Thứ ba, 10/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bình Định tìm cách tháo gỡ điểm nghẽn cho các dự án đầu tư

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Bình Định với các doanh nghiệp diễn ra vào đầu tuần này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã có phản hồi với những kiến nghị của các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp đang có dự án tại tỉnh miền Trung này, nhằm một phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó giúp kinh tế Bình Định có sự tăng trưởng tốt hơn.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng GRDP của tỉnh Bình Định đạt 6,46%, giảm 0,96 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đại diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, hầu hết các ngành kinh tế có sự tăng trưởng trong nửa đầu năm nhưng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái (ngoại trừ nông, lâm, thủy sản).

Một góc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Địa phương này đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư và kinh doanh để đạt kết quả tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong 6 tháng còn lại năm 2023. Ảnh: Nhân Tâm

Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 542 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.733,32 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm trước giảm 17,2% về số doanh nghiệp và giảm 12,6% về vốn đăng ký.

Theo đánh giá từ ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp không còn đơn hàng, lao động tạm nghỉ việc. Du lịch có sự tăng trưởng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng trong khi đó số lượng doanh nghiệp mới thành lập không nhiều.

Giải ngân vốn đầu tư công tuy nằm trong nhóm có tỷ lệ cao so với cả nước (đạt 34,89% kế hoạch vốn do Hội đồng nhân dân tỉnh giao và đạt 43,91% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao) nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn. Thị trường bất động sản trầm lắng chưa có dấu hiệu phục hồi.

Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp đang có dự án đầu tư để tìm cách giải đáp, xem đây là giải pháp quan trọng để tháo gỡ điểm nghẽn, giúp phục hồi kinh tế, đặc biệt là các dự án có liên quan đến thủ tục bất động sản.

Trong đó, có nhiều doanh nghiệp kiến nghị được thành lập doanh nghiệp con để thực hiện các dự án đầu tư nhằm tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng để bổ sung vốn cho dự án, đồng thời nộp thuế cho địa phương nơi thực hiện dự án.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, một khi công ty được UBND tỉnh chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án thì không cần phải thành lập doanh nghiệp khác để thực hiện dự án. Trường hợp, có nhu cầu thành lập công ty con (100% vốn của công ty mẹ) để thực hiện dự án thì doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (nếu có) với cơ quan nhà nước. Đồng thời doanh nghiệp con này phải đáp ứng được năng lực tài chính để thực hiện dự án này, có ngành nghề phù hợp, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập doanh nghiệp phải phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp và hoàn thành nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước (nếu có) theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Điều 52 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đầu tư.

Đầu tư công và bất động sản là hai điểm nghẽn lớn mà tỉnh Bình Định đang tìm cách tháo gỡ. Ảnh: Nhân Tâm

“Chúng tôi đang thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan như thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xây dựng… để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai sớm dự án và đưa vào hoạt động”, ông Nghi nói và cho biết thêm thực tế hiện nay tỉnh đã thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư tại các cơ quan liên quan của tỉnh, và đã cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư từ 32 ngày xuống còn 25 ngày.

Cũng tại buổi đối thoại này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết mỗi năm tỉnh tổ chức 1 - 2 lần đối thoại với doanh nghiệp. Đặc biệt, năm nay nền kinh tế suy thoái nên có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, cấp bách hơn. Vì vậy lần đối thoại này rất quan trọng để tỉnh có thể tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bình Định thu hút được 42 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 10.000 tỉ đồng và thực hiện điều chỉnh vốn cho 22 dự án với vốn tăng thêm 3.489,04 tỉ đồng. Dự kiến giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 4.100 lao động.Trong khi đó, trong nửa đầu năm nay Bình Định chỉ thu hút 1 dự án FDI đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư là 81.065 đô la và có 4 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn điều chỉnh tăng 26,28 triệu đô la.Cả tỉnh hiện có 87 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,13 tỉ đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới