(KTSG Online) - Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ và sản phẩm sữa Hikid.
- Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an xử lý vụ gần 600 loại sữa giả trên thị trường
- Gần 600 loại sữa bị làm giả với số lượng lớn, thu lợi gần 500 tỉ đồng

Mới đây, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ. Việc quảng cáo sản phẩm này có dấu hiệu thổi phồng công dụng, "thành thần dược chữa bệnh tự kỷ" - vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm, TTXVN đưa tin.
Cục đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo sản phẩm (nếu có) và báo cáo kết quả về Cục An toàn Thực phẩm.
Ngoài ra, cơ quan này cũng có văn bản yêu cầu kiểm tra sản phẩm sữa Hikid vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm. Sản phẩm sữa này khi quảng cáo có so sánh "100g Hikid bằng 20 lít sữa tươi".
Cục đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sản phẩm vi phạm.
Trước đó, Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất quy mô lớn sữa bột giả chuyên sản xuất sữa cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai với 573 sản phẩm giả.
Bộ Y tế đề nghị xử lý hành vi quảng cáo 'thổi phồng’ của người nổi tiếng
Ngày 15-4, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin, đã có văn bản gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Văn hóa cơ sở về việc phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm, TTXVN đưa tin.
Cục An toàn Thực phẩm cho hay, đã nhận được phản ánh của báo chí về việc một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm, đặc biệt quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng sản phẩm.
Cục đề nghị phối hợp kiểm tra thông tin, xử lý hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật của các trang mạng xã hội và người nổi tiếng quảng cáo vi phạm đã được phản ánh và thông báo kết quả để Cục An toàn Thực phẩm tổng hợp.
Lỗ hổng lớn nhất trong bộ máy công vụ, tập trung vào 3M (Morality/ Manners/ Mastery – Đạo đức/ Phong cách/ Kỹ năng tinh thông). Mọi cải cách về bộ máy tổ chức, sẽ không thể thành công, nếu không cải tổ căn bản về chất lượng nhân lực.
Tôi không thấy bài báo đề cập đến trách nhiệm cá nhân hoặc cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc cấp chứng nhận đạt yêu cầu về sức khỏe của người tiêu dùng mà chỉ chăm chăm vào sản xuất sửa giả.
Sản phẩm phải được cấp chứng nhận bảo đảm các tiêu chuẩn mới được đưa ra thị trường tiêu thụ. Vậy nguyên nhân từ đâu?
Quảng cáo, câu view, kéo like… đang lan tràn, quá tải trên không gian mạng. Từ lĩnh vực làm ăn, kinh doanh, học hành, chữa bệnh, thậm chí tâm linh… Đủ các thứ, vô số các loại và kiểu. Ma trận thông tin này quả thực là thách thức vô cùng lớn, không chỉ cho nhà quản lý và cả người dân. Tỉnh táo, tỉnh thức, rất cần với người tiêu dùng. Tỉnh ngộ, rất gấp với các vị KOL/ KOC… Chứ đừng “tỉnh queo”, chứng nào tật nấy, sẽ tiếp tục gieo mang họa !