Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bình Định: Doanh nghiệp được yêu cầu tăng cường phòng chống dịch đầu xuân

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trong khu kinh tế và các khu công nghiệp tại Bình Định, các doanh nghiệp được yêu cầu thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh để có phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt.

Một nhà máy sản xuất sản phẩm gỗ tại Bình Định. Các doanh nghiệp tại địa phương này được yêu cầu tăng cường phòng chống dịch ngay từ đầu xuân Nhâm Dần trong bối cảnh tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: binhdinhinvest.vn

Theo ông Cao Thanh Thương, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội, sau Tết Nhâm Dần, cơ quan này sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh, nhắc nhở các doanh nghiệp duy trì các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất.

Trường hợp phát hiện các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý và yêu cầu doanh nghiệp ngừng hoạt động để khắc phục. Bên cạnh đó, Ban quản lý tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của chủ doanh nghiệp, người lao động trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là quy định 5K bên cạnh chủ động tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 tầm soát định kỳ cho người lao động.

Theo ghi nhận, Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp tại Bình Định hiện có 180 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, với hơn 20.800 lao động đang làm việc.

Đến nay, 100% số lao động trên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, trong khi 100% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo quy định và phương án xử lý khi có ca F0.

Từng doanh nghiệp đã có phương án phòng, chống dịch cụ thể, sát với thực tế. Những doanh nghiệp có đông công nhân đã thực hiện phương án “3 tại chỗ”, luân phiên công nhân làm việc theo ca, kíp, hạn chế tiếp xúc gần lẫn nhau.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, hằng ngày, 250 công nhân lao động tại các dây chuyền sản xuất thức ăn gia súc đã thực hiện “3 tại chỗ”. Định kỳ từ 3 - 5 ngày, công ty phối hợp với cơ quan y tế tổ chức test tầm soát cho công nhân để kịp thời phát hiện các ca F0. Đối với các xe vận chuyển cám đi tiêu thụ, khi vào công ty được tiêu độc, khử trùng chặt chẽ, tài xế được yêu cầu ngồi yên trên ca bin để tránh lây lan nếu có mầm bệnh.

Hay như Công ty Ccổ phần công nghệ gỗ Đại Thành cũng đã thực hiện nghiêm phương án sản xuất “3 tại chỗ”, bố trí các phân xưởng làm việc thông thoáng khí, giữ khoảng cách an toàn giữa công nhân tại các dây chuyền sản xuất; bố trí nước sát khuẩn, dung dịch rửa tay tại các vị trí làm việc, yêu cầu 100% công nhân, người lao động đeo khẩu trang trong lúc làm việc; tổ chức đo thân nhiệt trước khi vào ca; thường xuyên xét nghiệm tầm soát…

Ông Cao Thanh Thương chia sẻ hầu hết các doanh nghiệp đã quan tâm đến công tác phòng, chống dịch với mục đích an toàn để sản xuất. Các công nhân nghiêm chỉnh chấp hành quy định đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc khi làm việc. Những công ty có đông công nhân đã thực hiện tốt phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”, “vùng xanh an toàn”…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới