Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bởi vì tôi đã có mặt…

Lê Hữu Huy(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – 1. “Tôi muốn kể cho bạn nghe về chuyện này: hai mươi năm trước tôi quan sát một người đàn ông chết trên một lối mòn gần làng Mỹ Khê. Tôi không giết hắn. Nhưng tôi có mặt, bạn hiểu chứ, và sự có mặt của tôi là đủ tội lỗi rồi. Tôi nhớ khuôn mặt hắn, khuôn mặt chả phải đẹp gì, bởi hàm hắn lọt vào nằm trong họng hắn, và tôi nhớ khi đó mình cảm thấy gánh nặng trách nhiệm và đau buồn. Tôi tự buộc tội mình. Và thế là đúng, bởi vì tôi đã có mặt…”.

Đó là tâm sự của nhà văn Tim O’Brien về cảm xúc của người lính Mỹ cũng mang tên ông trong tập truyện ngắn “Những thứ họ mang”(1). Trong một truyện ngắn trước đó, tác giả đã cho nhân vật Tim thổ lộ tâm trạng của mình sau khi giết người lính Việt Nam. Cảm giác tội lỗi khiến anh bị ám ảnh về nạn nhân và tưởng tượng rằng người mình đã giết có cha mẹ là nông dân, rằng đây không phải là một người cộng sản, cũng không phải là một chiến binh mà chỉ tham gia cuộc chiến với “hy vọng người Mỹ sẽ đi đi”.

Sau đoạn văn nói trên, tác giả lại nói mình đã bịa ra câu chuyện này bởi ông muốn người đọc cảm nhận sâu sắc hơn những điều nhân vật đã cảm thấy, bởi lẽ sự-thật-trong-truyện (story-truth) đôi khi còn thật hơn sự-thật-có-xảy-ra (happening-truth). Việc O’Brien mâu thuẫn với chính mình trong những truyện ngắn liên quan đến người lính Việt chết ở Mỹ Khê củng cố quan điểm mà ông cố gắng đưa ra: đó không phải là sự thật có thể kiểm chứng được, nhưng tính xác thực của cảm xúc trong câu chuyện sẽ quyết định điều đó có đúng hay không. Sự thật lớn nhất trong việc kể những câu chuyện như vậy là ở cảm xúc thay vì sự thật.

Nhân vật chính trong “Những thứ họ mang” là những người lính có tuổi đời rất trẻ có tính cách và xuất thân khác nhau từ khắp nước Mỹ đã bị xô vào cuộc chiến mà họ không thấy chút ánh sáng nào. Ngoài lương thực, vũ khí đạn dược, hành trang của họ còn là nỗi sợ hãi, cảm giác đớn hèn, mong muốn sống sót và khao khát được yêu thương. Cái chết của họ ở Việt Nam chẳng có gì là anh dũng mà thậm chí còn nhục nhã ê chề, chẳng hạn như Kiowa – một tín đồ Ki tô thuần thành đã chìm trong cánh đồng sình lầy đầy chất thải. Trong chuyến đi về thăm chiến trường xưa, O’Brien thổ lộ: “Nhiều phần như mới hôm qua, nhiều phần như chẳng bao giờ. Có lẽ rằng, theo cách nào đó, tôi đã chìm xuống cùng với Kiowa, và nay sau hai mươi năm cuối cùng tôi đã ngoi lên được”.

 

2. Chia sẻ trên trang web của Leakey Foundation, một quỹ thiện nguyện mang sứ mệnh tăng cường kiến thức khoa học, giáo dục và sự hiểu biết của cộng đồng về nguồn gốc, sự tiến hóa, hành vi và sự tồn tại của con người, Giáo sư Agustin Fuentes, một nhà nhân chủng học sinh học và nhà nguyên sinh học người Mỹ tại Đại học Princeton lập luận rằng bản chất con người là hòa bình. Nhìn vào các hồ sơ hóa thạch và khảo cổ, chúng ta thấy rất ít bằng chứng về chiến tranh và xung đột giữa các nhóm người cho đến những giai đoạn lịch sử gần đây. Bản chất và nguyên nhân của bạo lực không được tìm thấy trong gen người và chúng ta hợp tác nhiều hơn là xung đột. Chiến tranh có thể tương đối phổ biến trong trải nghiệm của con người ngày nay, nhưng nó không phải là một phần trung tâm trong di sản tiến hóa của cả nhân loại.

Rất khó để huấn luyện con người chiến đấu và giết lẫn nhau. Để làm được như vậy, theo giáo sư Fuentes, con người phải khai thác khả năng để hợp tác với nhau, ý thức mạnh mẽ về đạo đức và hành động, đồng thời kết hợp điều đó với khả năng gây hấn và bạo lực. Trong chiến tranh, những tiềm năng của con người bị thao túng vì mục đích chính trị. Tuy nhiên, những mô hình hành vi, hợp tác và xung đột cũng có thể được khai thác cho mục đích hòa bình. Lịch sử đã chứng minh rằng con người ta có khả năng tiến hành các hoạt động hòa bình nhiều hơn chiến tranh.

Nhân loại đã sống trong trạng thái hòa bình tương đối trong gần tám mươi năm kể từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc và điều này khiến một số học giả cho rằng khái niệm chiến tranh đã trở nên lỗi thời.

Nhưng rồi xung đột quận sự giữa Nga và Ukraine, tiếp theo là việc nhiều quốc gia tăng cường phòng thủ và áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về những lập luận và nhận định như trên. Viễn cảnh về một cuộc chiến quy mô, kéo dài ở châu Âu giờ đây hiện ra như một bóng ma đe dọa phần còn lại của thế giới. Nhiều quốc gia sẽ phải rút ra bài học từ cuộc chiến này nhưng có lẽ xu hướng sẽ là sự liên kết các cường quốc lớn và các quốc gia nhỏ phải nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ hơn để hướng đến hòa bình.

——-

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore.

(1) Nguyên tác tiếng Anh: “The Things They Carried”. Dịch giả: Trần Tiễn Cao Đăng. Nhà xuất bản Văn học, năm 2011.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới