Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bình đẳng xã hội ở đâu trong các vấn đề về môi trường?

Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nỗ lực thích ứng và giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu không chỉ xoay quanh công nghệ năng lượng tái tạo, mà còn cần xem xét đến khía cạnh con người. Tác động của môi trường lên mỗi nhóm đối tượng trong xã hội là không hoàn toàn bình đẳng, thường bị lãng quên và chúng ta cần thay đổi điều đó càng sớm càng tốt.

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam

Vì sao xã hội bất bình đẳng về môi trường?

Ngày nay, các nhà làm chính sách, doanh nhân và nhà đầu tư cũng như mỗi công dân trên toàn cầu đều thấu hiểu tầm quan trọng của môi trường trong việc xây dựng một xã hội bền vững, nơi nhu cầu của con người trong thời đại hiện tại được đáp ứng mà không gây ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng hai chữ “bền vững” không chỉ xoay quanh phát triển công nghệ giúp giảm phát thải các-bon, cải thiện hiệu quả của cơ sở hạ tầng hay nỗ lực trồng rừng. Để đạt được mục tiêu bền vững, chúng ta còn cần hiểu được những mối liên hệ giữa môi trường và những con người sống trong môi trường đó.

Bình đẳng trong các vấn đề về môi trường nghĩa là mọi người đều được bảo vệ trước các yếu tố nguy hại liên quan đến môi trường cũng như cơ hội tiếp cận các lợi ích về môi trường như nhau, không phân biệt các yếu tố như thu nhập, sắc tộc. Bình đẳng môi trường là một khái niệm cần được quan tâm ở phạm vi toàn cầu, tại mỗi quốc gia và địa phương.

Tình trạng bất bình đẳng môi trường diễn ra ở ba góc độ, một là liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu, hai là chất thải và ô nhiễm, ba là chuyển dịch sang năng lượng phát thải các-bon thấp. Nguyên nhân chính đến từ tình trạng cơ sở hạ tầng chưa được phát triển đầy đủ trong cộng đồng và thiếu tiếng nói mạnh mẽ từ phía các nhóm yếu thế để tác động quá trình cải cách chính sách.

Chẳng hạn, tình trạng bất bình đẳng môi trường đầu tiên đến từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như lũ lụt và bão lớn, ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến các nhóm thiểu số ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Báo cáo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho thấy tỷ lệ tử vong do lũ lụt, hạn hán và bão ở các khu vực dễ bị tổn thương cao gấp 15 lần so với khu vực ít bị tổn thương trong giai đoạn 2010-2020.

Cộng đồng người nghèo thường phải sinh sống ở những khu vực dễ xảy ra thiên tai và cái giá đánh đổi quá lớn. Giá nhà ở khu vực ít rủi ro thường cao và nằm ngoài khả năng của họ. Sau khi thiên tai đi qua, họ cũng phục hồi cuộc sống khó khăn và chậm hơn nhóm khác.

Bất bình đẳng môi trường còn thể hiện ở chất thải và ô nhiễm, khi người dân ở gần các vị trí các bãi tập kết chất thải độc hại và khu vực bị ô nhiễm không khí và nước nặng nề, hay các sự cố rò rỉ và tai nạn công nghiệp và tổn hại đến thiên nhiên.

Ở đó, những nhóm yếu thế phải chấp nhận sống trong cảnh nhắm mắt cho qua, thiếu sự bảo vệ trước các yếu tố độc hại trong môi trường và không được tiếp cận những lợi ích của tự nhiên như không khí và nước sạch mà lẽ ra ai cũng đáng được hưởng. Tiếp xúc với hóa chất độc hại và không khí ô nhiễm có thể đẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như bệnh hen suyễn.

Một bất bình đẳng môi trường khác nằm ở quá trình chuyển dịch sang phát thải các-bon thấp và năng lượng sạch. Những công nghệ “xanh” đang chủ yếu phổ biến trong nhóm dân số có thu nhập hoặc điểm tín dụng cao bởi chi phí bỏ ra ban đầu lại khá lớn, điều này khiến nhóm thu nhập thấp rơi vào thế bất lợi khi muốn tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng sạch.

Ngoài ra, khi xem xét các nhóm thiểu số và khác biệt về thu nhập, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự phân bổ không đồng đều trong ứng dụng công nghệ xanh. Mặc dù công nghệ xanh được hưởng nhiều hỗ trợ và ưu đãi về thuế, với người tiêu dùng cá nhân thì những vấn đề này còn khá xa lạ và chưa được phổ biến, đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa.

Các ưu đãi để kích thích giảm số lượng thiết bị phát thải các-bon cao, ví dụ như phương tiện dùng động cơ đốt trong, có thể là một cách giúp các nước đạt được mục tiêu, tuy nhiên, mặt trái của biện pháp này là khó khăn nhóm dân số thu nhập thấp và thiểu số phải gánh chịu. Ví dụ, tháng 10-2019, tại Ecuador đã xảy ra biểu tình lớn sau khi chính phủ thông báo ngừng trợ giá xăng và nhiên liệu khiến giá nhiên liệu tăng cao.

Cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư không thể đứng bên lề

Bình đẳng môi trường là một vấn đề toàn cầu, một thực trạng đang xảy ra tại nhiều nước trên thế giới và chúng ta không thể xem nhẹ nếu muốn hướng tới một thế giới bền vững đúng nghĩa.

Áp lực đòi hỏi công bằng môi trường ngày càng gia tăng từ phía các nhà làm chính sách, nhà đầu tư và người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp cần chủ động đánh giá lại mức độ góp phần tạo ra bất bình đẳng môi trường, bằng cách điều tiết các hoạt động liên quan cộng đồng, phân phối sản phẩm, quy định giám sát và tác động môi trường trong chuỗi cung ứng.

Tại hội nghị COP26 diễn ra vào tháng 11-2021, những quan ngại về bất bình đẳng môi trường cũng đã được nhắc đến, bởi quá trình chuyển dịch sang cân bằng phát thải (net zero) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lực lượng lao động trong những ngành, thành phố và khu vực phụ thuộc vào công nghiệp và sản xuất phát thải nhiều các-bon.

Bên cạnh những tuyên bố về mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới mức 1,5 độ C, các nhà lãnh đạo cũng đưa ra tuyên bố ủng hộ quá trình chuyển dịch công bằng để không ai bị bỏ lại phía sau trên toàn thế giới.

Các cơ quan quản lý và những bên liên quan như nhà đầu tư hay chính người tiêu dùng đang ngày càng tích cực đánh giá những tác động về môi trường và xã hội của các doanh nghiệp, đồng thời kêu gọi các tập đoàn lớn phải có trách nhiệm trước những ảnh hưởng lên xã hội nói chung. Nhiều “gã khổng lồ” có giá trị vốn hóa thị trường và lượng các-bon phát thải còn nhiều hơn cả GDP của các nước đang phát triển, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy biến đổi khí hậu.

Tin vui là nhiều tập đoàn đã bắt đầu điều chỉnh để đóng góp vào mục tiêu net zero chung và đề cao vấn đề ESG hơn. Chúng tôi tin rằng những doanh nghiệp nhận ra được mối tương quan giữa môi trường và bình đẳng xã hội thường đáp ứng tốt với kỳ vọng của các bên liên quan cũng như sáng kiến của cơ quan quản lý, thu hẹp khoảng cách bình đẳng môi trường và đảm bảo lợi nhuận.

Tại HSBC, chúng tôi ủng hộ chuyển dịch công bằng. Điều này được thể hiện trong những nỗ lực hợp tác với các chính phủ nhằm đảm bảo không có bất kỳ cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp hay ngành nghề nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển dịch sang phát thải cân bằng.

Chúng tôi cam kết hỗ trợ khách hàng trong những ngành phát thải các-bon nhiều, nhằm xây dựng những kế hoạch chuyển dịch khả thi thay vì cắt các nguồn tài trợ vốn hay ngưng cung cấp các dịch vụ ngân hàng.

Chúng tôi cũng hiểu cần phải có các giải pháp kết hợp công tư để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng và giúp Việt Nam nói chung thực hiện cam kết khí hậu. Cam kết khí hậu của HSBC Việt Nam là một phần quan trọng trong chiến lược hoạt động của chúng tôi.

35,5% lực lượng lao động Việt Nam dễ tổn thường vì biến đổi khí hậuTác động của khí hậu ngày càng nặng nề, ảnh hưởng đối với nhóm cộng đồng yếu thế càng lớn. Theo báo cáo đánh giá của IPCC, nhiệt độ thì đang tăng lên nhanh chóng khiến các đợt thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Cứ mỗi độ C trái đất nóng thêm, cường độ mưa bão được dự báo sẽ tăng lên 7%, thời tiết nóng cực đoan xảy ra nhiều gấp năm lần.Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Việt Nam, dân số nông thôn là khoảng 63 triệu người, chiếm 65,4% tổng dân số. Cho dù không phải tất cả, thì một số lượng rất lớn trong số họ làm nông hoặc liên quan đến tài nguyên môi trường.Mặc dù nỗ lực để hiện đại hóa nền kinh tế, nông nghiệp vẫn chiếm một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (trong quí 1-2022) và 35,3% lực lượng lao động làm trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Họ chính là những người dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu nhất.

Dũng Nguyễn ghi.

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Bình đẳng lâu nay mới chỉ ở dạng tuyên ngôn chứ chưa phải hoàn toàn là giải pháp, mục tiêu cho hành động. Để có bình đẳng thì người dân không chỉ được ban phát quyền lực, mà còn phải biết tạo ra quyền lực của chính mình. Ví dụ, một nhà máy gây ô nhiễm môi trường, nếu không đạt được sự thỏa thuận về quyền phát thải với cộng đồng dân cư trong khu vực, thì buộc phải dừng hoặc không thể triển khai. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, nhà máy vẫn cứ vận hành, với lý do phục vụ phát triển kinh tế xã hội, hoặc tệ hơn nữa, được chính quyền dung túng, làm ngơ… Lúc đó người dân phải làm gì ? Khi câu trả lời này chưa được giải đáp thì sự bình đẳng cũng chỉ là một mớ lý thuyết mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới