Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bóng đá, hóng và hớt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bóng đá, hóng và hớt

Chính Phong

(TBKTSG Online) - “Hóng hớt” có nghĩa là chỉ hành động của những kẻ rảnh rỗi, thích tò mò hóng chuyện người khác rồi đơm đặt, buôn chuyện. Tách hai từ này riêng ra thành “hóng” và “hớt” xem chừng lợi hại hơn nhiều. Đó là chuyện đang xảy ra quanh đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Bóng đá, hóng và hớt
Tối 12/12, một ngày sau trận hòa 2-2 tại Bukit Jalil, đội tuyển Việt Nam đã về đến Hà Nội, chuẩn bị cho trận chung kết lượt về. Ảnh: TTXVN

Đầu năm 2018, khi đội bóng U23 Việt Nam sang Trung Quốc dự giải U23 châu Á, mọi chuyện rất im ắng, vì không mấy ai tin đội bóng này có nhiều cơ hội tại giải đấu, thậm chí cơ hội vượt qua vòng bảng cũng khá mỏng.

Nhưng qua mỗi trận, U23 Việt Nam chơi ngày một hay, hạ các đối thủ Tây Á, tiến vào trận chung kết, mức độ quan tâm tăng chóng mặt cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đường phố với những lời có cánh, nào là “vỡ òa”, “vận nước đang lên”, “đặt cả châu Á dưới chân”.

Các nhãn hàng không bỏ qua sự kiện tuyệt vời này. Trong vòng vài ngày trước và sau trận chung kết, số tiền thưởng cho đội bóng bật vọt ngoạn mục. Tính cả chiến dịch, đội bóng U23 được hơn 50 tỉ đồng tiền thưởng, xác lập một kỷ lục mới trong làng thể thao nước nhà.

Đồng ý rằng sự kiện U23 trên mang tính bất ngờ, nên không trách cứ chuyện “ăn theo”. Nhưng không thể nói việc đội tuyển quốc gia đang dự AFF Cup vào chung kết là việc bất ngờ được. Vì đội bóng này gồm đa phần các thành viên đã được kiểm chứng trình độ qua ngôi Á quân U23 châu Á và qua việc vào đến tận vòng bán kết môn bóng đá của đại hội thể thao cấp châu lục ASIAD 2018.     

Chuyện trong tầm dự đoán, các nhãn hàng hoàn toàn có thể chủ động ký hợp đồng tài trợ, hứa thưởng cho đội tuyển trước giải đấu, làm tiếp thị một cách bài bản, chuẩn mực, để không gây xao động, gây mất tập trung cho đội bóng. Nhưng không, họ vẫn không làm thế.

Cách làm của họ vẫn là “hóng” và “hớt”: Hóng xem đội bóng đi được đến đâu, gây tác động đến xã hội ra sao, để rồi mới quyết định nhảy vào hớt.

Có thể bỏ qua 1.001 kiểu ăn theo đội tuyển của các cửa hàng mỹ phẩm, thời trang, quán cà phê, quán nhậu, vật liệu xây dựng… thậm chí là cửa hàng bán sầu riêng. Nhưng các nhãn hàng tự gọi họ là thương hiệu lớn, tầm vóc quốc gia thì không nên hóng hớt theo kiểu đó.

Cái kiểu “thưởng cho đội tuyển nếu ghi bàn” trước trận bóng chẳng khác nào ngày trước, mỗi khi Thể Công đá ở sân Cột Cờ, có ông bán phở ở Ngã Tư Sở lượn qua lượn lại sau khung thành nói với thủ môn: “Gôn ơi, bắt hay, tí nữa bố thưởng”. Chỉ khác, ngày trước chưa có truyền thông, Facebook để rêu rao, để lăng xê thương hiệu như bây giờ.

Và khác nữa là việc này chỉ có ở Việt Nam. Với bóng đá thế giới, đặc biệt là các nền bóng đá chuyên nghiệp, chuyện treo thưởng rất rõ ràng, gần như không có thưởng đột xuất, thưởng theo cảm tính, theo kiểu hóng và hớt như vậy. Tất cả đều làm vào trước khi giải đấu. Không bao giờ có chuyện doanh nghiệp ABC nào đó thưởng tuyển Pháp 1 tỉ đồng nếu họ vô địch World Cup. Bởi văn hóa của họ không dung nạp những kiểu ăn theo như vậy.

Đội tuyển bóng đá quốc gia hiện nay: Trước giải đấu, không ai treo thưởng. Hết vòng bảng: có 2,4 tỉ đồng tiền thưởng. Sau vòng bán kết: có 3,7 tỉ đồng. Sau trận chung kết lượt đi: có tổng cộng 8,12 tỉ đồng. Vô địch có bao nhiêu?

Tình trạng hóng và hớt sẽ còn tiếp diễn.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới