Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Biến động chính trị tác động lớn đến kinh tế Hàn Quốc

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những biến động chính trị tại Hàn Quốc đã gia tăng sức ép lên thị trường tài chính và nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn. Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á sẽ phải đối mặt với những kịch bản khó lường trong thời gian tới.

Thị trường tài chính chao đảo vì bất ổn chính trị

Trong một bài phát biểu hồi đầu năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol từng cam kết sẽ thúc đẩy niềm tin vào thị trường chứng khoán của nước này, vốn luôn bị định giá thấp so với các thị trường khác.

Tuy nhiên, khi năm 2024 dần khép lại, những kết quả đạt được là hoàn toàn trái ngược. Sắc lệnh thiết quân luật bất thành của Tổng thống Yoon hôm 3-12 và các nỗ lực luận tội ông của phe đối lập đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, làm rung chuyển thị trường tài chính Hàn Quốc.

Chỉ số KOSPI của chứng khoán Hàn Quốc vừa kết thúc tuần giao dịch trước với mức giảm 1,13%. Đồng won Hàn Quốc cũng trở thành đồng tiền có hiệu suất kém nhất trên toàn cầu, với mức giảm khoảng 2% so với đồng đô la Mỹ trong tuần trước - tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 1.

“Những diễn biến chính trị vừa qua càng làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư, vốn đã lo ngại về tính chu kỳ của ngành công nghiệp bán dẫn và sự bất ổn bắt nguồn từ chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump”, ông Moon Jeong-hee, một nhà kinh tế từ Ngân hàng KB Kookmin, cho biết.

Sự bất ổn chính trị cũng thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu. Theo dữ liệu tổng hợp từ Yonhap, trong ba phiên giao dịch từ thứ Tư đến thứ Sáu, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1.090 tỉ won (765,45 triệu đô la) cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc.

Giới chức Hàn Quốc nỗ lực trấn an nhà đầu tư

Sau khi khủng hoảng chính trị bùng phát, giới chức Hàn Quốc đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Bộ Tài chính nước này đã cam kết sẽ huy động mọi biện pháp có thể để ổn định thị trường tài chính và tiền tệ, bao gồm cả việc bơm thanh khoản không giới hạn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng đã tăng cường các biện pháp thanh khoản ngắn hạn và nới lỏng các quy tắc về tài sản thế chấp, cùng nhiều biện pháp khác, nhằm ngăn chặn khủng hoảng tín dụng.

Ông Kim Byung-hwan, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc, khẳng định chính phủ nước này đã sẵn sàng kích hoạt quỹ ổn định thị trường chứng khoán trị giá 35,4 tỉ đô la ngay lập tức và thực hiện các biện pháp khác để giải quyết những lo ngại của thị trường trong trường hợp cần thiết.

Mới nhất, trong một tuyên bố đưa ra hôm Chủ nhật (8-12), Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok đã trấn an thị trường rằng, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn đang vững mạnh và các kế hoạch ứng phó khẩn cấp của chính phủ vẫn đang phát huy hiệu quả.

Ông Choi đã bác bỏ những lo ngại về việc các biến động chính trị hiện tại có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, và chỉ ra khả năng phục hồi của Hàn Quốc trong những giai đoạn hỗn loạn trong quá khứ.

Vị Bộ trưởng Tài chính cũng thúc giục Quốc hội và Chính phủ Hàn Quốc cần hợp tác chặt chẽ để xoa dịu những bất ổn về kinh tế và thị trường nhằm khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư.

“Điều quan trọng là phải duy trì mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc”, ông Choi cho biết, đồng thời nói thêm rằng chính phủ sẽ tích cực trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài và cộng đồng quốc tế để họ hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế và các biện pháp của Chính phủ Hàn Quốc.

Những kịch bản khó lường đang chờ đợi

Các công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings, S&P và Moody’s vẫn giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc bất chấp những biến động chính trị. Tuy nhiên, các công ty này cũng cảnh báo, xếp hạng có thể thay đổi và áp lực giảm lên nền kinh tế Hàn Quốc sẽ gia tăng nếu tình hình chính trị hiện tại vẫn tiếp diễn.

Câu hỏi đang được nhiều nhà đầu tư đặt ra, là diễn biến chính trị tại Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Mặc dù Tổng thống Yoon đã tránh được nguy cơ bị luận tội trong cuộc bỏ phiếu hôm 7-12, khả năng điều hành đất nước của ông trong nửa nhiệm kỳ còn lại hiện vẫn đang là dấu hỏi lớn, vì những rủi ro pháp lý và những nỗ lực mới của đảng Dân chủ (DP) đối lập nhằm buộc ông phải rời nhiệm sở. Nhiều cuộc điều tra cũng đã được mở nhằm vào ông Yoon và các quan chức khác liên quan đến lệnh thiết quân luật, với những cáo buộc liên quan đến tội nổi loạn, lạm dụng quyền lực, cùng nhiều tội danh khác.

Công ty nghiên cứu TS Lombard có trụ sở tại Anh dự báo, trong trường hợp Tổng thống Yoon phải ra đi, một cuộc bầu cử sẽ được tiến hành, và có thể dẫn tới thắng lợi của đảng Dân chủ đối lập. Chính phủ mới có thể tăng chi tiêu tài chính, cải thiện tăng trưởng GDP cũng như có mối quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc.

Ngược lại, nếu cuộc bầu cử bị trì hoãn cho tới sau tháng 4-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ bị suy giảm nhẹ. Ông Gareth Leather, nhà kinh tế cấp cao phụ trách khu vực châu Á tại Capital Economics, cũng tin rằng sự bế tắc chính trị kéo dài sẽ là kết quả tồi tệ nhất đối với thị trường tài chính và nền kinh tế Hàn Quốc.

Chuyên gia này cho biết, Thái Lan - quốc gia đã chịu tác động nặng nề bởi tình hình chính trị bất ổn kể từ sau cuộc đảo chính hồi năm 2006, là một ví dụ rõ nét cho thấy, sự bất ổn trong bộ máy lãnh đạo có thể kìm hãm nền kinh tế như thế nào. “Cuộc tranh chấp giữa các bên vẫn chưa thực sự kết thúc dù 18 năm đã trôi qua. Điều này đã thực sự ảnh hưởng đến kinh tế, khiến đầu tư suy giảm mạnh và cản trở tăng trưởng”.

Chia sẻ quan điểm trên, các chuyên gia tại ING cũng nhận định, các diễn biến chính trị trong thời gian tới sẽ tác động lớn đến nền kinh tế. Sau cuộc luận tội tổng thống gần đây nhất hồi năm 2017, tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng đáng kể và hoạt động kinh tế chậm lại trong một thời gian.

Những tác động dài hạn đến nền kinh tế

Việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị sẽ là điều rất quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc vốn đã gặp nhiều khó khăn. Trong quí 3, nền kinh tế nước này chỉ đạt mức tăng trưởng hàng quí 0,1%, sau khi đã giảm 0,2% trong quí 2. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tuần qua đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Hàn Quốc từ 2,2% xuống còn 2,1%.

Hiệu suất của thị trường chứng khoán cũng khá yếu, ngay cả khi khủng hoảng chưa xảy ra và đã lao dốc 8,55% kể từ đầu năm. Dù Hàn Quốc là quê hương của những tập đoàn khổng lồ nổi tiếng toàn cầu như Samsung và Hyundai, cổ phiếu của các công ty này từ lâu đã bị định giá thấp so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu vì các yếu tố rủi ro địa chính trị, quản trị doanh nghiệp yếu kém, và các cải cách thiếu hiệu quả.

Một ví dụ rõ nét về sự định giá thấp này có thể kể đến việc giá trị vốn hóa thị trường của hãng công nghệ Apple hiện cao gấp khoảng 14 lần so với Samsung Electronics, viên ngọc quý của Tập đoàn Samsung, mặc dù doanh thu của công ty Mỹ chỉ cao hơn khoảng 30% so với đối thủ Hàn Quốc.

Những khó khăn với nền kinh tế và thị trường tài chính được dự báo sẽ còn gia tăng hơn nữa trong bối cảnh chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ triển khai những chính sách bảo hộ thương mại mạnh mẽ đe dọa đến ngành xuất khẩu - trụ cột của kinh tế Hàn Quốc. Sự mất ổn định về chính trị, sẽ khiến Hàn Quốc khó có thể đưa ra những chính sách ứng phó kịp thời.

Tuy vậy, bà Soohyung Lee, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ tại BoK và là Giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết bà không tin rằng cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay sẽ có tác động tiêu cực lâu dài đến nền kinh tế hoặc danh tiếng của đất nước.

Bà Lee cho biết: “Mặc dù sự kiện này là bất ngờ và gây ra một số bất ổn, nhưng phản ứng nhanh chóng và có trật tự của chính phủ chứng tỏ rằng Hàn Quốc có đủ khả năng giải quyết những thách thức chính trị khó lường, không để bất kỳ cá nhân hay nhóm nhỏ nào làm chệch hướng hệ thống”.

Cũng theo bà Lee, sự phục hồi nhanh chóng của Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho thấy, nước này hoàn toàn có khả năng thoát khỏi nghịch cảnh một cách mạnh mẽ. “Dựa trên lịch sử phục hồi và thích ứng này, tôi vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Hàn Quốc”.

Nguồn: Al Jazeera, Korea Times, Kedglobal, New York Times, Financial Times, Business Insider, ING

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới