(KTSG Online) - Sau 1 tháng thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan về thực hiện quy định quản lý và điều hành cung cấp điện, Bộ Công Thương đã kết luận những sai phạm của EVN thời gian qua và yêu cầu xử lý nghiêm. EVN cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, trong đó công ty mẹ EVN lỗ sau thuế 22.256 tỉ đồng.
- Đề xuất biểu giá điện sinh hoạt theo 5 bậc, mức cao nhất 3.457 đồng/kWh
- Sẽ không thiếu điện đến hết năm, nếu không có yếu tố quá bất thường
TTXVN đưa tin. trước tình hình gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6-2023, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành đột xuất về quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan (giai đoạn từ 1-1-2021 đến 1-6-2023).
Sau gần một tháng làm việc, đoàn thanh tra đã có Báo cáo số 19/BC-ĐTT ngày 7-7-2023 ghi nhận kết quả công tác quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện.
Theo đó, EVN đã chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện. EVN và các đơn vị có liên quan đã không chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, văn bản của Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng.
EVN và các đơn vị có liên quan cũng vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023 dẫn đến công tác điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện tại nhiều thời điểm, đặc biệt để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6 năm 2023.
Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể, cá nhân có liên quan.
Bộ Công Thương yêu cầu các tập đoàn và các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp trong quản lý và điều hành cung cấp điện nêu tại kết luận thanh tra, chủ động khắc phục các tồn tại, hạn chế kịp thời, không để tình trạng thiếu điện, tiết giảm điện trong thời gian tới.
Liên quan đến EVN, cổng thông tin của EVN hôm nay 12-7 cho biết, báo cáo tài chính hợp nhất 2022 của EVN ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 463.000 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bán điện chiếm 98%, đạt trên 456.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp của EVN giảm mạnh, từ 38.264 tỉ đồng còn 10.580 tỉ đồng. Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của EVN cũng giảm hơn 50%, xuống 7.382 tỉ đồng. EVN lý giải lãi do chênh lệch tỷ giá giảm tới 7.000 tỉ đồng, từ 10.446 tỉ đồng còn 3.442 tỉ đồng. Tương tự, lãi tiền gửi, trái phiếu, ủy thác cũng giảm mạnh.
Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 24% lên 18.192 tỉ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá; chi phí bán hàng giảm 17% xuống còn 6.172 tỉ đồng; chi phí quản lý tăng nhẹ, ở mức 14.381 tỉ đồng. EVN ghi nhận lỗ 19.515 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh và lỗ sau thuế là 20.747 tỉ đồng. Riêng công ty mẹ EVN lỗ sau thuế 22.256 tỉ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của EVN là 666.165 tỉ đồng, giảm gần 40.000 tỉ đồng so với đầu kỳ. Đáng chú ý, khoản mục tiền, các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn mà EVN nắm giữ là 101.535 tỉ đồng. Khoản tiền gửi này đã mang về cho tập đoàn hơn 3.700 tỉ đồng tiền lãi trong năm qua.
Các khoản nợ phải trả, gồm nợ ngắn hạn và dài hạn của EVN lần lượt là 159.959 tỉ đồng và 280.855 tỉ đồng. Tập đoàn lỗ lũy kế 13.336 tỉ đồng, điều này khiến vốn chủ sở hữu giảm còn 225.396 tỉ đồng.