(KTSG Online) - Thị trường nông sản thế giới chuẩn bị bước vào một năm 2025 đầy thách thức khi các căng thẳng thương mại, thời tiết khắc nghiệt cùng với chuyển động trên thị trường tiền tệ dự kiến sẽ làm tăng sự biến động giá cả khắp ngành này.
- Hạn hán trầm trọng ở Brazil đe dọa nguồn cung hàng hóa nông nghiệp toàn cầu
- Giá cà phê bùng nổ kỷ lục giữa mối lo thiếu hụt nguồn cung
Giới chuyên gia nhận định, các mặt hàng như dầu cọ, ca cao và cà phê sẽ duy trì mức giá cao nhờ các yếu tố cơ bản mạnh mẽ gồm nhu cầu tăng trong khi nguồn cung thắt chặt. Trong khi đó, đồng đô la Mỹ dự kiến mạnh lên trong năm tới, có thể gây áp lực lên các nông sản khác được định giá bằng đồng bạc xanh.
Theo Jonathan Parkman, người đứng đầu bộ phận kinh doanh hàng hóa nông nghiệp của hãng môi giới hàng hóa Marex (Anh), ca cao và cà phê sẽ là những mặt hàng có thể tăng giá vào đầu năm 2025. Trong phiên giao dịch hôm 16-12, giá ca cao kỳ hạn ở thị trường New York, tăng đến 5,5%, lên 11.925 đô la Mỹ/tấn, vượt qua mức kỷ lục 11.722 đô la/tấn được thiết lập hồi tháng Tư. Mưa lớn ở Tây Phi, vùng sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, dẫn đến tỷ lệ chết cao của nụ ca cao trên cây, đẩy giá mặt hàng tăng cao đột biến.
Trong khi đó, nguồn cung dồi dào trên thị trường ngũ cốc sẽ giúp kiểm soát giá cả trong năm tới.
Oska Tjakra, nhà phân tích của ngân hàng nông nghiệp Robobank (Hà Lan) lưu ý, bên cạnh cà phê và ca cao, các mặt hàng nông nghiệp như cao su tự nhiên và dầu cọ đã tăng giá ít nhất 20% trong năm nay khi nguồn cung eo hẹp do thời tiết bất lợi và các đồn điền già cỗi.
Giá hợp đồng dầu cọ kỳ hạn vào hôm 12-12 đạt mức 3.921 ringgit (739,4 đô la Mỹ) /tấn, đánh dấu mức tăng 36,6% trong năm nay.
Tjakra nhận định, thị trường dầu cọ toàn cầu sẽ tiếp tục được thắt chặt trong 2025 do sản lượng hàng năm ở Indonesia và Malaysia, hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới, chỉ ở mức hạn chế. Kết hợp với sự tăng trưởng nhu cầu diesel sinh học ở Indonesia, điều này sẽ khiến nguồn cung dầu cọ thiếu hụt trong niên vụ 2024-2025.
Nhà phân tích này cho rằng, nguồn cung thiếu hụt của các loại dầu ăn khác (dầu hạt cải, hướng dương, đậu nành) cũng sẽ hỗ trợ giá dầu cọ.
Jonathan Ng và Ahmad A Enver, hai nhà kinh tế ASEAN ở ngân hàng OCBC (Singapore) dự báo, giá dầu cọ sẽ duy trì ở mức cao hiện nay cho đến hết quí 1-2025 trước khi trở lại mức bình thường từ quí 2. Hai nhà kinh tế này nâng dự báo giá dầu cọ trong năm 2025 lên mức trung bình 4.200 ringgit/tấn.
Các bất ổn địa chính trị càng làm phức tạp triển vọng thị trường hàng hóa nông nghiệp. Theo Parkman của Marex, các thị trường có quy mô nhỏ hơn như cà phê và ca cao chủ yếu chịu sự chi phối của điều kiện thời tiết ở những nước sản xuất. Trái lại, các thị trường lớn hơn như lúa mì, bắp và đậu nành chịu tác động lớn từ những căng thẳng địa chính trị.
Căng thẳng thương mại dự kiến gia tăng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump sẽ gây ra rủi ro đáng kể cho hoạt động xuất khẩu thực phẩm và hàng hóa nông nghiệp (F&A) của Mỹ, đặc biệt là đậu nành.
Các nhà phân tích của Robabank lưu ý, Trung Quốc, thị trường F&A lớn thứ ba của Mỹ đã giảm mua từ Mỹ trong những năm gần đây. Trong 24 tháng qua, nhập khẩu F&A của Trung Quốc từ Mỹ giảm 27% so với mức đỉnh của năm 2022, góp phần làm giá bắp và đậu nành giảm.
Rủi ro đối với những mặt hàng nông nghiệp này trong năm tới là kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc của ông Donald Trump sẽ khơi mào hành động trả đũa nhằm vào các mặt hàng F&A của Mỹ. Giá đậu nành đặc biệt nhạy cảm với căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vì Trung Quốc chiếm hơn 51% xuất khẩu mặt hàng này của Mỹ.
Ano Kuhanathan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu doanh nghiệp của hãng cung cấp bảo hiểm tín dụng thương mại Allianz Trade, cho biết. Mỹ là nhà sản xuất lớn các mặt hàng nông nghiệp quan trọng như bắp, đậu nành và lúa mì. Do vậy, nếu nông dân Mỹ thu hẹp sản xuất những nông sản này trong trường hợp Trung Quốc áp thuế trả đũa, giá cả trên toàn cầu sẽ chịu tác động lớn.
Theo Business Times