(KTSG Online) - Việt Nam đang đối mặt với hơn 200 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Bộ Công Thương cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục đưa ra cảnh bảo, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó với các vụ điều tra.
- Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc phòng vệ thương mại
- Ngành thép với những cuộc điều tra phòng vệ thương mại
Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đối mặt với 252 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Trong đó, có 138 vụ chống bán phá giá, 50 vụ tự vệ, 37 vụ chống lẩn tránh và 27 vụ chống trợ cấp, TTXVN đưa tin.
Tính đến nay, cơ quan tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2023, khởi xướng 1 vụ mới và tiếp nhận 7 hồ sơ đề nghị mới.
Vì vậy, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế phối hợp, chủ động theo dõi và bảo vệ lợi ích cho các ngành sản xuất trong nước.
Mặt khác, Bộ tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, tăng cường thông tin và phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.
Dự báo từ Bộ cho biết xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024, dẫn đến nhiều vụ điều tra hơn, đặc biệt là đối với mặt hàng chủ lực sang các thị trường lớn như EU và Hoa Kỳ.
Theo đó, để tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại mới, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc khởi xướng từ những năm trước.
Bên cạnh đó, nhằm chống lẩn tránh và gian lận, cơ quan này sẽ tăng cường theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ, phát hiện và xử lý doanh nghiệp vi phạm xuất xứ hàng hóa hoặc thực hiện công đoạn sản xuất không cần thiết.