(KTSG Online) - Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản hôm 13-10 cho biết sẽ bố trí 87.500 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho ngành giao thông vận tải. Trong đó, 87.430 tỉ đồng dành cho 6 dự án giao thông trọng điểm và 70 tỉ cho chương trình nâng cao năng lực đào tạo nghề điều khiển tàu biển và nghề logistics.
- Thông xe kỹ thuật 361 km cao tốc Bắc – Nam vào cuối năm nay
- Giao 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam cho các chủ đầu tư
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố: Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang; Các Ban Quản lý dự án: Đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, Mỹ Thuận, Ban Quản lý dự 2, Ban Quản lý dự án 6, Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án 85; Trường Cao đẳng Hàng hải I thông báo kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, sẽ bố trí 87.500 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho ngành giao thông vận tải.
Trong đó, 87.430 tỷ đồng được bố trí cho 6 dự án giao thông trọng điểm, gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (72.476 tỉ đồng), dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng (4.130 tỉ đồng), cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (2.320 tỉ đồng), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (3.500 tỉ đồng), cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (3.800 tỉ đồng) và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 (1.204 tỉ đồng).
70 tỉ đồng còn lại sẽ được bố trí cho chương trình nâng cao năng lực đào tạo nghề điều khiển tàu biển và nghề logistics của Trường Cao đẳng Hàng hải I.
Cũng liên quan đến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt xong 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Hiện nay, các chủ đầu tư đã trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật được 208 km trong tổng 721,2 km, đạt 29%. Dự kiến đến ngày 5-11-2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán toàn bộ 12 dự án thành phần.
Tính đến giữa tháng 10-2022, Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo với các mốc tiến độ như sau: phê duyệt thiết kế, dự toán gói thầu đầu tiên cho toàn bộ 12 dự án thành phần (để gửi Kiểm toán nhà nước) trước ngày 31-10-2022.
Dự kiến, dự toán các gói thầu xây lắp dự kiến được chuyển sang Kiểm toán Nhà nước soát xét trong đợt đầu gồm: Gói thầu số 1 đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi; Gói thầu số 2 đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng; Gói thầu số 3 đoạn Vũng Áng - Bùng; Gói thầu số 2 đoạn Bùng - Vạn Ninh; Gói thầu số 2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ; Gói thầu số 1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Gói thầu số 1 đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Gói thầu số 2 đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh; Gói thầu số 2 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong; Gói thầu số 3 đoạn Vân Phong - Nha Trang; Gói thầu số 2 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang; Gói thầu số 3 đoạn Hậu Giang - Cà Mau.
Theo quyết định được phê duyệt, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ được đầu tư với tổng chiều dài 723,7 km tuyến chính. Dự án gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (260,9 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (352 km) và Cần Thơ - Cà Mau (110,9 km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỉ đồng.
Theo TTXVN