(KTSG Online) - Theo Bộ Công Thương, tính đến nay, đơn vị đã khởi xướng điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại, đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Bộ tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023.
- Việt Nam đang duy trì 22 biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu
- Pin mặt trời từ Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá đến hơn 271%
Mới đây, đại diện Bộ Công Thương thông tin, trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, TTXVN đưa tin.
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại, đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Hiện nay, có 16 biện pháp phòng vệ thương mại còn hiệu lực. Bộ Công Thương tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023, khởi xướng điều tra thêm 3 vụ việc, khởi xướng rà soát 3 vụ việc rà soát cuối kỳ, tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại để ứng phó với các vụ việc do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng theo thống kê, đến nay đã có 270 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, các vụ điều tra chống bán phá giá là nhiều nhất với 148 vụ việc, tiếp đến là các vụ việc tự vệ với 54 vụ việc, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với 38 vụ việc và chống trợ cấp là 30 vụ việc.