Thứ Tư, 23/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

BRICS đang thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

BRICS đang thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu

Chánh Tài

BRICS đang thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu
Sự trỗi dậy của BRICS sẽ hình thành trật tự kinh tế toàn cầu đa cực. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) - BRICS, tập hợp năm nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang hình thành trật tự kinh tế toàn tầu mới và cân bằng hơn.

Trật tự kinh tế toàn cầu hiện tại nằm dưới sự thống trị của các cường quốc phương Tây truyền thống gồm Mỹ và các nước châu Âu, do vậy họ luôn có tiếng nói trọng lượng hơn ở các tổ chức tài chính quốc tế chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, sự ra đời và phát triển nhanh chóng của khối BRICS đã cho thấy sự chuyển dịch dần dần cán cân kinh tế toàn cầu từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi, đẩy nhanh việc thành lập trật tư kinh tế quốc tế mới và hướng đến thế giới đa cực, đối trọng với quyền lực tuyệt đối từ các nước công nghiệp.

Tăng cường hợp tác

Năm 2001, chuyên gia kinh tế cao cấp của ngân hàng Goldman Sachs, ông Jim O'Neill, lần đầu tiên đưa ra khái niệm BRIC (chưa có Nam Phi). Mãi đến năm 2009, BRIC mới tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Nga. Cuối năm 2010, BRIC đổi tên thành BRICS với sự gia nhập của Nam Phi (ghép thêm chữ cái đầu tiên từ tên nước Nam Phi bằng tiếng Anh: South Africa).

Trong năm 2011, các thành viên khối BRICS đã đạt bước tiến mới và đáng chú ý trong việc thúc đẩy hợp tác chung. Tháng 4-2011, Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 của BRICS ở thành phố nghỉ dưỡng Tam Á, tỉnh Hải Nam. Hội nghị ra tuyên bố chung nhất trí thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ hiện hành cũng như đa dạng hóa hệ thống ngoại tệ dự trữ mà đồng đô la Mỹ đang thống trị. Hội nghị cũng đưa ra ba kế hoạch hành động nhằm xem xét các dự án án hợp tác hiện hành và đào sâu sự hợp tác trong tương lai giữa năm nền kinh tế.

Tháng 11-2011, các lãnh đạo BRICS bao gồm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có cuộc gặp tại thành phố Cannes (Pháp) trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20. Các lãnh đạo BRICS đã thảo luận việc tăng cường hợp tác giữa các nước BRICS, tham vấn quan điểm về tình hình kinh tế thế giới và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Gia tăng sức mạnh

Theo IMF, với dân số chiếm hơn 30% tổng dân số thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm nền kinh tế mới nổi BRICS đạt 13.600 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011, chiếm 19,5% GDP toàn cầu. Doanh số thương mại giữa các nước BRICS trong giai đoạn từ năm 2001-2010 tăng trung bình 28%/năm và đạt 239 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010, chiếm tỷ trọng khá lớn của thương mại toàn cầu.

Theo báo cáo của chuyên gia O'Neill năm 2003, cấu trúc kinh tế thế giới sẽ được sắp xếp lại vào 2050 khi BRICS trở thành khối kinh tế vượt các nước phương Tây phát triển.

BRICS đang trở thành trung tâm thu hút dòng vốn nhàn rỗi quốc tế, một minh chứng cho tính cạnh tranh ngày càng gia tăng BRICS.

Ông Yuri Moseikin, Phó Hiệu trưởng Viện Thương mại và Kinh tế toàn cầu ở Moscow (Nga), nói BRICS đang thu hút dòng vốn nóng từ các khu vực khác. Các thị trường BRICS mang tính cạnh tranh hơn với doanh nghiệp nhờ có lực lượng nhân công giá rẻ.

Ông nói: “Các sự kiện gần đây cho thấy sự tăng trưởng của BRICS tác động đến các nền kinh tế phương Tây trực tiếp hơn. BRICS tạo ra điều này thông qua công cụ của IMF bằng cách tăng vai trò ở IMF”.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde và Liên minh châu Âu (EU) đang kêu gọi BRICS đóng góp tài chính cho IMF để hỗ trợ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Đầu tháng 12-2011, bà Christine Lagarde đã đến thăm Brazil để thuyết phục nước này bơm thêm tài chính cho IMF. Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cam kết đóng góp nhưng với điều kiện IMF phải cải cách và tăng vai trò của BRICS tại IMF.

Hội nghị triển vọng đầu tư do hãng tin Reuters tổ chức vào cuối năm ngoái đánh giá BRICS có thể lớn mạnh ngang bằng với khối các nước công nghiệp G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Canada, Ý) vào năm 2027.

Ngoài tăng cường hợp tác kinh tế, BRICS cũng đưa ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác chính trị nội khối để tăng hình ảnh và ảnh hưởng lên vũ đài chính trị toàn cầu. Trong nhiều hội nghị, cả năm nước đều thống nhất quan điểm về các vấn đề quan trọng toàn cầu. Khối BRICS đã tái khẳng định trong tuyên bố Tam Á về nhu cầu cần cải cách sâu rộng Liên hiệp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm tăng trọng lượng tiếng nói và quyền lợi cho các nền kinh tế mới nổi. Về vấn đề Libya, các thành viên BRIC cũng bỏ phiếu trắng về nghị quyết Liên hiệp quốc tán thành vùng cấm bay qua Libya vào tháng 3-2011.

Chuyển đổi trật tự kinh tế cũ

Cách đây hai thập kỷ, khối các nước công nghiệp G7 chiếm 70% GDP của thế giới nhưng bây giờ con số này chỉ 50%. Các nước phát triển giờ phải chấp nhận thực tế rằng môi trường kinh tế và chính trị đã thay đổi và trật tự kinh tế toàn cầu cũ, nhường bước cho trật tự mới. BRICS đang dần được thể chế hóa thông qua việc tổ chức các hội nghị thượng đỉnh hàng năm và đào sâu quan hệ hợp tác. Từ chỗ chỉ là khái niệm kinh tế đơn thuần, BRICS đã trở thành cơ chế hợp tác đa phương quan trọng.

Báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs vào năm 2009 cho thấy kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 2007, 45% tăng trưởng toàn cầu đến từ khối BRIC (không tính Nam Phi). IMF ước tính tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi đạt 7,1% trong năm 2010 và 6,4% trong năm 2011 bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Xung lực tăng trưởng mạnh mẽ từ các thị trường mới nổi, đặc biệt là khối BRICS, đóng vai trò quan trọng trong việc kéo nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy giảm sâu. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu trong năm nay và các hiệu ứng lan tỏa không tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế BRICS.

Các nền kinh tế BRICS đang có động lực tăng trưởng mạnh mẽ đến độ các chuyên gia dự báo sức mạnh kinh tế của BRICS thậm chí có thể vượt qua các nước phát triển.

Với sự trỗi dậy của BRICS, quyền lực của trật tự kinh tế quốc tế hiện hành với sự thống lĩnh của các cường quốc phương Tây chắc chắn sẽ được chuyển đổi.

Giáo sư Mariano Turzi của Đại học De Tella ở Buenos Aires (Argentina) nói: “Trong 10-15 năm tới, BRICS sẽ tái cấu trúc các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế quốc tế và sự trỗi dậy của BRICS khó mà đảo ngược”.

Trong cuốn sách phát hành tháng 11-2011 tựa đề “Lộ trình tăng trưởng: Cơ hội kinh tế ở khối BRIC và bên ngoài”, Chủ tịch bộ phận Quản lý tài sản của ngân hàng Goldman Sachs Jim O'Neill nói từ năm 2001-2010, GDP của các nền kinh tế BRIC tăng trưởng nhanh hơn hình dung, thậm chí trong viễn cảnh lạc quan nhất.

Ông nói Brazil khiến ông ngạc nhiên vì khi ghép Brazil vào khối BRIC, ông đã có sự hoài nghi về tăng trưởng của nước này. Tuy nhiên, đến năm 2010, Brazil đã vượt qua Ý để trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới với GDP đạt 2.100 tỉ đô la Mỹ.

Ông không thể ngờ Brazil tăng trưởng nhanh đến như vậy. Theo phân tích của ông vào năm 2001, Brazil chỉ có thể đạt mức GDP trên sau năm 2020. Theo ông, Trung Quốc giờ không còn là hiện tượng phát triển nhờ chi phí nhân công rẻ. Mức sống và mức tiêu thụ của người dân Trung Quốc đang tăng mỗi năm. Tiêu dùng cá nhân của Trung Quốc trong 10 năm đã có sự tăng trưởng ngoại mục,  tăng 1.500 tỉ đô la Mỹ, dư sức tạo ra một nước Anh khác.

Ông nhận định vai trò của BRIC đang mở rộng nhanh hơn suy nghĩ ban đầu của ông. Giao thương nội khối BRIC cũng tăng mạnh, chủ yếu vì Brazil và Nga cung cấp quá nhiều hàng hóa mà Trung Quốc và Ấn Độ cần.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới