BP dọn đường cho một tương lai mới hậu dịch bệnh
Lê Linh
(TBKTSG Online) – Tập đoàn dầu khí BP (Anh) vừa quyết định bút toán giảm giá trị tài sản đến 17,5 tỉ đô la Mỹ trên cơ sở dự báo tình trạng giá dầu thấp sẽ kéo dài. Động thái này cũng báo hiệu, BP có thể sẽ từ bỏ các trữ lượng tài sản dầu khí chưa khai thác để tập trung vào phát triển mảng năng lượng tái tạo.
Các 'ông lớn' dầu khí giảm mạnh đầu tư để củng cố sức khỏe tài chính
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể đã đạt đỉnh. Ảnh: Kalkinemedia |
Hôm 15-6, BP ra tuyên bố cảnh báo, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 có thể gây tác động lâu dài đối với nền kinh tế toàn cầu, khiến nhu cầu năng lượng suy giảm trong một thời gian dài. BP cho biết sẽ bút toán giảm giá trị tài sản từ 13-17,5 tỉ đô la (tương đương đến 6% tổng tài sản của BP) khi công bố báo cáo tài chính quí 2 vào ngày 4-8 tới.
Quyết định bút toán giảm giá tài sản được đưa ra vì hai lý do. Thứ nhất, BP điều chỉnh dự báo giá dầu Brent trong 3 thập kỷ tới về mức trung bình 55 đô la Mỹ/thùng, giảm 27% so với mức dự báo đưa ra trước đây. Thứ hai, BP giảm giá trị tài sản dầu khí mà tập đoàn này đang nắm giữ ở Canada và vùng Vịnh Mexico (Mỹ) nhưng có thể quyết định không phát triển trong những thập kỷ tới nếu không khả thi về kinh tế.
Viết trên Bloomberg, cây bút bình luận Chris Hughes, nhận định: “Quyết định bút toán giảm giá tài sản gần 18 tỉ đô la của BP cho thấy năm 2020 là điểm bước ngoặt quan trọng đối với ngành dầu mỏ toàn cầu. Quyết định đó rõ ràng thừa nhận rằng, các nhà sản xuất dầu khí lớn đang ngồi trên các mỏ dầu mà sẽ không phát triển được vì đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu dầu và làm tăng nhu cầu năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng”.
Các nhà phân tích ở Ngân hàng Morgan Stanley thậm chí cho rằng, mức giá dầu Brent 50 đô la/thùng theo dự báo của BP là “lạc quan” vì mức giá này sẽ khuyến khích hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Mỹ, làm tăng sản lượng dầu và có thể khiến giá dầu giảm sâu hơn nữa.
“Ban lãnh đạo của BP dự báo đại dịch Covid-19 và hậu quả của nó sẽ làm tăng tốc tiến trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng và nền kinh tế carbon thấp”, tuyên bố BP nêu rõ.
Bernard Looney, Giám đốc điều hành BP, nói: “Tôi tin rằng với quyết định khó khăn này, BP sẽ đưa khí thải nhà kính về 0 (net zero) vào năm 2050 và giúp chúng tôi cạnh tranh tốt hơn trong thông qua chuyển đổi năng lượng”.
Trước đây, BP đã cam kết giảm khí thải nhà kính trong các hoạt động của mình trên toàn cầu. Đến năm 2050, BP đặt mục tiêu giảm 50% cường độ carbon trong các sản phẩm mà BP bán ra thị trường. Cường độ carbon là số gram khí carbon dioxide sản sinh ra khi nhiêu liệu được sử dụng.
Trong nhiều năm qua, các tập đoàn dầu khí toàn cầu chạy đua thâu tóm và phát triển các mỏ dầu khí để đáp ứng nhu cầu dầu ngày càng tăng của thị trường. Giờ đây, các nhà phân tích cho rằng giới đầu tư đang hoài nghi nhu cầu này, đặc biệt là khi nhiều chính phủ nỗ lực đáp ứng các cam kết giảm khí thải nhà kính theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu 2015.
Đại dịch Covid-19 làm suy giảm nhu cầu dầu khí, than do hàng loạt nhà máy đóng cửa, máy bay dừng hoạt động và lượng ô tô lưu thông giảm. Giá dầu Brent, chỉ số chuẩn giá dầu toàn cầu, sụp đổ về mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua hồi tháng 4, rồi dần phục hồi kể từ đó nhưng vẫn đang giảm 42% trong năm nay.
Với quyết định bút toán giảm giá trị tài sản của BP, ông Looney đang chuẩn bị cho tập đoàn này thích ứng với một tương lai mới, khi thế giới tiêu thụ dầu ít hơn và BP cũng sẽ sản xuất ít dầu mỏ hơn kỳ vọng trước đây.
Looney đang muốn đổi mới tập đoàn dầu khí 111 năm tuổi đời theo hướng gọn nhẹ hơn trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Tuần trước, BP thông báo sẽ sa thải 10.000 nhân sự, gần 15% tổng nhân sự của BP để cắt giảm chi phí.
Các nguồn tin nội bộ của BP cho hay, tập đoàn này sẽ cắt giảm các vị trí lãnh đạo từ con số 250 về 120. Trong tháng 4, BP quyết định giảm ngân sách chi tiêu 25% xuống còn 12 tỉ đô la Mỹ nhưng vẫn duy trì kế hoạch đầu tư 500 triệu đô la cho năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp.
Nhu cầu dầu toàn cầu đã đạt đỉnh?
BP quyết định bút toán giảm giá trị tài sản đến 17,5 tỉ đô la Mỹ do triển vọng ảm đạm của nhu cầu dầu mỏ. Ảnh: Reuters |
Hôm 16-6, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu có thể giảm trung bình 8,1 triệu thùng/ngày trong năm nay. Nhu cầu dầu dần phục hồi khi các lệnh phong tỏa kiểm soát dịch Covid-19 được dỡ bỏ khắp nơi trên thế giới. Song các công ty dầu khí vẫn đối mặt với triển vọng ảm đạm hơn dài hạn.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Financial Times hồi tháng trước, ông Looney nhận định thế giới có thể đã đạt “đỉnh dầu” (Peak Oil), một thuật ngữ đề cập đến giả thuyết sản lượng dầu toàn cầu đạt mức tối đa, sau đó bắt đầu giảm. Ông cho rằng nhu cầu dầu sụp đổ do dịch Covid-19 và sự thay đổi kéo dài sau đó trong lối sống của người dân có thể khiến nhu cầu dầu không bao giờ quay trở lại mức 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019.
Một số nhà phân tích cũng cảnh báo nhu cầu dầu có thể sẽ không quay về trở lại mức cao kỷ lục trong lịch sử vào năm ngoái do đại dịch Covid-19 làm tăng tốc sự những chuyển đổi vốn đang diễn ra trên các thị trường năng lượng, chẳng hạn chuyển sang năng lượng tái tạo.
Một số chính phủ đang tận dụng sự chuyển đổi đó và cuộc khủng hoảng Covid-19 để tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch và hướng nền kinh tế thoát dần khỏi sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch.
Gói cứu trợ 17 tỉ đô la mà chính phủ Pháp dành cho hãng máy bay Airbus và ngành công nghiệp hàng không của nước này bao gồm các khoản ngân quỹ phục vụ nghiên cứu và phát triển với mục tiêu sản xuất một loại máy bay chở khách trung tính với carbon (vận hành bằng nhiên liệu hydrogen thay vì nhiên liệu hóa thạch) vào năm 2035.
Trong khi đó, chính phủ Đức cho biết sẽ triển khai gói trợ giá xe điện trị giá 2,2 tỉ euro để tăng gấp đôi mức trợ giá lên 6.000 euro đối với xe điện có giá bán lên đến 40.000 euro.
Theo CNN, New York Times