(KTSG Online) – Bộ Công Thương yêu cầu Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ có những xúc tiến, đàm phán gia hạn các bản ghi nhớ về thương mại gạo đã ký, cùng với đó là tìm kiếm cơ hội ký thoả thuận xuất khẩu gạo ở những thị trường mới.
- Lo ngại khi không nắm được lượng hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký
- Những nước bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15-8-2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay, vừa được Bộ Công Thương ban hành và công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.
Chỉ thị 07 của Bộ Công Thương yêu cầu sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng, giúp doanh nghiệp tìm kiếm thêm thị trường mới, có thêm những hợp đồng xuất khẩu gạo trong tương lai.
Với Cục Xúc tiến thương mại, bố trí kinh phí cho các chương trình xúc tiến thương mại gạo trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hàng năm, nhất là các chương trình xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tín hiệu thị trường và tạo điều kiện để thương nhân khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Vụ Chính sách thương mại đa biên phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các vụ thị trường ngoài nước đàm phán về mở cửa thị trường và các biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng gạo để gỡ bỏ các rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đồng thời, tận dụng tiến trình rà soát các hiệp định đã được đưa vào thực thi để đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch thuế quan dành cho sản phẩm gạo của Việt Nam.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường; diễn biến tình hình thị trường trong nước (giá thóc, gạo nội địa, lượng gạo tồn kho...) chủ động phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đề xuất các biện pháp xử lý đảm bảo an ninh lương thực và hiệu quả trong xuất khẩu gạo.
Với các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp chủ động theo dõi sát tình hình thương mại gạo thế giới, động thái của các nước xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ của các nước nhập khẩu, trao đổi cùng hiệp hội để xây dựng phương án tổ chức sản xuất, giao dịch, đàm phán đảm bảo hiệu quả xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn sở tại, góp phần bình ổn giá thóc, gạo nội địa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.