Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bữa trà đàm cuối năm

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Phải đợi đến khi làn sóng về quê giãn bớt, tiếng nẹt “pô” xe máy rầm rầm vung khói bụi và tiếng ồn của đám thanh niên giảm dần, tôi mới dám hẹn mấy ông bạn già đi cà phê tán dóc.

Phía sau rạng dừa nước Bình Quới, Thanh Đa - nơi để lẳng lặng mà nghe nước sông Sài Gòn chảy và để ngắm trời trong về phía trung tâm Sài Gòn.Ảnh: N.K

Những ngày trước Tết ở Sài Gòn nay yên ả lắm. Đấy cũng là lúc cánh có tuổi bọn tôi mới chịu khó ra đường tìm nhau. Từ nay anh em xa quê tại nước ngoài khỏi cần ganh tỵ mà bảo nhau rằng: nơi xứ người mấy khi được tụ tập bù khú sướng như bạn trong nước. Bây giờ ở quê nhà có chi khác đâu, nhậu nhẹt chẳng ai dám rồi vì vui làm một lon bia cũng phải đắn đo suy nghĩ có nên chăng. Vì lo ra ngõ có thể gặp xui bị tuýt còi dừng xe đo độ cồn, thì vạ không chỉ chịu phạt tiền mà còn bị giam xe, lấy đâu phương tiện chở vợ đi chợ.

Lần này, chúng tôi ba người chọn cái cốc của người bạn tại khu Bình Quới. Nói cái cốc cũng đúng, vì căn chòi lợp lá dừa xinh xắn nằm khuất sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo chạy tít tới cận bờ sông. Với chủ ý: để lẳng lặng mà nghe nước sông Sài Gòn chảy và để ngắm trời trong về phía trung tâm Sài Gòn.

Nhớ khi cả thế giới vào đỉnh dịch Covid-19, nhà máy và giao thông tại nhiều nước ngưng hoạt động, xả thải bớt đi nhiều, có người còn phát hiện đầy đủ ngọn Everest mấy đời nay mây phủ khi đứng cách xa hàng ngàn cây số. Hóa ra điều “huyền bí” thường được thị lộ khi con người và thế giới giảm vọng động, chịu sống thanh khiết một chút, thu mình về trong tịch lặng… Bấy nhiêu thôi mà phải tra vấn hàng chục cuốn sách thiền hay mở YouTube để nghe quý thầy tu giảng, nhưng tu tập miết nào có thấy ra!

Quảy theo một ít cà phê đặc sản quà Tết của mấy anh em từ Buôn Ma Thuột gửi biếu và các dụng cụ cần thiết dù rất dã chiến gồm một máy xay tay, phễu đi kèm với giấy lọc, nhưng ông Thạnh đã làm trật tâm thế sẵn sàng của hai bạn già đến đối ẩm. Số là thằng con ông từ Nhật Bản gửi về biếu Tết cho bố hộp trà matcha. Nên thay vì thưởng thức cà phê, Thạnh đề nghị làm một tuần trà đạo để sống lại với cái hồn cốt phương Đông. Cũng hợp lý thôi. Tết ta kia mà!

Thật ra, cả ba anh em chúng tôi quen biết nhau từ lâu, từ cuối thập niên 1980 nhờ cùng làm nghề kinh doanh cà phê. Không từ chối trà, tôi vẫn nhắc chung trong bàn rằng rất ít ai kinh doanh cà phê thương phẩm lại mua bán song song với trà. Biết cả hai đều là thức uống có một số đặc tính chung có lợi cho sức khỏe như giàu chất chống oxy hóa, có khả năng ngăn ngừa một số bệnh kể cả ung thư (nghe quảng cáo vậy!), cải thiện và tăng cường trí nhớ và giúp giảm stress… Chẳng có chi để phải ganh ghét nhau giữa hai nhóm người kinh doanh.

Nhưng thật ra, cứ thử đem trà (tàu) đặt cạnh gói cà phê rang, thì không mấy chốc cả hai đều mất mùi vì hương của cả hai đều có đặc điểm thăng hoa nhanh, hút ẩm và hấp thụ các mùi lạ khác vào cũng rất nhạy. Lời khuyên của dân trong nghề là nếu đi đâu như du lịch chẳng hạn mà phải bới cà phê rang xay theo, hãy gói thật kỹ và để hai kỳ phùng địch thủ này càng xa nhau càng tốt khi xếp hành lý.

Không biết chuẩn bị tự bao giờ, Thạnh đã đưa khay với các dụng cụ hành… đạo trà gồm bộ ấm chén màu xanh lơ mua tại Nhật, muỗng tre… và cả nước lọc sạch không mùi không vị. Bằng bàn tay điệu đà, ông múc một muỗng trà vừa đủ để vào ba chén sạch tinh tươm đã được hun nóng, bảo chúng tôi “thử mùi” trước bằng cách ngửi quanh chén, rồi đổ nước nóng chừng chín mươi lăm độ C, nước cũng phải đủ lượng mới giữ đúng vị và hương thơm của trà.

Màu xanh tươi của nước trà, màu xanh rậm rịt của cây lá chung quanh, rồi màu xanh của đám lục bình trôi trên sông đã kích thêm vị ngọt hậu khi nhâm nhi tách trà. Cả ba như được đưa đến tận cõi êm đềm.

Matcha là một loại bột mịn màu xanh lá cây làm từ lá trà như các loại trà có chứa cafein khác. Tuy nhiên, cây tạo ra trà matcha được trồng theo cách khác, được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời quá mức, nhờ đó mà người ta nói rằng cây trà này tạo ra được nhiều axit amin và nhiều hợp chất hoạt tính sinh học hơn chẳng hạn như chất diệp lục và theanine. Không như các thứ trà ta thường dùng bằng lá, phơi khô và sấy tẩm mà thu hoạch xong lá trà được xay nghiền ra thành bột mịn giữ được màu xanh biếc của lá cây.

Thạnh bật nhạc, một điệu nhạc thiền nhè nhẹ, miên man lấy từ trên YouTube, làm cho bữa tiệc trà thêm ảo diệu giữa một không gian mát lành.

Người bạn thứ ba là Khải. Suốt cả đời đi buôn, ông dễ đã đi hàng chục nước để vừa thăm bạn hàng vừa lấy cơ hội ngao du học hỏi. Khải cho biết thuật uống trà kiểu Nhật như thế này vốn xuất phát từ Trung Quốc. Xưa cách đây cả ngàn năm, có một nhà sư tên Myoan Eisai từ Nhật sang Trung Quốc tu học. Khi về nước, ngài đã đem theo các hạt trà mà suốt trong thời kỳ tu tập đã giúp cho ngài hành thiền và nhập định lâu bền.

Mấy thế kỷ trước, matcha chỉ được sử dụng hạn chế cho một số tu sĩ và samurai vì matcha giúp họ tỉnh táo. Sau đó, matcha được phổ biến trong giới thượng lưu và lan rộng cho đến ngày nay, không còn trong phạm vi nước Nhật. Lượng người tiêu thụ hiện nay tăng khắp năm châu. Người Nhật qua việc phổ biến trà matcha và trà đạo, đã tạo được một “quyền lực mềm” nhờ thức uống này. Theo một số dự báo của ngành F&B, doanh thu thị trường matcha đến năm 2027 có thể đạt đến 5,5 tỉ đô la Mỹ.

Sự xâm lấn của trà matcha vào các thực đơn ở nhà hàng, khách sạn trên toàn cầu làm giới kinh doanh cà phê đâm lo. Dù doanh thu cà phê năm 2023 theo ước tính của Statista là 88,3 tỉ đô la Mỹ, thực tế cao hơn matcha trên hai chục lần nếu tính cùng thời điểm. Nhưng biết đâu được với cách chế biến gọn nhẹ, đầu tư cho trang thiết bị phục vụ cho pha chế cũng không cầu kỳ, matcha có thể làm nên chuyện thần kỳ như cà phê. Sản lượng cà phê hàng năm của thế giới trong thế kỷ 20 ước tính từ 6-7 triệu tấn được sản xuất chủ yếu từ ba nước Brazil, Việt Nam và Colombia. Nhưng cách đây 100 năm, toàn cầu chỉ có vỏn vẹn 100.000 tấn.

Bước phát triển vượt bậc của cà phê làm chính những người sản xuất và kinh doanh cà phê phải giật mình và dè chừng các đối thủ khác, nhất là matcha. Đó cũng chính là một phần để ngành cà phê phải tìm cách sáng chế ra máy, dụng cụ pha đơn giản mà vẫn cho ly cà phê ngon tại nhà.

Người Ý vẫn hãnh diện với các “món” cà phê được cho là ngon nhất do họ sáng tạo như espresso, latte, nhưng đồng thời cũng sáng chế nhiều loại máy rang và pha chế nổi tiếng như cố giữ “cà phê” là một quyền lực mềm của riêng họ.

Nhưng cái quyền lực ấy có được bảo toàn hay phải mai này “di thực” qua một nước khác? Dù còn quá sớm để phải lo nhưng sự vùng dậy của lực lượng tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc và nhất là nước này đang sản xuất ra nhiều máy rang xay dành cho sản xuất lớn cũng như sử dụng cho gia đình với giá khá rẻ.

Chỉ trong vòng 30 năm, lượng người tiêu thụ cà phê thường xuyên ở Trung Quốc đạt chừng 350 triệu và đến năm 2021, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu cà phê lớn thứ 16 trên thế giới.

Chuyện muốn làm cà phê thành một quyền lực mềm của Trung Quốc xem ra không quá khó. Trên toàn quốc, trồng cà phê, R&D và sản xuất đồ uống cà phê là những lĩnh vực được khuyến khích đầu tư nước ngoài, theo Danh mục các ngành khuyến khích đầu tư nước ngoài mới nhất được Nhà nước Trung Quốc phát hành vào tháng 10-2022. Nên không lạ khi chính chính phủ nước này tài trợ cho triển lãm I-coffee ở Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam), nhằm nỗ lực thúc đẩy thương mại cà phê trong nước và quốc tế cũng như văn hóa cà phê Trung Quốc. Sản xuất, buôn bán và tiêu thụ cà phê là chủ đề chính của triển lãm.

Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng thông qua hạt cà phê sẽ còn nhiều gay cấn. Mới đây, trên tờ The Washington Times, nhà nghiên cứu người Mỹ Christopher Balding tuyên bố ông đã tìm thấy bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang thu thập dữ liệu thông qua máy pha cà phê thông minh được sản xuất tại Trung Quốc. Chuyện có cấy phần mềm hay không, cấy để làm gì, chưa ai dám khẳng định nhưng một điều chắc chắn là người Trung Quốc sẽ khuấy động thị trường cà phê. Biết đâu chừng vài chục năm sau lại có thêm “cà phê đạo” mang màu sắc phương Đông?

Hớp nhẹ ngụm trà cuối, ông Thạnh trách sao lại bàn đến chuyện cà phê để lòng phải lao xao buổi trà đạo dịp Tết. Nhưng tôi tự nghĩ: “Đạo” không phải là “đường” ư? Tìm cho chính mình một lối đi, dù rất riêng, thì có gì phải bối rối?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới