Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Boeing muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam như Samsung, Intel

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Boeing - hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới vừa ngỏ lời muốn học theo kinh nghiệm của Samsung, Intel ở Việt Nam, tìm kiếm và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia chuỗi cung ứng linh kiện cho hãng.

Tổng giám đốc Boeng Kevin McAllister và lãnh đạo Vietjet trao hợp đồng tàu bay dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donal Trump và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Diễn đàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Việt Nam vừa diễn ra sáng 25-8 tại Hà Nội. Đây là sự kiện đầu tiên được Boeing tổ chức tại Việt Nam nhằm chia sẻ tầm nhìn đối với việc tăng cường cơ hội của Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo hàng không vũ trụ, chuỗi cung ứng, hàng không bền vững và nghiên cứu và phát triển…

Bên lề Diễn đàn, ông Michael Nguyễn, Tổng giám đốc Boeing Việt Nam cho hay, hãng muốn tìm các nhà sản xuất, cung ứng linh kiện tại Việt Nam.

Boeing muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam để trở thành nhà cung cấp của hãng

Trong vòng 30 năm tới, khu vực Đông Nam Á cần khoảng 4.000 máy báy mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trong đó Việt Nam là thị trường tiềm năng vì nhu cầu cần nhiều máy bay nhất. Hợp đồng với các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt các hợp đồng đặt mua máy bay với Vietjet là động lực quan trọng để Boeing thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam.

Mới đây, Boeing và Vietjet đã đạt được thoả thuận về tái cấu trúc, tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt mua 200 máy bay Boeing 737 mà hai bên đã công bố. Thoả thuận cũng khẳng định cam kết hỗ trợ của Boeing về dịch vụ và đào tạo, dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu đầu tư... cho Vietjet, nhằm hướng tới phát triển lâu dài, bền vững đảm bảo hiệu quả khai thác và độ tin cậy kỹ thuật cao nhất và tối ưu hoá chi phí cho hành khách.

Do đó, Boeing muốn mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, qua đó, nâng cao năng lực hàng ngành hàng không vũ trụ của Việt Nam lên tiêu chuẩn quốc tế.

Tổng giám đốc Boeing Việt Nam cho hay, một chiếc máy bay Boeing 747 cần hơn 6 triệu linh phụ kiện. Để đáp ứng nhu cầu đầu vào cho sản xuất, Boeing phải tìm kiếm nguồn hàng từ nhiều nơi trên thế giới.

"Nếu Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng, môi trường đầu tư hợp lý và sự quan tâm của Chính phủ, Việt Nam sẽ là thị trường rất tiềm năng. Với các trường đại học, Boeing mong muốn hợp tác để đào tạo về nhân lực cho các trường về khoa học", ông Michael Nguyễn bày tỏ.

"Chúng tôi mong muốn được làm việc trực tiếp với các công ty Việt Nam, nhưng doanh nghiệp trong nước cần "tập đi trước khi chạy". Chúng tôi rất muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh và chạy nhanh", ông nói.

Ông Michael Nguyễn, Tổng giám đốc Boeing Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Việt Nam diễn ra sáng 25-8 tại Hà Nội.

Boeing đánh giá nhân viên, chuyên gia người Việt sẽ phát triển tốt khi được quan tâm đúng mức với tố chất cần cù sẵn có. Do đó, hãng muốn học theo bài học kinh nghiệm của những Tập đoàn FDI lớn như Samsung, Intel vào Việt Nam để mở rộng hoạt động.

Ông Craug Abler, Giám đốc cấp cao chuỗi cung ứng khu vực châu Á của Boeing cho biết, đã giới thiệu với các đối tác Việt Nam về các tiêu chí, chất lượng sản phẩm, thời hạn giao hàng để có thể trở thành nhà cung ứng cho Boeing. Thời gian tới, Tập đoàn dự kiến cũng sẽ đi thăm các doanh nghiệp tiềm năng và sẽ có đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ phát triển nhà cung ứng tại Việt Nam.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid 19, việc tăng cường hợp tác với các nhà cung ứng Việt Nam và nâng cao kỹ năng người lao động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của Việt Nam sẽ giúp Boeing nâng cao khả năng cạnh tranh.

“Sự kiện hôm nay là bước đầu để làm quen, tìm ra đối tác tiềm năng để hướng tới hợp tác lâu dài sau này”, ông Craig nhấn mạnh.

Hiện, hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới này đang có 7 nhà cung cấp linh kiện đặt cơ sở tại Việt Nam. Tuy nhiên, đa phần đây là các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, chỉ có 1 doanh nghiệp là doanh nghiệp trong nước.

Các nhà cung cấp này tham gia vào quá trình sản xuất một số bộ phận của máy bay thương mại Boeing như linh kiện cho cánh máy bay, cửa ra vào của máy bay...

Tháng 5-2022, trong chuyến thăm, làm việc tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, trong đó có ông Marc Allen, Phó chủ tịch Cấp cao, chiến lược và phát triển doanh nghiệp kiêm Giám đốc Chiến lược của Tập đoàn Boeing. Thủ tướng cho biết lĩnh vực hàng không của Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới và Boeing có thể tham gia phát triển hệ sinh thái hàng không của Việt Nam.

Tại đây, ông Marc Allen cũng đã bày tỏ với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam về mong muốn mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu và tìm hiểu các cơ hội hợp tác về công nghệ, kết nối với các hãng hàng không…

Boeing là hãng sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới. Tháng 8-2021, Tập đoàn Mỹ đã chính thức đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Tập đoàn cung cấp sản phẩm cho 150 quốc gia với doanh thu năm 2021 đạt 62,3 tỉ đô la Mỹ, lợi nhuận đạt 4,3 tỉ đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới