Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bông sợi và lao động cưỡng bức: Cảnh báo cho hàng dệt may Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bông sợi và lao động cưỡng bức: Cảnh báo cho hàng dệt may Việt Nam

Dương Văn Học (*)

(KTSG) - Tuần vừa qua, báo chí Nhật Bản đồng loạt đưa tin về người khổng lồ dệt may, Fast Retailing UNIQLO, gặp rắc rối tại thị trường Mỹ. Tháng 1-2021, một kiện hàng áo sơ mi nam (làm từ nguyên liệu cotton) bị chặn tại cảng Los Angeles/Long Beach bằng một lệnh mà theo luật pháp Mỹ gọi là “Withhold Release Order (WRO)”.

Bông sợi và lao động cưỡng bức: Cảnh báo cho hàng dệt may Việt Nam
Thu hoạch bông tại Tân Cương. Ảnh: FT.com

Đây là một công cụ thương mại nhằm từ chối hàng nhập khẩu khi có nghi ngờ hàng hóa này được sản xuất bởi hay có liên quan đến lao động cưỡng bức, một hình thức bị lên án và phải loại trừ theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

UNIQLO có liên quan gì?

Điều đầu tiên là cần hiểu rõ và có khả năng kiểm chứng được nguồn bông sợi nhập khẩu liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức.

Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may nước ta cần lồng ghép điều khoản liên quan đến lao động cưỡng bức trong hợp đồng cung cấp nguyên liệu từ phía đối tác nước ngoài.

Có thể chúng ta đều biết, Trung Quốc và Việt Nam là hai “đại bản doanh” sản xuất, gia công cho tập đoàn dệt may khổng lồ này. UNIQLO, cũng như các nhà sản xuất hàng dệt may nói chung, khó ngày một ngày hai “chuyển hướng” sản xuất khỏi Trung Quốc, nhất là với nguồn nguyên liệu bông sợi.

Theo thống kê gần đây, Trung Quốc cung cấp hơn 22% nguyên liệu bông sợi cho thế giới, tuy nhiên, khoảng 87% số lượng bông sợi này được thu hoạch, sản xuất từ khu vực tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (Trung Quốc).

Gần đây, vấn đề nhân quyền ở Tân Cương là câu chuyện “nhạy cảm” trong quan hệ Mỹ - Trung. Nhưng không chỉ mối quan hệ song phương này, Liên minh châu Âu cũng vừa tạm hoãn phê chuẩn Hiệp định toàn diện về đầu tư với Trung Quốc do liên quan đến vấn đề này.

Bằng việc nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức trong ngành công nghiệp bông sợi, Mỹ đã áp dụng ngay công cụ ngăn chặn nhập khẩu có sẵn trong hệ thống luật lệ thương mại phức tạp của mình. Điều đáng nói là, biện pháp này không chỉ từ chối nhập khẩu nguyên liệu bông sợi bị tình nghi sử dụng lao động cưỡng bức vào thị trường Mỹ, mà nó còn “cấm cửa” luôn cả sản phẩm được làm ra từ những nguyên liệu này - mặt hàng dệt may. Đến nay, Mỹ đã ba lần đưa ra lệnh ngăn chặn WRO liên quan đến nghi ngờ về lao động cưỡng bức ở Tân Cương (tháng 9-2020, 11-2020, và 1-2021).

Lệnh ngăn chặn WRO về lao động cưỡng bức

Khởi nguồn từ những năm 1890, nhưng việc ngăn chặn nhập khẩu những sản phẩm bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức được chính thức luật hóa tại Mỹ vào năm 1930. Cho đến năm 2015, việc ngăn chặn này là không hoàn toàn vì luật pháp Mỹ vẫn cho phép nhập khẩu một phần các sản phẩm bị tình nghi nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa (consumptive demand clause). Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ. Điều này có nghĩa, hiện tại nước Mỹ về nguyên tắc là “nói không với sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức”.

Cái khó của vấn đề là phải theo dõi cả quá trình từ trồng trọt - thu hoạch bông, đến sơ chế - kéo sợi, và dệt sợi thành vải để không “dính dáng” gì đến lao động cưỡng bức.

Theo đó, bất kỳ ai có niềm tin hay luận cứ cho rằng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sử dụng hay có liên quan đến lao động cưỡng bức, sẽ báo trực tiếp đến Cơ quan Bảo vệ biên giới và Hải quan Mỹ, hoặc đến giám đốc cảng nơi hàng hóa nhập khẩu, thậm chí đơn giản chỉ bằng cách gửi thông tin vào địa chỉ hộp thư điện tử.

Cơ quan Bảo vệ biên giới và Hải quan Mỹ sẽ xem xét, khi thấy có căn cứ hợp lý về hàng hóa có thể được làm từ lao động cưỡng bức, cơ quan này sẽ ban hành lệnh ngăn chặn WRO. Lệnh ngăn chặn này áp dụng trên từng hàng hóa nhập khẩu cụ thể của từng nhà sản xuất.

Tuy nhiên, do độ “nóng” về những quan ngại nhân quyền ở Tân Cương từ phía Chính phủ Mỹ cũng như sự “đồng lòng” của ngành công nghiệp dệt may Mỹ, lệnh ngăn chặn tháng 1-2021 là trên tất cả bông sợi và sản phẩm làm từ bông sợi (downstream products) có nguồn gốc từ Tân Cương. Yếu tố chính trị đã hậu thuẫn cho lệnh ngăn chặn này khi mà dự luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức Ngô Duy Nhĩ (Uyghur Forced Labor Prevention Act) đang được thảo luận tại Quốc hội Mỹ.

Theo quy định, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi lệnh ngăn chặn WRO có ba tháng để “thanh minh” rằng sản phẩm mình không “dính dáng” gì đến lao động cưỡng bức. Trên thực tế thì UNIQLO đã không đủ thuyết phục để “minh oan” cho mình trước cơ quan thực thi pháp luật Mỹ. Và kết quả là, hoặc lô hàng bị tình nghi sẽ phải chuyển đi nước khác hoặc sẽ bị tiêu hủy tại Mỹ.

Dệt may Việt Nam cần lưu ý điều gì?

Vấn đề ở đây là việc kiểm soát nguồn cung nguyên liệu xem có liên quan gì đến lao động cưỡng bức hay không. Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một điều khoản “đi kèm” với hoạt động giao thương được đưa vào hai hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” của Việt Nam là CPTPP và EVFTA.

Nhưng ở đây là nghĩa vụ xóa bỏ lao động cưỡng bức tại nước ta (cũng như tại bên ký kết khác), chứ chúng ta không thể làm gì với vấn đề lao động cưỡng bức (nếu có) tại một quốc gia thứ ba - nơi ta nhập khẩu nguồn nguyên liệu. Cái khó của vấn đề là phải theo dõi cả quá trình từ trồng trọt - thu hoạch bông, đến sơ chế - kéo sợi, và dệt sợi thành vải để không “dính dáng” gì đến lao động cưỡng bức.

Theo các chuyên gia thương mại nguyên liệu bông sợi, vấn đề “tổng” kiểm soát này là rất khó thực hiện trong ngắn hạn nếu doanh nghiệp không có dự liệu trước, lại tốn chi phí và chỉ có thể thực hiện bởi những tập đoàn dệt may quy mô lớn có khả năng đàm phán và xoay chuyển nguồn cung.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, hiện tại Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu cho ngành công nghiệp dệt may, giày da từ phía Trung Quốc (47% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu - năm 2019). Với tỷ trọng “thống lĩnh” từ nguồn cung bông sợi Tân Cương ở quốc gia này, nguyên liệu nhập khẩu cho ngành công nghiệp dệt may nước ta rất có thể bị nghi ngờ “dính líu” tới vấn đề lao động cưỡng bức.

Điều này có nghĩa một số mặt hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam đang đứng trước rủi ro đối mặt với một lệnh ngăn chặn WRO vào thị trường Mỹ. Nếu thật sự bị áp dụng, thì vấn đề chứng minh có thể là một rắc rối lớn. Với khoảng thời gian không nhiều (ba tháng), thì việc thu thập thông tin, củng cố hồ sơ, cần thiết thì đòi hỏi đi thực địa, kiểm toán, trình bày... có thể là quá sức. Vậy, chúng ta có thể làm được gì để lường trước một rủi ro mang tên WRO?

Điều đầu tiên là cần hiểu rõ và có khả năng kiểm chứng được nguồn bông sợi nhập khẩu liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức. Xung đột thương mại - chính trị Mỹ - Trung, suy cho cùng, là một loại xung đột mang tính ý thức hệ về vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế và xã hội. Khó có một giải pháp khả dĩ nào, ít nhất trong tương lai gần.

Về vấn đề lao động cưỡng bức ở Tân Cương, Mỹ thì luôn cáo buộc; Trung Quốc thì luôn chối bỏ. Chúng ta có thể ít quan tâm về câu chuyện có hay không, nhưng cái chúng ta cần là sự ổn định, niềm tin của thị trường tiêu dùng Mỹ. Chúng ta không thể làm gì với chủ quyền của quốc gia nơi cung ứng nguyên liệu, nhưng chúng ta có thể lựa chọn nguồn cung.

Và cũng cần lưu ý đến vấn đề lao động cưỡng bức tại quốc gia hay doanh nghiệp được chọn “thay thế” để không rơi vào cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may nước ta cần lồng ghép điều khoản liên quan đến lao động cưỡng bức trong hợp đồng cung cấp nguyên liệu từ phía đối tác nước ngoài. Để nếu gặp “sự cố” tại thị trường Mỹ, ta cũng có căn cứ pháp lý ít nhất cho việc vi phạm hợp đồng.

(*) Khoa Luật, trường Đại học Cần Thơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới