(KTSG Online) – Do khoảng trống pháp lý trong việc quản lý nên việc buôn lậu thuốc lá điện tử chỉ bị xử lý hành chính, xử phạt tối đa 100 triệu đồng và chưa có biện pháp xử lý hình sự tương tự như hành vi buôn bán thuốc lá nhập lậu.
TTXVN đưa tin, Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong thời gian chưa ban hành chính sách, Bộ Công Thương kiến nghị chưa cho phép lưu hành sản phẩm thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, có thể cho phép thí điểm việc sản xuất, nhập khẩu và lưu thông thuốc lá nung nóng như sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Đối với thuốc lá điện tử, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý thí điểm đối với thuốc lá điện tử trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong thời gian chưa ban hành chính sách, Bộ Công Thương kiến nghị chưa cho phép lưu hành sản phẩm thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
Văn bản Bộ Công Thương nêu rõ, do chưa có chính sách quản lý nên đơn vị nhập khẩu thuốc lá ở Việt Nam là Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam chưa thực hiện việc nhập khẩu và kinh doanh thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử vào Việt Nam.
Hiện đang có khoảng trống pháp lý trong việc quản lý loại hình sản phẩm mới này, trong khi đó tình hình buôn lậu và sử dụng sản phẩm này rất phức tạp, chế tài xử lý chưa đủ mạnh.
Do chưa có quy định cụ thể nên các lực lượng chức năng chỉ xử lý hành chính, xử phạt tối đa 50 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng với tổ chức. Cùng đó, chưa có chế tài xử lý mạnh như xử lý hình sự tương tự như hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển sản phẩm thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. Trong khi, hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu với số lượng 1.500 bao có thể xử phạt hình sự theo quy định.
Trong nhiều năm qua, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chưa được quản lý, chưa được lưu hành nhưng đã được bán trên thị trường và mạng internet. Do chưa có biện pháp quản lý và chế tài xử lý đủ mạnh nên các hoạt động kinh doanh, quảng cáo tự phát tràn lan, vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân và các hệ luỵ khác đối với xã hội.
Bộ Công Thương kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuốc lá điện tử đồng thời kiến nghị giao Bộ Y tế nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý phù hợp trên cơ sở đánh giá tác động của loại hình sản phẩm mới này với sức khỏe người tiêu dùng.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng 18 lần sau 5 năm
Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).
Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5% (*).
Thuốc lá thế hệ mới gồm có thuốc lá điện tử (e-cigarettes) và thuốc lá nung nóng (heated tobacco). Cả hai loại thuốc lá thế hệ mới này đều có bộ phận chính là thiết bị điện tử dùng để đốt cháy, tạo khói (tẩu thuốc).
Điểm khác biệt là thuốc lá điện tử dùng dung dịch tinh dầu chứa nicotine trong khi thuốc lá nung nóng dùng loại thuốc lá có thành phần giống như thuốc lá điếu truyền thống.
Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử ngoài nicotine còn có glycerin, propylene glycol và trên 15.500 loại hương liệu có nhiều chất độc và khó ngăn được nguy cơ trộn ma túy tổng hợp vào dung dịch thuốc lá điện tử. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.