(KTSG Online) - Phát biểu bế mạc Hội nghị Thành uỷ TPHCM lần thứ 15 diễn ra chiều 5-7, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên đã xin lỗi về việc chậm trễ trong khen thưởng cho lực lượng y tế. Người đứng đầu Thành ủy TPHCM cho rằng nhắc tới vấn đề này vừa thấy buồn, vừa hổ thẹn vì hành động tri ân cho tuyến đầu chống dịch đã không trọn vẹn.
- TPHCM mới chỉ giải ngân 17% vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2022
- Biến thể BA.5 xuất hiện, TPHCM lo ngại số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại
Chiều 5-7, sau một ngày làm việc, hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI đã bế mạc. Hội nghị đã tập trung thảo luận và thông qua nghị quyết về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm. Qua đó, hội nghị cũng nhận định 6 tháng cuối năm, dù kinh tế - xã hội của TPHCM có nhiều thuận lợi nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Trong đó, nguy cơ lạm phát, giá tiêu dùng tăng cao, thị trường lao động thiếu ổn định, chỉ số cải cách hành chính bị tụt hạng. Triển khai kế hoạch đầu tư công còn chậm, khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực còn thấp. Các vướng mắc, cản trở về thể chế, chính sách hay là thủ tục hành chính còn rườm ra, làm mất nhiều thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã có sự chuyển biến quan trọng, phục hồi nhanh, khá toàn diện. Dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, chuỗi sản xuất cung ứng được khôi phục, số du khách đến TPHCM tăng trở lại…
Bên cạnh đó, thành phố cũng chịu tác động bởi những diễn biến phức tạp từ nguy cơ thiếu hụt nhiên nguyên liệu, vật tư, đầu vào cho sản xuất, giá tiêu dùng tăng cao. Thị trường lao động thiếu ổn định, những vướng mắc chồng chéo về thể chế chậm được tháo gỡ ảnh hướng đến tiến độ triển khai các chương trình đề án trọng điểm của TPHCM.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, việc lãng phí thời gian chính là điều cần nhìn nhận nghiêm túc nhất khi nhìn lại 6 tháng đầu năm nay. Thời gian chờ đợi, thời gian lãnh phí vì sự ách tắc trong thủ tục hành chính đã tạo ra những hệ quả và làm sụt giảm lòng tin, đơn cử là sự chậm trễ, hứa mà không làm hoặc làm không đúng lời hứa.
Lấy dẫn chứng từ việc chậm trễ khen thưởng cho lực lượng y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh năm ngoái, ông Nên cho rằng đây là vụ việc "vừa buồn vừa hổ thẹn".
Ông bộc bạch, dịch bệnh vừa qua là chưa từng có, những chủ trương chính sách nhiều khi vượt khung, trong tình huống đặc biệt phải có chính sách đặc biệt; phải nhận biết tại sao khen, khen ai, nguồn ở đâu... Do đó, lẽ ra bằng mọi giá phải thực hiện, tìm cách thực hiện nhưng thành phố lại để chậm. Việc chậm khen thưởng là sự hổ thẹn với lực lượng tuyến đầu.
“Việc này không trách ai, Bí thư Thành ủy xin nhận lỗi cho sự quan liêu của mình khi đã không kiểm tra, không biết sự việc cho đến khi dự phiên họp về kinh tế xã hội của UBND TPHCM. Với tư cách người đứng đầu Đảng bộ TPHCM, tôi cho rằng đây là bài học đáng để suy ngẫm”, ông Nguyễn Văn Nên nói.
Bên cạnh việc nhìn nhận lại trách nhiệm của các cấp lãnh đạo thành phố thì hội nghị cũng đề cập đến những vấn đề cấp bách của tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Trong đó, nhấn mạnh việc các biến chủng phụ của Omicron là BA.4, BA.5 đã xuất hiện ở TPHCM sau khi xét nghiệm ngẫu nhiên. Cùng thời điểm này số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, thành phố đã ghi nhận 11 ca tử vong.gây nên áp lực lớn cho hệ thống y tế.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các lãnh đạo được phân công phụ trách địa bàn trong dịch Covid-19 phải trở về chỉ đạo phòng chống dịch ở các địa phương, không để dịch chồng dịch. Nếu để dịch chồng dịch thì nguy cơ quá tải là hiện hữu, còn nguy cơ đứt gãy hệ thống y tế là khó tránh khỏi.
Trước đó, vào phiên họp kinh tế xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm và bàn giải pháp 6 tháng cuối năm vào ngày 29-6, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, kinh phí khen thưởng cho nhân viên y tế chống dịch hiện đang bị nghẽn. UBND TP đã giao cho Sở Y tế việc tặng giấy khen cho khoảng 40.000 nhân viên y tế, tình nguyện viên trên cả nước đã đến Thành phố giúp chống dịch. Sở Y tế đã làm xong nhưng kinh phí khen thưởng đến nay vẫn chưa thấy.
Căn bệnh của bộ máy hành chính ở ta gần như trở thành kinh niên rồi. Một là, trên nói dưới không nghe, hoặc nghe không đến nơi đến chốn. Hai là, nói cho nhiều cũng vậy thôi, làm hay không còn tùy. Thực ra, nếu trên dưới đều đàng hoàng, nghiêm túc, chuẩn mực thì không có vấn đề gì. Quan trọng là trên dưới vẫn không thông được nhau.