(KTSG Online) - Theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính, tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) chiếm tới 50% số lượng hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ mới. Tuy nhiên, do bị ép buộc nên sau năm đầu tiên, tỷ lệ huỷ hợp đồng của khách hàng lên tới 70%.
- Tranh chấp liên quan đến bancassurance: Làm gì để bảo vệ quyền lợi khách hàng?
- Cần ứng xử kiên quyết hơn với bancassurance
TTXVN cho biết, Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra bốn doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua mô hình ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng (kênh bancassurance), gồm Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife.
Theo Bộ Tài chính, kết quả thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Một số hành vi vi phạm điển hình như không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Báo cáo thanh tra cho thấy, qua thanh tra chọn mẫu phát hiện nhiều trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm. Cũng theo kết quả thanh tra, tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng chiếm tới 50% số lượng hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ mới. Tuy nhiên, do bị ép buộc nên sau năm đầu tiên, tỷ lệ huỷ hợp đồng của khách hàng lên tới 70%.
Cũng theo kết luận thanh tra, Bộ Tài chính đã yêu cầu bốn doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung hàng trăm tỉ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp do doanh nghiệp hạch toán chi phí chưa đúng quy định.
Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã yêu cầu bốn doanh nghiệp bảo hiểm chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chủ động phát hiện, xử lý các thiếu sót, vi phạm trong quá trình triển khai nghiệp vụ bảo hiểm tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp có biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý và giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm. Theo đó các đại lý phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động, thực hiện đúng nội dung, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật.