Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Biến tướng của dịch vụ cầm đồ – góc nhìn pháp lý

Lưu Minh Sang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Bài viết giải mã một số hiện tượng biến tướng điển hình của dịch vụ cầm đồ tại Việt Nam dưới góc độ pháp lý và cung cấp thêm góc nhìn tham khảo từ pháp luật của Thái Lan, Singapore và Đài Loan.

Bùng… nổ!

Theo thống kê của Bộ Công an, toàn quốc hiện có hơn 26.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Các cơ sở này có đóng góp quan trọng vào mục tiêu tài chính toàn diện vì phục vụ cho một số lượng lớn khách hàng dưới chuẩn, không đủ điều kiện để tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, song hành với sự phát triển và các hoạt động tuân thủ pháp luật, rất nhiều hoạt động biến tướng đã và đang diễn ra tại thị trường dịch vụ cầm đồ. Điển hình và phổ biến nhất là tình trạng đòi nợ theo kiểu “luật rừng”, khủng bố và cho vay với lãi suất thực rất cao, thậm chí cho vay lãi nặng.

Giải mã ma trận lãi, phí

Trên thực tế, khi vay tiền từ một số cơ sở cầm đồ, người đi vay đang phải gánh chịu một nghĩa vụ tài chính khá lớn mà ẩn sau đó là một ma trận lãi, phí. Bên cạnh tiền lãi được tính trên lãi suất danh nghĩa với mức dưới 20%/năm, hàng loạt loại phí được tính kèm theo như phí thẩm định khoản vay, phí quản lý tài sản cầm cố, phí tư vấn, phí bảo hiểm, phí ký gửi, phí lưu kho…

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng phải dùng “hạ sách” để đòi nợ là do cơ sở cầm đồ không nắm giữ tài sản cầm cố nên không thể xử lý tài sản cầm cố để thu hồi nợ. Thay vào đó, cơ sở cầm đồ tiến hành ký kết hợp đồng cho người vay mượn lại, thuê lại tài sản cầm cố và thu phí.

Thậm chí, một số cơ sở cầm đồ còn ký hợp đồng cho chính người vay tiền thuê lại tài sản cầm cố rồi thu tiền thuê tài sản. Nếu quy đổi toàn bộ số tiền này ra lãi và tính lãi suất thì tỷ lệ lãi suất mà người vay tiền đang gánh chịu có thể lên đến gần 100% hoặc vượt quá 100%.

Sở dĩ có tình trạng này là bởi vì theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì lãi suất cho vay cầm đồ không được vượt quá lãi suất cho vay tối đa là 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Trong khi đó, quy định về các loại phí có thể được áp dụng trong dịch vụ cầm đồ vẫn còn là một khoảng trống.

Pháp luật cũng không có quy định nào mang tính minh thị về việc tỷ lệ lãi suất tối đa được áp dụng là tính trên lãi suất danh nghĩa ghi nhận trên hợp đồng hay lãi suất thực tế mà người vay phải trả cho cơ sở cầm đồ được tính trên khoản giá trị chênh lệch giữa số tiền vay và số tiền phải trả. Do đó, thiếu cơ sở pháp lý để kết luận rằng cơ sở cầm đồ đang áp dụng mức lãi suất trái quy định pháp luật hay đang thực hiện hành vi cho vay lãi nặng.

Đối sánh vấn đề này vào luật một số nơi có dịch vụ cầm đồ phát triển như Thái Lan, Singapore, Đài Loan, có thể thấy rất rõ đây là một lỗ hổng pháp lý của pháp luật Việt Nam.

Thứ nhất, bản chất của dịch vụ cầm đồ là cho vay có cầm cố tài sản và giá trị tài sản cầm cố sẽ đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của người đi vay. Do đó, dưới góc độ rủi ro thu hồi nợ, đây là một quan hệ cho vay khá an toàn. Cũng vì vậy mà luật về dịch vụ cầm đồ của nhiều nước khống chế mức lãi suất tối đa và thường ở mức khá thấp.

Luật Thái Lan quy định mức lãi suất tối đa 2%/tháng đối với khoản vay không quá 2.000 baht và 1,25%/tháng với số tiền vay vượt quá 2.000 baht. Trong khi đó, luật của Singapore quy định khống chế tại mức 1,5%/tháng và luật của Đài Loan là 30%/năm.

Thứ hai, để tránh tình trạng cơ sở cầm đồ lách luật để đẻ ra hàng loạt loại phí nhằm thu tiền lãi cao hơn, luật các nước này quy định rất rõ về cơ cấu tiền lãi vay và cách thức thực hiện quyền thu lãi khi cho vay.

Khung pháp lý về dịch vụ cầm đồ ở Việt Nam hiện tại còn khá sơ sài, dựa chủ yếu vào quy định của Bộ luật Dân sự. Điều này dẫn đến hệ quả vô tình đồng nhất hóa dịch vụ cầm đồ với quan hệ cầm cố nói chung và trở thành nguyên nhân của những biến tướng đang xảy ra.

Luật Thái Lan quy định rằng trong trường hợp cơ sở cầm đồ thu bất kỳ khoản tiền hoặc tài sản nào khác ngoài tiền lãi thì các khoản này cũng được xem là tiền lãi. Trong khi đó, tại Đài Loan, các cơ sở cầm đồ không được thu bất kỳ khoản tiền nào khác ngoài tiền lãi và phí lưu kho (mức phí lưu kho không được vượt quá 5% số tiền vay).

Luật Singapore thì quy định rõ các khoản tiền và mức/tỷ lệ tối đa của từng khoản mà cơ sở cầm đồ được phép thu từ người vay tiền. Trong đó, chủ yếu vẫn là tiền lãi, các loại phí được phép áp dụng đều đến từ các công việc phái sinh liên quan đến quá trình xác lập và thực hiện quan hệ vay tiền theo yêu cầu của người vay tiền, đơn cử như phí phát hành thẻ cầm cố khi có sự thay đổi thông tin của người vay tiền là 2 đô la Singapore.

Hay nói cách khác, các công việc mà cơ sở cầm đồ phải làm để xác lập và thực hiện quan hệ vay tiền không được tính phí.

Thứ ba, nếu cơ sở cầm đồ thu các khoản thu không được phép hoặc thu cao hơn mức quy định thì theo luật các nước này, những khoản thu không đúng quy định sẽ không có hiệu lực và được xem là một vi phạm pháp luật, bị xử phạt bằng tiền hoặc thậm chí phạt tù (đối với Thái Lan và Singapore).

Đã cầm giữ đồ sao phải đòi nợ kiểu khủng bố?

Dịch vụ cầm đồ mặc dù mang bản chất của một quan hệ cho vay tiền nhưng không chịu sự điều chỉnh của pháp luật ngân hàng. Bởi lẽ, hoạt động này mang bản chất đặc thù vì nghĩa vụ trả nợ của bên vay được bảo đảm toàn bộ bởi tài sản cầm cố của bên đi vay.

Việc nắm giữ tài sản cầm cố và nắm quyền chủ động xử lý tài sản cầm cố giúp rủi ro của bên cho vay liên quan đến việc thu hồi nợ ở mức rất thấp.

Đồng nghĩa, về nguyên tắc, nếu đến hạn bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bên cho vay thu hồi nợ bằng cách xử lý tài sản cầm cố, hay nói cách khác, bên đi vay sẽ phải từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản cầm cố và bên cho vay không cần thực hiện thủ tục nào khác để đòi nợ.

Do đó, việc nắm giữ tài sản cầm cố là yếu tố tiên quyết để đảm bảo bản chất của quan hệ cho vay dưới tư cách của một dịch vụ cầm đồ và để phân biệt với dịch vụ cho vay tiêu dùng hay cho vay bằng thế chấp tài sản của tổ chức tín dụng.

Dựa trên nguyên tắc này, luật của Singapore quy định tài sản cầm cố sẽ bị tịch thu tại thời điểm sau một tháng kể từ khi cơ sở cầm đồ gửi thông báo về việc tịch thu do bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ (chuộc lại tài sản cầm cố). Sau khi tài sản cầm cố bị tịch thu thì tài sản này thuộc quyền sở hữu tuyệt đối của cơ sở cầm đồ và các khoản nợ của bên vay được xem là đã được hoàn trả đầy đủ.

Đồng thời, luật cũng khẳng định tịch thu tài sản cầm cố là biện pháp duy nhất của cơ sở cầm đồ để thực hiện quyền lợi được bảo đảm của mình. Cơ sở cầm đồ không thể khởi kiện hay thực hiện các hoạt động khác đối với khoản nợ của bên vay.

Luật của Thái Lan và Đài Loan cũng quy định cơ chế tự động chuyển quyền sở hữu tài sản cầm cố từ bên vay sang cơ sở cầm đồ tại một thời điểm nhất định sau khi bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và không được gia hạn.

Như vậy, nếu tuân thủ theo đúng nguyên tắc của hoạt động cầm đồ, hoạt động đòi nợ không thể trở thành một khâu quá nặng nề như những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Theo đó, một số cơ sở cầm đồ tại Việt Nam đã áp dụng biện pháp đòi nợ theo “luật rừng”, kiểu khủng bố để thu hồi nợ từ bên vay. Họ có thể trực tiếp, thông qua dịch vụ mua bán nợ hoặc thông qua sử dụng dịch vụ của một công ty luật/văn phòng luật sư để tiến hành hoạt động này.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng phải dùng “hạ sách” để đòi nợ là do cơ sở cầm đồ không nắm giữ tài sản cầm cố nên không thể xử lý tài sản cầm cố để thu hồi nợ. Thay vào đó, cơ sở cầm đồ tiến hành ký kết hợp đồng cho người vay mượn lại, thuê lại tài sản cầm cố và thu phí.

Đơn cử như vừa qua, cơ quan điều tra đã tiến hành kiểm tra hành chính chín cơ sở cầm đồ tại tỉnh Đồng Nai, phát hiện có đến 1.430 ô tô và xe máy các loại được nhận cầm cố nhưng hầu hết đều không được lưu giữ tại cơ sở cầm đồ mà cho người đến cầm cố tài sản “mượn lại” thông qua một hợp đồng khác có thu phí.

Mặc dù Nghị định 96/2016/NĐ-CP có quy định về việc yêu cầu bố trí kho bảo quản tài sản cầm cố và đảm bảo an toàn đối với tài sản của người mang tài sản đến cầm cố, tuy nhiên, không có quy định nào cụ thể về yêu cầu bắt buộc phải bảo quản tất cả tài sản cầm cố tại kho.

Mãi cho đến khi Nghị định 144/2021/NĐ-CP có hiệu lực vào đầu năm 2022 thì mới bổ sung các quy định xử phạt liên quan đến các hành vi như: (i) nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố trong thời gian cầm cố tài sản; (ii) không bảo quản tài sản cầm cố hoặc bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Ở một góc độ khác, dịch vụ cầm đồ mặc dù được điều chỉnh tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP nhưng tập trung chủ yếu vào các điều kiện đảm bảo an toàn, trật tự và các thủ tục cấp phép. Quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ này vẫn chủ yếu dựa vào quy định của Bộ luật Dân sự đối với chế định cho vay tài sản và chế định cầm cố.

Điều 313.3 Bộ luật Dân sự quy định rằng các bên được trao quyền để thỏa thuận về việc bên nhận cầm cố có được cho thuê, cho mượn hay khai thác tài sản cầm cố hay không.

Như vậy, việc cơ sở cầm đồ cho người mang tài sản đến cầm cố mượn lại, thuê lại tài sản cầm cố để thu phí là hoàn toàn tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự nếu như trong hợp đồng cầm cố ghi nhận sự đồng thuận của các bên về quyền này các cơ sở cầm đồ.

Có thể thấy, khung pháp lý về dịch vụ cầm đồ ở Việt Nam hiện tại còn khá sơ sài, dựa chủ yếu vào quy định của Bộ luật Dân sự. Điều này dẫn đến hệ quả vô tình đồng nhất hóa dịch vụ cầm đồ với quan hệ cầm cố nói chung và trở thành nguyên nhân của những biến tướng đang xảy ra.

Do đó, việc xây dựng một khung pháp lý riêng cho dịch vụ cầm đồ cần được xem là một yêu cầu mang tính cấp thiết nếu như muốn dịch vụ này tiếp tục phát triển một cách lành mạnh và bền vững.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới