(KTSG Online) - Văn phòng Chính phủ vừa gửi thông báo về việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, yêu cầu các bộ, ngành tăng cường phối hợp để ứng phó.
- Chừng nào bán được tín chỉ carbon rừng?
- Thị trường tín chỉ carbon rừng: Tiềm năng trước mắt nhưng thực hiện còn xa
Theo đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và triển khai đề án ứng phó với CBAM, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, để đàm phán và hợp tác quốc tế, nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang châu Âu.
Bên cạnh việc nghiên cứu sâu rộng về khả năng mở rộng CBAM và tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tham gia các diễn đàn để đàm phán và tìm kiếm các giải pháp phù hợp, nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam và đảm bảo công bằng thương mại.
Bộ Công Thương sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CBAM, tổ chức các khóa tập huấn về kiểm kê khí nhà kính, trang bị cho các doanh nghiệp kiến thức và kỹ năng cần thiết và giảm thiểu tác động đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để chủ động ứng phó với CBAM, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì xây dựng và áp dụng các chính sách về giá carbon phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước, giúp cho doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ triển khai các giải pháp tín dụng xanh để hỗ trợ các dự án đáp ứng yêu cầu của CBAM. Bộ Tư pháp nghiên cứu phương án để giải quyết tranh chấp quốc tế, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam và giảm thiểu tác động tiêu cực của CBAM.