Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bữa cơm chiều

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bữa cơm chiều

Chủ tịch công đoàn Tổng công ty may Việt Tiến Trần Thị Liên hỏi chuyện công nhân trong bữa ăn chiều. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Nhà tôi nằm gần một xóm trọ nghèo. Người ở trọ hầu hết là những công nhân làm cho các công ty may mặc gần đó. Để mưu sinh, gia đình tôi mở một cửa hàng thực phẩm nhỏ, hàng hóa không nhiều, chỉ là những mặt hàng thực phẩm cần thiết, và khách hàng chủ yếu là công nhân của xóm trọ.  

Mỗi chiều về, tôi có thói quen hay ra cửa hàng của mẹ. Cũng chẳng để làm gì, chỉ để phụ bà lấy hàng cho khách, có điều tôi thấy vui vui vì có thể gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người – những khách hàng công nhân quen thuộc  với cái cách giao tiếp của họ khá mộc mạc, giản dị và cũng thật gần gũi.

Tôi thường đặt biệt danh cho các chị, chị “rau sống”, chị “dưa leo”, hay chị “cải chua”,  các chị chết tên bởi những món hàng thường mua đó. Công nhân nghèo nên bữa ăn chiều của các chị cũng đạm bạc.  

Dạo này giá cả leo thang quá, dù không muốn, cửa hàng của tôi cũng phải tăng giá bán, mà tôi biết các cửa hàng khác cũng thế thôi. Nhìn các chị đắn đo hơn trong việc lựa mớ cải, bó rau, tôi cũng thấy chạnh lòng.  

Rồi bỗng hôm trước, tôi gặp chị “rau sống”, chị vui mừng bảo: “Bữa sau chị không mua đồ ăn của em nữa rồi nha! Công ty chị nấu cơm cho công nhân buổi chiều”. Nghe chị nói tôi hơi buồn một chút, vì giờ sẽ ít thấy chị dừng xe đạp trước cửa nhà mà la í ới “Thương ơi, lấy chị 1.000 đồng rau sống!”. Nhưng tôi cũng thấy vui giùm chị, dẫu sao các chị cũng sẽ có những bữa cơm chiều tươm tất hơn.  

Do yêu cầu công việc, hôm rồi tôi có dịp vào Tổng công ty may Việt Tiến, đơn vị mà nhiều công nhân ở xóm trọ nghèo gần nhà tôi đang làm việc ở đó. Và cũng tình cờ, tôi lại có dịp ngồi lại ăn bữa cơm chiều cùng các chị. 

Năm giờ chiều, chuông báo hiệu giờ làm việc kết thúc, cũng là lúc công nhân rải đều tại các nhà ăn trong khuôn viên công ty. Tôi nhìn thấy nét vui nơi các chị. Bởi đây không phải là bữa ăn giãn ca để tiếp tục làm việc. Đây là lúc các chị thư giãn, thoải mái, ăn bữa cơm chiều rồi về nghỉ ngơi, kết thúc một ngày làm việc, không còn bận tâm nấu nướng món gì cho bữa chiều.  

Tôi gặp chị Nguyễn Ngọc Sỹ, phó phòng hành chính quản trị công ty, là người đồng hành với bếp ăn của Việt Tiến đã nhiều năm, ngày nào chị cũng tất bật từ bốn giờ sáng để chuẩn bị cho bữa cơm trưa của hơn 3.000 công nhân trong khuôn viên khu A công ty này. Bây giờ chị không chỉ nấu bữa trưa mà còn nấu luôn bữa chiều cho công nhân, dù số lượng người ăn cơm bữa chiều chỉ khoảng 500 người nhưng chắc cũng làm chị tất bật hơn nhiều lắm.  

Tôi nói vui với chị: “Chà! chị anh nuôi cầm quân tốt thật, thêm một bữa chiều mà vẫn đâu vào đấy!”. Chị cười, bảo: “Mình chịu cực chút chứ công nhân mình ăn uống thiếu thốn quá cũng tội, không có sức mà làm, dạo này giá cả tăng quá!”.  

Câu chuyện của tôi ngưng nửa chừng vì chị phải vào bếp cùng các anh chị khác để chuẩn bị cho kịp bữa chiều.   Chiều đó, tôi ăn cơm cùng công nhân Việt Tiến. Bữa ăn với canh rau cải nấu thịt nạc, gà kho gừng, dưa giá. Thức ăn không nhiều nhưng tôi biết công nhân chẳng dễ gì có được bữa cơm tươm tất như thế ở nhà.  

Ông Nguyễn Đình Trường, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Tùng – Phó tổng giám đốc Việt Tiến cũng đang ngồi đó, cùng công nhân của mình ăn bữa cơm chiều, có lẽ để chia sẻ khó khăn cùng với công nhân, vì – tôi nghĩ – chắc rằng các vị có điều kiện để ăn bữa cơm ngon hơn thế.

Ông Trường, vốn xuất thân từ bộ đội, với vẻ bộc trực, chân tình nói: “Bữa cơm này công ty nấu hộ thôi, công nhân đóng tiền thực phẩm, mỗi suất là 5.500 đồng, thấy giá cả tăng quá, anh em cũng khó mà ăn uống cho đàng hoàng nên hỗ trợ thêm cho công nhân chút đỉnh, để công nhân gắn bó với mình”.  

Bà Trần Thị Liên – Chủ tịch Công đoàn kiêm giám đốc điều hành tổng công ty tâm sự: “Cũng như những công ty khác, giai đoạn này Việt Tiến cũng gặp nhiều khó khăn. Song, chính vì lẽ đó, công ty càng chú trọng hơn đến đời sống của công nhân để họ yên tâm làm việc, tạo ra năng suất và mang lại hiệu quả sản xuất cho công ty”.  

Tôi sẽ có dịp khoe với chị “rau sống” vì đã được cùng ăn cơm với công nhân trong bếp ăn tập thể ấy. Thế nào chị cũng hỏi tôi “ngon không”. Thật lòng tôi sẽ trả lời chị là “ngon”, dù tôi biết chắc là không thể hơn được những bữa cơm văn phòng của tôi. Nhưng tôi hiểu rằng bữa cơm chiều công nhân như vậy là thật đáng trân trọng.  

THANH THƯƠNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới