Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bộ KH-ĐT nêu đề nghị liên quan đến hãng bay của tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thực hiện việc thẩm định Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho CTCP IPP Air Cargo. Cơ quan này đề nghị làm rõ 4 vấn đề liên quan đến việc chấp thuận cho hãng hàng không mới cất cánh hay không.

Theo quan điểm của Bộ KH-ĐT, trong văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 8 vừa qua, liên quan văn bản ngày 14-5-2020 của Bộ GTVT về việc rà soát, xem xét thành lập thêm hãng hàng không trong tình hình mới nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không, Bộ đã có kiến nghị Chính phủ: Trước mắt tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt đang hoạt động. Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi  (dự kiến 2022). Tháng 7-2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị này.

Hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo đang đợi những bước thẩm định cuối cùng từ các bộ ngành. Ảnh minh họa: IPP

Tháng 7-2021, Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc trả lời kiến nghị của CTCP IPP Air Cargo, theo đó tiếp tục kiến nghị chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay (bao gồm cả hãng hàng không chuyên chở hàng hóa) do việc thành lập mới hãng hàng không có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng không. Song tháng 3-2022, Bộ GTVT lại có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc cho phép Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho CTCP IPP Air Cargo.

“Do đó, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định về chủ trương thành lập hãng hàng không trong tình hình mới, đảm bảo sự phát triển bền vững , đề nghị Bộ GTVT có báo cáo cập nhật tình hình phát triển của ngành hàng không, trong đó lưu ý đánh giá thực trạng, nhu cầu thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, sự phục hồi của ngành hàng không Việt Nam”, trong văn bản, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị.

Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, đến nay, Việt Nam chưa có một hãng hàng không vận chuyển hàng hóa chuyên biệt. Do đó, việc Bộ GTVT đề xuất thành lập doanh nghiệp hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa là phù hợp với Quy hoạch ngành (Quyết định 236/2018 định hướng phát triển doanh nghiệp hàng không đến 2030).

Bộ KH-ĐT yêu cầu bộ GTVT cần xem lại một nội dung trong Báo cáo thẩm định dự án, do báo cáo chưa đề cập đến nội dung cụ thể trong phương án đảm bảo số máy bay (tàu bay) khai thác phải bao gồm: “Số lượng, chủng loại tàu bay, tuổi của tàu bay”. Nội dung thẩm định của bộ chuyên ngành chỉ đề cập đến việc xem xét khi triển khai thủ tục chấp thuận việc thuê tàu bay. Tuy nhiên, Nghị định 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu phải thẩm định chi tiết về số lương, chủng loại tàu…

Về các vấn đề khác như điều kiện thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, bao gồm vốn tối thiểu (vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp khai thác đến 10 tàu là 300 tỉ đồng thì IPP Air Cargo đáp ứng đầy đủ và có giải trình bổ sung về phương án tăng vốn để bù đắp thiếu hụt trong 3 năm đầu hoạt động nếu ghi nhận lợi nhuận âm. Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT  lưu ý, giám sát đảm bảo mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp theo quy định, tương ứng với số tàu bay khai thác thực tế (nếu doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh).

Trước đó, hồi tháng 5-2022, Bộ GTVT đã trình văn bản lên Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo. Hãng này đã đủ hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký, cho biết hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa của Công ty cổ phần IPP Air Cargo đã đầy đủ, đáp ứng được các quy định về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác và tổ chức bộ máy đảm bảo khai thác tàu bay quy định tại Nghị định 89/2019/NĐ-CP, đủ điều kiện để được xem xét cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa theo quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

1 BÌNH LUẬN

  1. Xem xét gì nữa. Ta đã chậm chân quá rồi. Một khi các cơ quan chức năng càng tăng cường “ngâm cứu” thì nền kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng càng dễ rơi vào tình huống “cấp cứu”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới