Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bình Dương: sẽ có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp di dời

L. Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để phục vụ việc di dời doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch 8 khu công nghiệp (KCN) và 25 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích hàng ngàn héc ta.

Đồng thời, địa phương này sẽ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do phải di dời cơ sở sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp hoặc chuyển đổi công năng.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Toàn, chia sẻ thông tin tại cuộc họp ngày 15-5. Ảnh: L. H

Những thông tin trên được lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương chia sẻ với báo chí và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tại buổi họp thông tin chính thức về kế hoạch di dời và chuyển đổi công năng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào chiều ngày 15-5.

Theo đó, chủ trương di dời và chuyển đổi công năng các KCN, nhà máy, xí nghiệp tại các địa phương phía Nam để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc di dời sẽ giúp tái thiết đô thị, thúc đẩy thương mại, dịch vụ và đảm bảo phát triển bền vững, cải thiện môi trường sống và làm việc cho người dân và doanh nghiệp.

Gia hạn thời gian hoạt động cho doanh nghiệp

Sở Công Thương cho biết, đơn vị này đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài KCN, CCN ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN, CCN tỉnh Bình Dương. Thời gian thực hiện từ năm 2020-2030.

Theo Sở Công Thương, số lượng doanh nghiệp phải di dời, chuyển đổi công năng 2.900 nhà máy theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 3210 vào cuối tháng 10-2019 của UBND tỉnh đến nay không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Trong quá trình phát triển, những năm qua đã có nhiều nhà máy xí nghiệp tự chuyển đổi công năng, di dời và đổi mới công nghệ. Do đó, cần đánh giá lại cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương là trong thành phố vẫn có doanh nghiệp được phép hoạt động sản xuất công nghiệp và việc hoạt động sản xuất phải đảm bảo yêu cầu về quy hoạch phát triển của tỉnh, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có nhà máy, cơ sở sản xuất ở khu vực phải di dời đang lo lắng là cùng với chủ trương di dời này thì giấy phép kinh doanh hoặc thời gian thuê đất, nhà xưởng sản xuất của họ sắp hết hạn cũng sẽ gặp khó khăn để gia hạn thời gian hoạt động.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Toàn, cho rằng ở khu vực thuộc diện di dời này, tỉnh sẽ không cấp phép mới cho doanh nghiệp hoạt động hoặc mở rộng thêm. Nhưng đối với doanh nghiệp hiện hữu đang hoạt động tại đây vẫn sẽ được tiếp tục gia hạn đến 5 năm (tính từ đầu năm nay) để có thời gian chuẩn bị trước khi di dời.

Hiện nay, các ngành liên quan đang phối hợp xây dựng tiêu chí xác định các doanh nghiệp cần di dời, chuyển đổi công năng; hoàn thiện chính sách hỗ trợ di dời và chuyển đổi công năng cho các doanh nghiệp và người lao động...

Về địa điểm doanh nghiệp sẽ di dời đến, lãnh đạo Sở Công Thương cho hay, hiện nay, tỉnh đã quy hoạch 8 KCN phục vụ di dời, tổng diện tích hơn 5.840 héc ta, gồm các KCN: Cây Trường, Bàu Bàng 3, Bàu Bàng 4, Bắc Tân Uyên 2, Bắc Tân Uyên 4, Dầu Tiếng 1A, Dầu Tiếng 5 và Phú Giáo 4,

Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch 25 CCN phục vụ di dời với tổng diện tích hơn 1.743 ha, tại các huyện Dầu Tiếng (10 cụm, 725ha), Bắc Tân Uyên (7 cụm, 493,5 ha), Phú Giáo (8 cụm, 524 ha).

Sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ

Về việc sử dụng mặt bằng các doanh nghiệp đã di dời, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công năng, hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất tại vị trí cũ phù hợp với quy hoạch tỉnh.

Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, theo ông Toàn, tỉnh xây dựng cụ thể, rõ đối tượng, nội dung thụ hưởng linh hoạt, sát tình hình thực tế để đảm bảo sự đồng thuận, phục vụ hài hòa lợi ích người lao động, doanh nghiệp và nhà nước.

Đại diện các Hội ngành nghề của tỉnh Bình Dương chia sẻ những lo lắng của doanh nghiệp khi phải di dời nhưng cho rằng các doanh nghiệp cũng đồng thuận kế hoạch di dời và mong muốn chính quyền tỉnh có những chính sách phù hợp cho cả doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: L. H

Theo đó, dự kiến sẽ có 12 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm: hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất tại vị trí cũ phù hợp với quy hoạch tỉnh; hỗ trợ bố trí quỹ đất phù hợp để phục vụ di dời; hỗ trợ giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính; vay ưu đãi đầu tư mới.

Tỉnh cũng sẽ ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; hỗ trợ tạo quỹ đất sạch để doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân; hỗ trợ về thuế; hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ chi phí vận chuyển, lắp đặt máy móc, dây chuyền thiết bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trong làng nghề, khu dân cư di dời vào trong các khu, cụm công nghiệp.

Về chính sách hỗ trợ người lao động trong thời gian phải ngừng việc do di dời, tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ hỗ trợ tiền lương mỗi tháng ngừng việc (áp dụng mức lương tổi thiểu vùng theo quy định hiện hành tại thời điểm hỗ trợ); tỷ lệ tiền lương cho mỗi tháng ngừng việc sẽ căn cứ theo thời gian làm việc của người lao động.

Ngoài ra, địa phương cũng sẽ thực hiện chính sách đào tạo nghề dành cho người lao động bị ảnh hưởng do di dời doanh nghiệp, mở rộng đối tượng được hỗ trợ và nâng mức hỗ trợ tùy theo tình hình thực tế.

Về lộ trình thực hiện di dời, chuyển đổi công năng, Sở Công Thương cho biết, sẽ di dời các doanh nghiệp trong KCN Bình Đường vào năm tới và một số doanh nghiệp tự nguyện đăng ký di dời, chuyển đổi công năng.

Sau khi thí điểm thực hiện sẽ triển khai thực hiện chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp theo lộ trình.

Theo kế hoạch, KCN Bình Đường (phường An Bình, thành phố Dĩ An) sẽ được chọn để chuyển đổi công năng, thực hiện di dời thí điểm. KCN này được thành lập từ năm 1993, có quy mô 16,5 ha do Tổng công ty Thương mại, Xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư. Khu công nghiệp này đang có 11 doanh nghiệp, gồm 5 doanh nghiệp thuê đất và 6 doanh nghiệp thuê nhà xưởng.

Trong KCN này có Công ty TNHH Sung Hyun Vina (Hàn Quốc) đang thuê đất với quy mô lớn. Công ty có 3 nhà máy chuyên sản xuất hàng may mặc đang hoạt động tại Bình Dương với hơn 2.000 lao động. Đây là doanh nghiệp được chọn để thí điểm di dời đầu tiên.

Đại diện doanh nghiệp này đồng thuận với chủ trương chuyển đổi công năng, di dời nhà máy lên phía Bắc của tỉnh Bình Dương. Đồng thời mong muốn địa phương có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời nhà máy, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động bị ảnh hưởng.

Các doanh nghiệp thuộc diện di dời đều nằm ở phía Nam, sẽ được chuyển tới phía Bắc của tỉnh này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới