(KTSG Online) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tăng quyền tự chủ cho trường đại học, chuyển từ cơ chế “xin - cho” sang “đăng ký - chịu trách nhiệm”, là trọng tâm sửa đổi trong dự thảo Luật Giáo dục đại học đang trình Chính phủ lấy ý kiến.
Theo đó, Nhà nước chỉ giữ vai trò kiểm tra, giám sát đầu ra chất lượng, minh bạch tài chính, đạo đức học thuật chứ không can thiệp vào việc điều hành chi tiết từng trường.

Theo bộ, hiện nay khoảng 20% tổng thu của các trường đến từ nguồn ngoài ngân sách còn lại vẫn phụ thuộc ngân sách nhà nước. Một số trường có thể dành 25-30% chênh lệch thu chi cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển giảng viên nhưng nhiều trường vẫn bị ràng buộc.
Do vậy trong sửa đổi lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn các trường được quyền quyết định toàn bộ về nguồn thu - chi, thay vì phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước hoặc phải xin ý kiến cấp trên cho từng khoản; xây dựng mức học phí, lệ phí phù hợp với chất lượng đào tạo, không cần chờ khung do Chính phủ quy định. Cùng với đó là tự quyết việc huy động vốn, vay vốn, khai thác tài sản, liên doanh liên kết để phát triển. Việc chi tiêu nội bộ (lương, thưởng, phúc lợi, đầu tư cơ sở vật chất) do trường tự quyết, thay vì ràng buộc vào quy định chung của Nhà nước.
Hiện nay, thủ tục mở ngành của các trường đại học còn phải qua 4-6 bước thẩm định kéo dài 6-12 tháng, gây cản trở thích ứng nhanh với thị trường. Lần sửa đổi này, các trường được tự quyết định mở ngành, chương trình đào tạo mới dựa trên năng lực thực tế, nhu cầu xã hội và đảm bảo chất lượng, thay vì phải xin phép bộ; chủ động thiết kế chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức hiện đại, tích hợp đào tạo kỹ năng, chuyển đổi số, AI, ESG… phù hợp với thị trường lao động.
Đến năm 2025, có đến 670 chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế, số chương trình liên kết với nước ngoài ngày càng tăng nhưng một trong những yếu tố làm khó các trường đại học lâu nay là liên kết quốc tế, vì phải được cơ quan chức năng phê duyệt từng chương trình, từng hợp đồng.
Nay ngành giáo dục muốn các trường chủ động ký kết hợp tác quốc tế, mở chương trình liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên, không cần phê duyệt từng hợp đồng hoặc chương trình. Kể cả mở phân hiệu, cơ sở đào tạo ở nước ngoài hoặc với đối tác nước ngoài tại Việt Nam.
Tự chủ nhân sự được nhắc nhiều ở lần sửa đổi này, theo hướng trường toàn quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật giảng viên, nhân viên; quyết định số lượng, vị trí việc làm, mức thu nhập cho giảng viên và cán bộ, không cần căn cứ vào biên chế nhà nước; thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước theo cơ chế linh hoạt, cạnh tranh thị trường.
Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện có 265 cơ sở, gồm 3 đại học quốc gia, 2 đại học vùng, 5 đại học thuộc bộ ngành, 172 trường thuộc bộ ngành khác, 67 trường thuộc UBND các tỉnh, thành phố. Quy mô đào tạo đạt 2,3 triệu sinh viên, tương đương 18,8% dân số độ tuổi học đại học, tiệm cận mức trung bình của thế giới; khối công lập chiếm 70% quy mô, ngoài công lập 30%, cho thấy xu hướng xã hội hóa mạnh mẽ.