năm tới, Chothuoctot tiến tới là hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe y tế số 1 tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
PV: Điều hành nhiều DN cùng lúc, vừa tích cực tham gia các hoạt động thể thao bên cạnh đóng góp vào các hoạt động cộng đồng, vậy anh cân bằng các yếu tố work-life blending như thế nào?
Ông Phạm Sơn Tùng: Tôi thường có được cảm hứng liên quan đến công việc khi đi du lịch, khi thể dục thể thao như chạy bộ, xe đạp hay nảy ra ý tưởng mới trong một hội thảo tình cờ tham gia. Từ trong các hoạt động, tôi nhận thấy, yếu tố quan trọng nhất để đạt sự cân bằng chính là tính kỷ luật. Khi mình tuân giữ các kỷ luật thì mình dễ đạt các mục tiêu đề ra, những người xung quanh hoặc trong đội ngũ của mình họ sẽ nhìn thấy và noi theo, từ đó xây dựng nên một văn hóa doanh nghiệp kỷ luật.