(KTSG Online) - Xanh hóa giao thông là xu hướng đang được nhà nước khuyến khích với nhiều chính sách ưu đãi hướng đến tiêu thụ xe điện và phát triển trạm sạc. Tuy nhiên, để hoàn thiện bức tranh tổng thể này thì không thể thiếu một mảnh ghép quan trọng. Đó là, bình chữa cháy chuyên dụng cho xe điện.
- Nỗi lo về pin xe điện từ vụ cháy bi thảm ở Hà Nội
- Chuyển đổi xe điện: hệ thống trạm sạc cũng phải phát triển đồng bộ
Một lần nữa, tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ cháy từ loại pin lithium được dùng phổ biến trên các loại xe điện hiện nay lại được gióng lên.
Khoảng 2 giờ hôm 2-4, một căn nhà ở quận 8, TPHCM bỗng bốc cháy dữ dội, trong số 8 người sống trong nhà, chỉ có 5 người kịp thoát ra. Có đến 3 người thiệt mạng trong đám lửa gồm hai người lớn và một trẻ em. Theo nguồn tin trên báo Tuổi Trẻ Online, nguyên nhân ban đầu xác định vụ cháy xuất phát từ xe đạp điện để trong nhà (1).
Đây không phải lần đầu tiên các vụ cháy với nhiều vụ tử vong xảy ra có liên quan đến xe máy điện để trong nhà. Thống kê sơ bộ thông tin trên báo chí cho thấy, năm 2023 có hai vụ cháy xe điện ở Thanh Hóa và Hà Nội khiến 5 người chết. Sang năm 2024, một vụ cháy nhà trọ kiêm cửa hàng kinh doanh xe máy điện ở Hà Nội khiến 15 người chết (2). Bước sang đầu năm nay, thêm một cửa hàng kinh doanh xe điện ở Bắc Ninh bốc cháy làm một phụ nữ thiệt mạng (3).
Các vụ cháy này có hậu quả rất bi thảm vì chỉ 5 vụ cháy đã khiến số người chết lên đến hơn 20.
Khác với đám cháy thông thường, pin lithium một khi đã cháy thì không thể dập tắt bằng nước hay các loại bình chữa cháy phổ biến như bình CO2 và bình bột. Do bản chất đám cháy pin lithium là do phản ứng hóa học bên trong viên pin nên không cần oxy vẫn cháy được, trong khi bình chữa cháy CO2 hay bột dập lửa theo nguyên tắc cách ly oxy khỏi đám cháy (4).
Ngoài ra, pin lithium khi cháy có nhiệt độ lên đến 600-700 độ C, vì vậy cũng không thể dùng nước để chữa cháy pin xe điện vì nước gặp nhiệt độ cao sẽ biến thành hydro và gây nổ.
Hiện chỉ có một vài loại bình chữa cháy chuyên dụng sử dụng dung dịch gốc nước với công nghệ bọc phân tử mới có thể làm giảm thật nhanh nhiệt độ để dập tắt đám cháy pin lithium. Tuy nhiên, loại bình chữa cháy này có giá khá cao, từ 1 triệu đồng cho bình loại 1kg đến 1,7 triệu đồng cho loại 3kg và 3,3 triệu cho loại 9kg.
Trong khi đó, giá các loại bình chữa cháy thông thường thấp hơn nhiều. Khảo sát giá thị trường đang được một số công ty niêm yết đối với bình chữa cháy có kiểm định thì bình bột MFZL loại 2kg khoảng 250.000 đồng và 4kg khoảng 300.000 đồng. Bình CO2 có giá nhỉnh hơn một chút, chẳng hạn loại 3kg giá khoảng 350.000 đồng.
Như vậy, so với bình chữa cháy thông thường thì bình chữa cháy chuyên dụng cho xe điện có giá cao hơn gấp 5-6 lần.
Với xu hướng xanh hóa giao thông và giá bán đang giảm dần hiện nay, các loại xe đạp, xe máy và ô tô điện ngày càng được tiêu thụ nhiều hơn. Cơ quan quản lý nhà nước cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho tiêu thụ xe điện và phát triển trạm sạc.
Tuy nhiên, để bức tranh tổng thể về giao thông xanh hoàn chỉnh thì không thể thiếu mảnh ghép cực kỳ quan trọng: an toàn cháy nổ xe điện. Ngoài các quy định, quy chuẩn, người dân và doanh nghiệp sử dụng, kinh doanh xe điện cần được hướng dẫn và hỗ trợ trang bị bình chữa cháy pin lithium chuyên dụng.
Để làm điều này, cần nhiều biện pháp đồng bộ. Đầu tiên là cần có chính sách hỗ trợ về thuế, phí đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bình chữa cháy pin lithium để góp phần hạ giá bán. Do chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế, phí hiện nay đã được áp dụng với xe điện và trạm sạc nên việc mở rộng áp dụng đối với sản xuất bình chữa cháy xe điện là hợp lý. Ngoài ra cần có thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước đối với việc nhận chuyển giao hoặc nghiên cứu công nghệ chữa cháy pin lithium để làm chủ công nghệ sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Song song với việc giảm giá bán bình chữa cháy xe điện, cần có thêm quy định về việc bắt buộc trang bị loại bình chữa cháy này ở các nơi có nhiều xe điện như cửa hàng kinh doanh, bãi đậu xe, trạm sạc, nhà trọ, chung cư... Tuy giá bán bình chữa cháy loại này hiện vẫn còn cao nhưng không phải là quá khả năng với các đơn vị kinh doanh nên doanh nghiệp cũng không gặp sức ép tài chính quá lớn khi trang bị.
Đối với người dân, cần hướng dẫn trực quan về an toàn cháy nổ xe điện và có chính sách để khuyến khích người dân có xe điện nên tự trang bị bình chữa cháy chuyên dụng này, chẳng hạn như trợ giá. Khi hiểu rõ và nguy cơ cháy nổ và được hướng dẫn các sản phẩm phù hợp, người dân có thể tự nguyện mua vì sự an toàn của gia đình.
Về lâu dài, các hạng mục đầu tư hệ thống chữa cháy xe điện cần sớm được đưa vào các bản kế hoạch xanh hóa giao thông như một yêu cầu bắt buộc phải có. Chỉ khi làm đầy đủ các điều này thì giao thông xanh mới có thể phát triển an toàn và bền vững.
-----------------------------
(1) https://tuoitre.vn/chay-lon-can-nha-o-xom-cui-quan-8-ba-nguoi-tu-vong-20250402064635766.htm
(2) https://truyenhinhnghean.vn/phap-luat/202405/lien-tiep-cac-vu-chay-no-lien-quan-xe-dien-bo-cong-an-huong-dan-4-dieu-phong-tranh-e3601a4/
(3) https://vnexpress.net/chay-cua-hang-xe-dien-mot-nguoi-tu-vong-4835426.html
(4) https://vtv.vn/xa-hoi/pin-xe-dien-lo-hong-trong-quan-ly-an-toan-chay-no-2023081006540779.htm
Pin, là loại hình thiết bị công nghệ cực cao. Chuẩn hóa/ an toàn, trong đó có an toàn phòng cháy, là tiêu chí sản xuất công nghiệp bắt buộc. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này thì làm sao hàng tỷ thiết bị di động/ cố định, phục vụ liên tục 24/7, lại có thể lưu hành trên phạm vi toàn cầu ? Những vụ cháy nổ xảy ra, luôn có dấu hiệu của hàng trôi nổi, giả, dỏm… không kiểm soát được, hoặc thả nổi chất lương ngay từ khâu bắt đầu sản xuất/ xuất – nhập khẩu… Cứ hình dung, với mỗi xe điện, lại đi kèm một thiết bị chữa cháy nữa, thì có tính khả thi, quá rắc rối cho người sử dụng ? Chặt chẽ đầu vào, là nguyên tắc bất di bất dịch, cần tuân thủ nghiêm túc. Điều này luôn luôn đúng với nhà quản lý/ nhà sản xuất/ người tiêu dùng.
Rõ khổ. Cháy nhà, ra đường ở, chưa kể tổn thất lớn nhất là sinh mạng. Quy chuẩn PCCC, tối cần thiết. Nhưng phải quán triệt ngay từ đầu. Hiện nay hàng ngàn căn hộ/ căn trọ cho thuê… đang phải dừng hoạt động vì không đáp ứng tiêu chuẩn PC. Thiệt hại kinh tế, an sinh xã hội rất là lớn. Đối với chuyện này, đâu phải vào đó, không thể amateur được !
Trên thế giới, ngay cả ô tô điện cao cấp như Mercedes cũng bị cháy nổ, điện thoại cao cấp cũng bị cháy nổ rất nhiều. Khổ một cái là số lượng xe máy xăng cháy gấp nhiều lần xe máy điện nhưng đều bị cháy ngoài đường, còn xe máy điện rất ít bị cháy nhưng đều bị cháy dưới hầm xe lúc mọi người đang ngủ và thiệt hại nhân mạng rất nhiều. Dù điện thoại, xe máy, ô tô điện sản xuất rất chất lượng, nhưng khi cục sạc chính hãng bị hư, người dân ham rẻ mua nhằm cục sạc dỏm hay cục sạc nhanh quá công suất của thiết bị thì vẫn cháy nổ như thường, thậm chí nhiều người còn sạc qua đêm. Nếu có chính sách hỗ trợ cho nhà sản xuất bình chữa cháy gốc nước thì chắc chắn giá thành của bình sẽ giảm rất nhiều, giống như bình chữa cháy bột và CO2 của VN lúc đầu giá rất cao bây giờ chỉ còn hơn 200.000đ bình bột 4kg.