(KTSG Online) - Brazil đang tiến hành một loạt cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào các sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc. Động thái này diễn ra khi nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin chịu sức ép từ làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, nước nằm trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cùng với Brazil.
- Mỹ điều tra rủi ro an ninh ở xe sử dụng công nghệ kết nối của Trung Quốc
- Trung Quốc xuất khẩu hàng tăng vọt, kéo giá nhựa và thép châu Á giảm sâu
Thép, hóa chất, lốp xe Trung Quốc bị điều tra chống bán phá giá
Trong 6 tháng qua, Bộ Công nghiệp Brazil mở ít nhất 6 cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm của Trung Quốc từ thép tấm, thép tráng màu cho đến hóa chất và lốp xe.
Một trong những cuộc điều tra gần đây nhất được tiến hành vào đầu tháng này theo yêu cầu của CSN, một nhà sản xuất thép lớn của Brazil. Theo CSN, từ tháng 7-2022 đến tháng 6-2023, lượng nhập khẩu các loại thép tấm carbon, đặc biệt từ Trung Quốc, tăng gần 85%.
Khi mở cuộc điều tra dự kiến kéo dài 18 tháng, Bộ Công nghiệp Brazil cho biết “có đủ yếu tố cho thấy hành vi bán phá giá trong hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Brazil”, gây thiệt hại cho ngành sản xuất thép trong nước.
Các nhà sản xuất thép Brazil đã yêu cầu chính phủ áp dụng mức thuế từ 9,6-25% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc của Brazil tăng từ 1,6 tỉ đô la vào năm 2014 lên 2,7 tỉ đô la vào năm ngoái.
Nhập khẩu thép tăng vọt là một vấn đề gây đau đầu đối với chính phủ Brazil vì quốc gia Mỹ Latin này là một trong những nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.
Hóa chất và lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc cũng vấp phải phản ứng của các nhà sản xuất ở Brazil. Bộ Công nghiệp Brazil đã tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào 2 mặt hàng này trong những tháng gần đây.
Theo dữ liệu chính thức, nhập khẩu hóa chất công nghiệp anhydrit phthalic từ Trung Quốc tăng hơn 2.000% về số lượng trong khoảng thời gian từ tháng 7-2018 đến tháng 6-2023. Trong cùng kỳ, nhập khẩu lốp xe của Brazil cũng tăng hơn 100% lên 47 triệu đơn vị, với khoảng 80% đến từ Trung Quốc.
“Năm ngoái, chúng tôi chứng kiến một trong những tình huống nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành hóa chất của đất nước. Chúng tôi coi biện pháp tăng thuế nhập khẩu tạm thời là một công cụ quản lý cần thiết để chống lại các hành động bán phá giá và bảo vệ thị trường nội địa”, André Passos Cordeiro, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hóa chất Brazil, nói khi đề cập đến làn sóng nhập khẩu hóa chất giá rẻ từ Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại đặt ra tình thế nan giải đối với Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, người vừa tìm cách nuôi dưỡng quan hệ với Bắc Kinh, vừa bảo vệ và phát triển các ngành công nghiệp trong nước.
Kể từ khi trở lại vị trí tổng thống nhiệm kỳ thứ ba không liên tiếp vào năm ngoái, ông xem chính sách công nghiệp là trọng tâm trong chiến lược kinh tế. Nhưng Brazil có thể sẽ cố gắng tránh đối đầu gay gắt với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất và là người mua lớn các mặt hàng xuất khẩu của nước này như đậu nành và quặng sắt. Năm ngoái, Brazil xuất khẩu hơn 104 tỉ đô la Mỹ hàng hóa sang Trung Quốc, trong khi nhập khẩu 53 tỉ đô la.
70% trong số 101 triệu tấn đậu nành mà Brazil cung cấp cho thị trường nước ngoài hồi năm ngoái, với trị giá khoảng 39 tỉ đô la, được vận chuyển sang Trung Quốc.
Bắc Kinh thúc đẩy xuất khẩu vì công suất dư thừa
Động thái điều tra chống bán phá giá của Brazil diễn ra vào thời điểm thế giới lo ngại làn sóng xuất khẩu hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7,1% trong hai tháng đầu năm nay, vượt xa tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu. Ngoài Brazil, xuất khẩu thép của Trung Quốc sang Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang khuyến khích xuất khẩu để giải quyết tình trạng dư thừa công suất trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản suy thoái và nhu cầu trong nước suy yếu. Để kích thích nền kinh tế, Bắc Kinh cũng thúc đẩy đầu tư vào sản xuất tiên tiến, đặc biệt là ở các lĩnh vực như năng lượng mặt trời, xe điện và pin.
Gần đây, các nước phát triển bắt đầu thực hiện các biện pháp sâu rộng để ngăn chặn hàng nhập khẩu bị cáo buộc cạnh tranh không công bằng từ Trung Quốc. Hồi tháng 9 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) thông báo tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc. Cuối tháng 2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mở cuộc điều tra rủi ro an ninh đối với xe sử dụng công nghệ kết nối của Trung Quốc,
“Tình trạng giảm giá kéo dài của hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc có thể khiến căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinhh và một số cường quốc kinh tế dâng cao”, các nhà phân tích của ngân hàng Nomura cho biết trong một báo cáo nghiên cứu hôm 15-2.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc từ Brazil tăng hơn 30% trong hai tháng đầu năm. Brazil không phải là thị trường mới nổi duy nhất lo ngại về sự gia tăng đột biến các sản phẩm công nghiệp từ Trung Quốc. Tại Thái Lan, chính phủ cáo buộc các công ty Trung Quốc lách thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm sắt thép bằng cách chuyển sang phương pháp sản xuất cán nóng, trộn hợp kim vào sản phẩm hoặc phủ chúng bằng chất không nằm trong quy định về thuế chống bán phá giá.
Tháng 9-2023, Ấn Độ thông báo áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép của Trung Quốc trong thời gian 5 năm. Tháng 8 năm ngoái, Mexico cũng áp đặt mức thuế nhập khẩu 5-25% đối với hàng trăm mặt hàng nhập khẩu từ các đối tác không có hiệp định thương mại tự do với nước này. Trung Quốc là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ động thái này.
Thuế quan được đưa ra trong bối cảnh Mexico đứng trước áp lực gia tăng từ các quan chức Mỹ, cho rằng Mexico chưa hành động đủ để làm rõ nguồn gốc thép nhập khẩu từ các nước thứ ba, ám chỉ đến Trung Quốc.
Gần đây, hai thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton và Sherrod Brown giới thiệu một dự luật nhằm tái áp đặt mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu từ Mexico. Năm 2019, Mỹ đạt được thỏa thuận với Mexico và Canada để bỏ mức thuế 25% và 10% lần lượt đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ hai nước này. Như một phần của thỏa thuận, Mexico đồng ý bảo đảm minh bạch hơn về nguồn gốc thép và nhôm nhập khẩu từ các nước thứ ba.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc liên tục chỉ trích động thái điều tra nhằm vào hàng hóa của nước này, đặc biệt là từ Mỹ và EU, là chủ nghĩa bảo hộ, gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo Financial Times, S&P Global