(KTSG Online) – Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đang là những địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trong nước và nước ngoài. Bốn địa phương này đang có kế hoạch liên kết phát triển các khu công nghiệp theo mục tiêu kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.
- Hải Phòng – Hải Nam (Trung Quốc) tìm cơ hội hợp tác trên lĩnh vực logistics
- Cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng xây dựng theo phương thức PPP
- Quảng Ninh – Trung tâm sản xuất mới của miền Bắc
Đây là thông tin được đề cập tại Diễn đàn liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông, do VCCI, thành phố Hải Phòng và ba tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương cùng các ban ngành liên quan tổ chức vào ngày 31-8 tại Hải Phòng, theo thông tin từ TTXVN.
Diễn đàn là hoạt động từng bước hiện thực hóa thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Đồng thời, sự kiện cung cấp bức tranh toàn cảnh về đầu tư, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp các địa phương trên trục cao tốc phía Đông, góp phần kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển khu công nghiệp; qua đó thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại đây.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc liên kết kinh tế bốn địa phương sẽ mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Bốn địa phương khi liên kết lại sẽ có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động như có cảng biển lớn quốc tế (tại Hải Phòng), có cửa khẩu trên bộ và trên biển với thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc (tại Quảng Ninh), có sân bay quốc tế (ở Hải Phòng, Quảng Ninh), có nguồn nhân lực còn dồi dào (tại Hải Dương và Hưng Yên) cùng không gian phát triển kinh tế còn rộng lớn và nhiều tiềm năng (như tại Hải Dương và Hưng Yên).
Riêng lĩnh vực phát triển công nghiệp, bốn địa phương trên được đánh giá là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Ngành công nghiệp-xây dựng của các địa phương là trụ cột tăng trưởng của vùng, thu hút được các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, quan trọng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ôtô, đóng tàu, dệt may; bước đầu hình thành ngành công nghiệp phụ trợ trong các ngành này tại Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Hiện trên địa bàn các tỉnh, thành này ở trên trục cao tốc phía Đông có 87 khu kinh tế và khu công nghiệp. Trong đó, Hải Dương có 24 khu công nghiệp tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha. Hải Phòng có khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và 25 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.702 ha. Quảng Ninh có 5 khu kinh tế (gồm 3 khu kinh tế cửa khẩu, 2 khu kinh tế ven biển) và 16 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 388.671 ha. Hưng Yên có 17 khu công nghiệp có diện tích trên 4.395 ha.
Đáng nói, các khu công nghiệp trên địa bàn bốn tỉnh trục cao tốc phía Đông đang sử dụng lượng lao động lớn, với Hải Dương sử dụng khoảng 102.014 người (trong đó, có 100.914 lao động trong nước và 1.100 lao động nước ngoài) với mức thu nhập trung bình trên 7 triệu đồng/tháng/người. Hải Phòng chỉ tính đến hết năm 2020, tổng số lao động Việt Nam trong các khu công nghiệp là 157.967 người.
Các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm, thị trường mới. Cụ thể, năm 2020 đã chiếm gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của khu vực này.