Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Biến rủi ro, thách thức thành cơ hội khởi nghiệp du lịch

Quốc Tuấn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Điểm nhấn của khởi nghiệp du lịch Quảng Nam trong thời gian gần đây là nhiều startup (nhà khởi nghiệp) đã vận dụng linh hoạt nhiều nguồn lực khác nhau, biến thách thức thành cơ hội chứ không chỉ biết dựa vào nguồn tài nguyên bản địa như trước đây.

Cuối tháng 8 vừa qua, “Khu vườn Hội An” tại TP. Wernigerode (Đức) - thành phố kết nghĩa với TP. Hội An (Quảng Nam) - được khánh thành. Khu vườn trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật từ gỗ. Và nguyên liệu của các tác phẩm nghệ thuật này được trục vớt từ củi lụt trôi từ thượng nguồn xuống hạ lưu theo dòng sông Thu Bồn.

Biến những thứ bỏ đi thành tài nguyên du lịch

Lò gạch cũ tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đang là điểm đến được du khách yêu thích. Ảnh: Quốc Tuấn

Những thanh củi vô tri, vô giác và tưởng như vô dụng trôi lững lờ ra biển đã thôi thúc ông Lê Ngọc Thuận - Giám đốc Công ty tổ chức sự kiện lễ hội An Bàng - phải làm điều gì đó và thế là dự án “Làng củi lũ” ra đời. Những tác phẩm nghệ thuật từ củi lũ chứa đựng cả một dòng chảy văn hóa bản địa từ trên nguồn xuống biển. Nó hòa quyện văn hóa yêu cây, giữ rừng của đồng bào Cơ tu đến sự sáng tạo, tài hoa của những người thợ mộc Quảng Nam.

Ông Lê Ngọc Thuận bộc bạch: “Không dễ gì để chúng ta có thể đem sản phẩm hình thành từ phế phẩm ra nước ngoài. Và chính sự sáng tạo từ tri thức bản địa của cộng đồng đã làm được điều này”.

Cách TP. Hội An không xa, một điểm du lịch đang rất cuốn hút với du khách là Lò gạch cũ (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên). Từ một lò gạch cũ - “di sản” của thời bao cấp đã bỏ hoang hàng chục năm trời - bỗng chốc thành điểm đến “gây sốt” với du khách, nhất là giới trẻ.

“Nhiều năm trước, khi tôi bắt đầu ý tưởng kinh doanh ở lò gạch hoang này, ai cũng nói tôi có vấn đề. Đã có nhiều sự thay đổi ở đây, bao gồm thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp cũng như phương thức bán hàng. Cánh đồng, ụ rơm, bụi chuối đều có thể là tài nguyên phát triển du lịch. Hầu hết khách hàng tìm đến với lò gạch cũ đều là những người yêu mến tự nhiên”, bà Lê Thị Thanh Nga - chủ thương hiệu Lò gạch cũ farmstay nói.

Hai mô hình này được chia sẻ tại Diễn đàn khởi nghiệp du lịch, hướng phát triển xanh và bền vững vừa được tổ chức tại Quảng Nam là minh chứng điển hình cho việc các start-up địa phương miền Trung này tìm thấy cơ hội khởi nghiệp từ rủi ro thiên tai cũng như các sự vật tưởng như không còn hữu dụng.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam - cho rằng các mô hình khởi nghiệp trên hình thành, phát triển đã nhận được sự đánh giá cao của du khách và người mua.

Ngoài đóng góp tích cực trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch nông thôn thì nó cũng đã góp phần giới thiệu về những sản phẩm, văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người Quảng Nam.

Định hình lại tư duy khởi nghiệp

Cùng với xu hướng phát triển xanh đang được thúc đẩy, khởi nghiệp theo hướng xanh bền vững dựa trên giá trị bản địa gần như lối đi bắt buộc nếu các start-up muốn sản phẩm của mình có chỗ đứng bền vững trên thị trường trong bối cảnh mới hiện nay.

Trình diễn các sản phẩm thuộc dự án “Làng củi lũ” tại một sự kiện được tổ chức trong phố cổ Hội An. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo ông Phạm Thanh Tùng - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và du lịch nông nghiệp - khởi nghiệp du lịch trong thời điểm này là đúng đắn và có nhiều thời cơ thuận lợi. Tuy nhiên muốn “khởi” trước hết cần có “nghiệp”. Tuy nhiên, tình trạng chung lâu nay của các start-up trẻ ở Việt Nam là chưa có “nghiệp” đã muốn “khởi”.

“Tư duy khởi nghiệp sẽ quyết định lớn đến khả năng thành công dự án khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp du lịch nông nghiệp. Cần thoát khỏi tư duy lối mòn là mua đất, thuê đất để khởi nghiệp khi chưa đủ điều kiện, nguồn lực mà nên tính giải pháp hợp tác với các hộ nông dân có sẵn nguồn lực này để phát triển dự án. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho nhiều bên và giúp chúng ta tích luỹ nội lực trước khi tính chuyện lớn hơn”, ông Tùng nói.

Trong khi đó, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam – chia sẻ trước khi muốn khởi nghiệp hay làm điều gì chúng ta cần phải quay lại “back to basic” - quay về giá trị căn bản để nhìn lại cách vận hành của tự nhiên. “Từ những điều bình thường nhất, chúng ta sẽ nhìn thấy cơ hội và nhận ra vô số sự sáng tạo”, ông Thanh diễn giải. “Trong cơ hội tăng trưởng xanh như hiện nay, dư địa cơ hội của người khởi nghiệp là rất lớn. Các tập đoàn lớn chưa chắc đã có thể chuyển đổi nhanh, thích ứng tốt bằng các doanh nghiệp, mô hình mới ra đời nhưng có ý tưởng hay phù hợp với thời đại”.

Từ Diễn đàn khởi nghiệp du lịch, hướng phát triển xanh và bền vững, có thể nhận thấy khởi nghiệp du lịch hiện tại không đơn thuần chỉ là khai thác tốt tài nguyên bản địa mà cần nương tựa vào hệ sinh thái bản địa để tạo ra giá trị tiếp tục tái tạo, bồi đắp nó ngày một bền vững hơn.

Và ở Quảng Nam, điều này không còn là khái niệm mà đang dần cụ thể hóa bằng hành động. Nó vẫn đang âm thầm lan tỏa và dĩ nhiên được đón nhận tích cực từ thị trường…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới