Bình Dương cấp 29 giấy phép đầu tư hơn nửa tỉ đô la
Quốc Hùng
Các nhà đầu tư Nhật Bản nhận giấy phép đầu tư tại tỉnh Bình Dương cùng với ông Lê Thanh Cung (thứ 3 từ trái sang) và Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM (thứ 2 từ trái sang) -Ảnh: Quốc Hùng |
(TBKTSG Online) - Ngày 19-3, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho 29 dự án đầu tư nước ngoài gồm đầu tư mới và tăng thêm vốn với tổng vốn đăng ký là trên 547 triệu đô la Mỹ.
>>> Thu hút FDI tại Bình Dương sẽ vượt 2,6 tỉ đô la
>>> Aeon (Nhật) xây siêu thị ở Bình Dương
Trong số này có 16 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký là gần 376 triệu đô la Mỹ và 13 dự án đang hoạt động trên địa bàn tỉnh điều chỉnh tăng thêm vốn với tổng vốn tăng thêm khoảng 171 triệu đô la Mỹ.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Đài Loan vẫn chiếm đa số.
Lĩnh vực sản xuất vẫn chiếm đa số trong đợt trao giấy chứng nhận đầu tư lần này, nhưng theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương hiện nay xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh cả lĩnh vực dịch vụ như thương mại, bất động sản, và sản xuất với các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao thuộc lĩnh vực công nghệ cao.
Với các dự án đầu tư mới trong đợt trao giấy phép này phải kể đến dự án khu phức hợp VSIP Bình Hòa - Bình Dương do Công ty liên doanh khu công nghiệp Việt Nam -Singapore (VSIP) đầu tư trên diện tích 6,8 ha trong khu VSIP 1, thị xã Thuận An, gồm đầu tư xây dựng quản lý và vận hành một khu dân cư gồm văn phòng cho thuê, nhà chung cư, nhà ở cho chuyên gia. Dự án có tổng vốn đăng ký hơn 199,6 triệu đô la Mỹ, dự kiến sẽ cho khởi công xây dựng vào cuối năm nay.
Trong khi đó đại diện Tập đoàn Toin, ông Seiji Tajima, cho biết Toin sẽ đầu tư 12 triệu đô la Mỹ để xây dựng nhà máy sản xuất, gia công bao bì giấy các loại ở khu công nghiệp Mỹ Phước 3. Nhà máy sẽ được xây dựng trên diện 2 ha và dự kiến sẽ cho khởi công trong tháng 7 tới và hoàn thành vào cuối năm nay nhằm xuất khẩu.
Công ty TNHH Panasonic Eco Solutions Việt Nam của Nhật Bản đầu tư 38 triệu đô la Mỹ ở khu công nghiệp Việt Nam -Singapore để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp, gia công, thiết kế và thử nghiệm thiết bị điện, điện tử và các linh kiện.
Công ty sản xuất xe máy Kymco của Đài Loan cho biết sẽ đầu tư 23 triệu đô la Mỹ để xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Đại Đăng của tỉnh. Nhà máy có diện tích 6 ha sẽ đưa vào khai thác cuối năm nay nhằm thay thế nhà máy hiện nay tại TPHCM.
Trong danh sách của các dự án đầu tư mới này còn có những thương hiệu lớn như Công ty TNHH Thực phẩm Pepsico Việt Nam đầu tư 40 triệu đô la Mỹ tại khu công nghiệp Sóng Thần để sản xuất thực phẩm chế biến.
Với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh trong thời gian này cũng đã điều chỉnh bổ sung thêm vốn nhiều. Cụ thể như Công ty TNHH URC của Philippine tăng thêm 50 triệu đô la Mỹ để mở rộng đầu tư sản xuất thực phẩm và nước giải khát.
Hay công ty TNHH Hariki Precision Việt Nam hoạt động ở khu công nghiệp VSIP tăng thêm gần 11,5 triệu đô la Mỹ cho việc sản xuất các loại linh kiện kim loại chính xác dùng trong các ngành công nghiệp.
Theo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, mặc dù còn nhiều khó khăn tác động đến nền kinh tế, nhưng việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh rất khả quan. Nhiều tập đoàn lớn bắt đầu quan tâm đến đầu tư tại Bình Dương và đăng ký kinh doanh ngành nghề không phải sản xuất công nghiệp mà là đầu tư bất động sản, dịch vụ. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư tại Bình Dương ngày càng hiệu quả nên đã tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất.
Chỉ tính riêng năm 2012, Bình Dương đã thu hút 2,839 tỉ đô la Mỹ, tăng 253% so với cùng kỳ, chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước trong năm. Trong đó số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới 123 dự án với tổng số vốn đăng ký là 1,690 tỉ đô la Mỹ và 130 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng là 1,149 tỉ đô la Mỹ. |