(KTSG Online) - Hàng loạt địa phương hiện có sân bay quân sự và mong muốn chuyển thành sân bay lưỡng dụng, cùng các địa phương chưa có sân bay đã gửi văn bản tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất bổ sung địa phương mình vào danh sách quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Tất cả đều được cơ quan quản lý đặt lên “bàn cân”, và có khá ít đề xuất được lựa chọn thông qua trong thời điểm quy hoạch này.
- Điều chỉnh cục bộ quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn 2021-2030
- Ồ ạt chạy đua đề xuất xây dựng, nâng cấp sân bay
Để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, Cục Hàng không Việt Nam (CHK) đã cùng với tư vấn lập quy hoạch lên rất nhiều phương án, trên cơ sở thực tế và kiến nghị của các địa phương gửi đến thời gian qua. Hiện tại có hai nhóm địa phương đề xuất bổ sung và Quy hoạch mạng CHK sân bay toàn quốc. Thứ nhất là nhóm các địa phương có sân bay quân sự đang khai thác và nhóm các địa phương hiện chưa có sân bay cũng đề xuất vào danh sách được quy hoạch.
Quan điểm của các nhà chuyên môn lập quy hoạch sân bay đến 2030 , một sân bay có được xem xét là nên hay chưa nên đưa vào quy hoạch dựa trên các yếu tố sau: (1) các thông tin chung về vị trí, điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế-xã hội, sơ bộ nhu cầu vận tải. (2) vị trí, vai trò và hiện trạng hạ tầng; (3) đánh giá khả năng khai thác hàng không dân dụng (khả năng thiết kế phương thức bay, tổ chức vùng trời); (4) đánh giá về kết cấu hạ tầng; (5) đánh giá về quỹ đất và khả năng quy hoạch; (6) sơ bộ ảnh hưởng của sân bay tới môi trường xung quanh và (7) dự kiến quy mô, các công trình cần thiết đầu tư.
Chính phủ có chủ trương nghiên cứu chuyển đổi các sân bay quân sự thành khai thác lưỡng dụng. Hiện có sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Gia Lâm (Hà Nội), sân bay Yên Bái, sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) đề nghị bổ sung vào danh sách quy hoạch cho sân bay lưỡng dụng. Nhưng CHK chỉ trình Bộ GTVT chấp thuận đề xuất bổ sung vào quy hoạch hai sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai).
Lý do sân bay Biên Hòa được chọn bổ sung, dù nằm rất gần hai sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam là sân bay Long Thành (đang xây dựng) và sân bay Tân Sơn Nhất đang mở rộng là vì sân bay Biên Hòa chỉ đề nghị năng lực khai thác tối đa là 5 triệu hành khách/ năm (2030),10 triệu hành khách/năm (đến 2050). Việc bổ sung sân bay Biên Hòa vào quy hoạch là căn cứ vào điều kiện thực tế về vị trí, khả năng bố trí hạ tầng, năng lực vùng trời và có thể xem xét phân bổ khai thác dân dụng tại sân bay lâu đời này như mức đã đề cập ở trên. Quỹ đất và quy hoạch hệ thống hạ tầng sân bay quốc tế Long Thành đảm bảo đủ khả năng khai thác tối đa đến 100 triệu hành khách/năm; sân bay Tân Sơn Nhất đảm bảo đủ năng lực khai thác tối đa đến 50 triệu hành khách/năm (bao gồm cả quỹ đất dự phòng cho mở rộng công suất) nên công suất khai thác nhỏ của sân bay Biên Hòa không gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động bay trong tương lai của hai cụm sân bay quốc tế kể trên. Vấn đề của sân bay Biên Hòa là đánh giá tác động môi trường sẽ được làm chặt chẽ hơn.
Sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) được CHK đề nghị bổ sung quy hoạch do sự phát triển của du lịch Ninh Thuận. Những năm qua, Ninh Thuận đã có bước phát triển và có dư địa lớn ở du lịch, giao thông vận tải, năng lượng…Năm 2019, sản lượng khách du lịch đến Ninh Thuận là 2,35 triệu khách. Hiện , UBND tỉnh Ninh Thuận đang triển khai quy hoạch tỉnh, theo đó tỉnh đã quy hoạch và tập trung phát triển thành trung tâm du lịch của khu vực miền Trung. Định hướng đến 2030, sản lượng khách du lịch đạt 6 triệu khách, xấp xỉ du lịch Khánh Hòa thời điểm hiện tại và đến 2050 là 10-15 triệu khách (cao hơn Đà Nẵng hiện tại) và dự kiến đón từ 3 đến 5 triệu khách (2050).
Tình này có sân bay quân sự Thành Sơn có quỹ đất rất lớn, có quy đất chưa sử dụng để xây dựng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay và khu hàng không dân dụng. Bộ Quốc Phòng đã có ý kiến đồng ý bàn giao khu đất phía Đông Nam sân bay để phát triển hàng không dân dụng khi có nhu cầu, có lợi nhiều hơn so với chi phí đầu tư xây dựng cảng hàng không mới.
Tuy nhiên, CHK lưu ý rằng, việc bổ sung hai sân bay nói trên vào quy hoạch đều phải đi kèm điều kiện có nhà đầu tư và phải sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách
Riêng các tỉnh khác chưa đủ điều kiện như Thành Sơn, đề xuất vị trí sân bay mới cần có các nghiên cứu, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không, sân bay, đánh giá tính khả thi đầu tư và yêu cầu huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư mới có thể bổ sung quy hoạch.
Các sân bay khác như Gia Lâm, Yên Bái chỉ bổ sung, khai thác lưỡng dụng nếu có đủ các điều kiện cần như đã nói và đặc biệt phải thu hút được các nhà đầu tư cho giai đoạn thực hiện.
Không chỉ có một số sân bay quân sự muốn “vào quy hoạch”, nhóm các địa phương hiện chưa có sân bay quân sự nhưng lâu dài muốn phát triển về du lịch như Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Măng Đen (Kon Tum), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Tây Ninh... cũng tiếp tục nghiên cứu khảo sát, lập đề án đánh giá hiệu quả, tính khả thi, phương thức huy động vốn cho giai đoạn thực hiện đầu tư để trình Thủ trướng Chính phủ sau đó.