Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bộ Xây dựng: Giá nhà đất tăng cao, thu nhập người dân không theo kịp

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Bộ Xây dựng, giá nhà ở, đất ở đang tăng cao so với thu nhập của người dân. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM hầu như không còn căn hộ chung cư dưới 25 triệu đồng/m2.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quí 1. Theo đó, cơ quan này cho biết nguồn cung về nhà ở thương mại trong quí 1 vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 41%. Trong đó, số căn hộ của các dự án bằng khoảng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó giá căn hộ tiếp tục tăng cao khiến cho thu nhập của người dân ở các đô thị lớn theo không kịp.

Giá nhà đất leo thang rất nhanh

Trong quí 1, lượng giao dịch đất nền chuyển nhượng tăng rất mạnh. Cụ thể, có 153.537 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 242% so với quí 4-2021. Trong đó, tại miền Bắc có 20.726 giao dịch; tại miền Trung có 42.722 giao dịch; tại miền Nam có 90.089 giao dịch.

Về giá căn hộ chung cư, Bộ Xây dựng nhìn nhận giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với 2021. Tại Hà Nội giá nhà chung cư tăng khoảng 4-5% so với cuối năm 2021, TPHCM tăng khoảng 1-2% so với cuối năm 2021.

Giá nhà ngày càng vượt xa mức thu nhập trung bình người dân. Ảnh minh họa: V.Dũng

“Hiện, các căn hộ bình dân có mức giá từ 25-30 triệu đồng/m2. Các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận, huyện tại Hà Nội, Đà Nẵng", Bộ này dẫn chứng.

Theo Bộ Xây dựng, sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp với giá dao động từ 30-50 triệu đồng/m2. Đặc biệt, tại Hà Nội và TPHCM một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao lên đến 100-200 triệu đồng/m2 như: Dự án Thảo Điền Green, dự án Empire City - The Monarch (TPHCM), dự án The Filmore Da Nang (TP Đà Nẵng)...

Không chỉ chung cư tăng giá, mà đất nền tại Hà Nội, TPHCM cũng tăng chóng mặt trong quí 1 năm nay. Một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao lên đến 100 - 200 triệu đồng/m2.

Giá đất nền tại một số địa phương khác cũng có xu hướng tăng so với cuối năm trước, trong đó giá bán một số dự án tại một số đô thị như Đà Nẵng từ 60 - 90 triệu đồng/m2, Hải Phòng giá bán từ 30 - 80 triệu đồng/m2, Bình Dương từ 90 - 140 triệu đồng/m2, Đồng Nai từ 55 - 70 triệu đồng/m2, Nha Trang từ 120 - 125 triệu đồng/m2, Vũng Tàu từ 31 - 60 triệu đồng/m2.

Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư, mức tăng bình quân từ 5 - 10% so với cuối năm trước. Thời điểm cuối tháng 3 năm nay, tại một số khu vực vùng ven Hà Nội, TPHCM Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai…, có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số giá tăng 15 - 20% so với cuối năm 2021.

“Thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung ở các phân khúc. Số lượng dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng đều hạn chế, có xu hướng giảm. Giá nhà ở, đất ở đang tăng cao so với thu nhập của người dân", Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Thị trường tồn đọng nhiều tiêu cực

Trong báo cáo này, Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ những vấn đề tồn đọng tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường bất động sản trong quí 1 như sốt đất, tín dụng, trái phiếu hay các thương vụ đấu giá…

Về sốt đất, Bộ này cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá nhà đất tăng cao là "có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau "ôm hàng", "làm giá", "tạo sóng", " thổi giá", gây "sốt ảo" ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường bất động sản". Điều này chứng tỏ hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chưa quản lý tốt các giao dịch bất động sản, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, việc tách thửa, phân lô bán nền tại một số địa phương chưa theo quy định của pháp luật, tạo cơ hội cho hành vi đầu cơ, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm trục lợi.

Bộ Xây dựng đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để thị trường ổn định hơn. Ảnh minh họa: Quỳnh Trần

"Hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất tại một số địa phương có biểu hiện bất thường, đấu giá cao rồi bỏ cọc, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản và vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản trong thời gian gần đây chưa tuân thủ quy định của pháp luật, gây nhiều rủi ro cho thị trường", Bộ Xây dựng nhìn nhận.

Về dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến 31-3 dư nợ tín dụng đạt 783.942 tỉ đồng. Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 4,03%, theo đó tốc độ tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, báo cáo còn chỉ ra nhóm bất động sản hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỉ đồng, chiếm 43,36% tổng giá trị phát hành.

Theo đó Bộ Xây dựng đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất; Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản.

Đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế) bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153 Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế. Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tránh rủi ro kép, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới