(KTSG) - Để ngành du lịch phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, trong đó xác định một trong những mục tiêu quan trọng là thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Ngành du lịch cần phải làm sao để xây dựng, khai thác những điểm đến “có nội hàm”, nhằm chuyển tải được lịch sử, văn hóa Việt, qua đó thu hút du khách quốc tế?
- Biến rủi ro, thách thức thành cơ hội khởi nghiệp du lịch
- Đầu tư hạ tầng, nguồn nhân lực để phát triển du lịch bền vững
Cần phải làm mới những sản phẩm hiện tại và hệ thống lại, khai thác, xây dựng mới những sản phẩm khác!
Mỗi quốc gia hay địa phương có một lịch sử, văn hóa riêng biệt, cần được nghiên cứu khai thác, chứ không thể sao chép, vay mượn từ hình mẫu sản phẩm du lịch của các quốc gia khác hay địa phương khác.
Đất nước hình chữ S của chúng ta, trải dài từ Lũng Cú - Hà Giang đến mũi Cà Mau, mỗi miền, vùng đều có những nét lịch sử, văn hóa đặc trưng, mỗi nơi “địa linh” sẽ sinh ra những “nhân kiệt” khác nhau. Những chi tiết như vậy nếu được khai thác kỹ lưỡng, tái hiện lại công phu, nghệ thuật để giới thiệu với khách thì du lịch Việt Nam sẽ độc đáo và có điểm nhấn riêng hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Đó là người viết muốn nói đến việc dùng “biểu diễn thực cảnh” để tái hiện lại lịch sử, văn hóa Việt phục vụ cho mục đích phát triển du lịch.
Mỗi địa phương đều có những câu chuyện lịch sử và văn hóa riêng biệt nên bước một là xây dựng cốt truyện lịch sử. Theo đó, dựa trên nghiên cứu chi tiết về nền tảng lịch sử và văn hóa độc đáo của nơi đó, lựa chọn một trọng điểm nổi tiếng nhất về du lịch có sẵn tại địa phương này, xây dựng một chương trình biểu diễn thực cảnh để tạo ra một điểm check in mới cho du khách.
Bước hai, thực thi tái hiện lại theo “phương thức hoàn nguyên”: Chúng ta có thể lấy danh lam thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của địa phương làm nền, sau đó xây dựng sân khấu và lồng ghép với phong cảnh chế tác, tái hiện lại khéo léo cuộc sống ngày xưa, câu chuyện lịch sử hay có thể đưa vào cả nhân vật truyền thuyết đi kèm với nơi này. Tất cả các cảnh lịch sử, nhân văn được tái hiện sống động trực tiếp bởi dàn diễn viên thật, được tập luyện công phu theo “phương thức hoàn nguyên” đời thực, sẽ góp phần tái hiện lại đời xưa.
Ví dụ, Đà Lạt có thể nghiên cứu xây dựng một buổi biểu diễn thực cảnh. Sẽ có hình ảnh năm 1893 của bác sĩ Alexandre Yersin - “Người tìm ra Đà Lạt” sau đó đề nghị với Toàn quyền Paul Doumer chọn làm địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho công chức và binh lính Pháp ở Đông Dương. Sẽ có hình ảnh Dinh 1 được ông Bảo Đại sử dụng từ năm 1949-1954 để làm văn phòng làm việc của Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam hay hình ảnh Dinh 3 - biệt điện Quốc trưởng - được sử dụng từ năm 1938-1954 làm nơi nghỉ ngơi mùa hè cho gia đình và nơi làm việc trong thời gian ông làm Hoàng đế Đại Nam rồi Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam… Và đến thời nay, Đà Lạt nổi tiếng là nơi nghỉ dưỡng thơ mộng của du khách.
Bước ba: nghiên cứu tiền/khả thi, lên dự án, tìm nhà đầu tư: biểu diễn thực cảnh, tái hiện lại lịch sử, văn hóa sẽ có sứ mệnh phục vụ cho du lịch, là một xu hướng tất yếu nhưng cần được đặc biệt quan tâm và có các chính sách hỗ trợ đi kèm. Như vậy thì mới có thể tìm được nhà đầu tư chất lượng.
Trên thực tế, các quốc gia có ngành du lịch phát triển như Trung Quốc, Thái Lan, những show diễn văn hóa đều được đầu tư rất ấn tượng - xứng với hầu bao du khách, góp phần tăng thời gian lưu trú và doanh thu cho ngành du lịch. Điển hình, theo thống kê của Trung Quốc, trong sáu tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng chương trình biểu diễn thực cảnh “Ấn tượng Lệ Giang” do Trương Nghệ Mưu đạo diễn, doanh thu đã là 80 triệu nhân dân tệ (tương đương 270 tỉ đồng), trong đó lợi nhuận đạt 33 triệu nhân dân tệ (tức 110 tỉ đồng).
“Hữu xạ tự nhiên hương”, nếu sản phẩm du lịch có chất lượng, dịch vụ tốt, chương trình hay và ý nghĩa, thì cộng với làn sóng truyền thông trong thế giới mạng, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến ngày càng thu hút nhiều khách quốc tế.
Ngoài ra, cũng cần định vị lại thương hiệu du lịch Việt Nam để đẩy mạnh truyền thông trong nước và quốc tế. Việc thiếu chiến lược về định vị thương hiệu du lịch quốc gia, sẽ dẫn tới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu tập trung, dàn trải, không có điểm nhấn và kém hiệu quả.
----------
(*) Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc