Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh sáng tối của thị trường lao động 2022

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, vẫn bắt gặp những điểm sáng nơi thị trường lao động. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động trong quí 3-2022 tăng 30,1%, tỷ lệ lao động lao động thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm.

Trải qua gần hết năm 2022, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động và tái hoạt động có xu hướng tăng, nhiều chính sách được đề ra để ổn định và phát triển thị trường lao động.

Lao động làm việc tại doanh nghiệp tăng gần 16%

So với cùng kỳ năm 2021, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 11 tháng năm 2022, doanh nghiệp đăng ký hoạt động và tái hoạt động kinh doanh tăng 33,2%. Tổng số lao động đăng ký làm việc ở các doanh nghiệp tăng 15,9%, trong đó, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 5,9%.

Lực lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp tăng trong năm 2022. Ảnh minh họa: TL

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thiếu việc làm trong quí 3-2022 giảm 2,54 điểm phần trăm; tỷ lệ thất nghiệp của lao động giảm 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân của lao động quí 3-2022 tăng 30,1%; tăng khoảng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Còn so với cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, thu nhập bình quân của lao động tăng 14,5%.

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm hơn 26%

Số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quí 3-2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,9 triệu người; tăng gần 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trong 3 quí đầu năm 2022, tỷ lệ tham gia lao động là 68,5%; tăng 0,9 điểm phần trăm; lực lượng lao động đã qua đào tạo ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động có việc làm tăng trở lại và tăng cả ở 6 vùng kinh tế - xã hội. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng đầu năm 2022 là 50,5 triệu người; tăng 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, số lao động có việc làm trong độ tuổi lao động của vùng Đông Nam Bộ trong quí 3-2022 đạt 9,7 triệu người; tăng 1,6 triệu người (tương ứng 19,5%) so với cùng kỳ năm trước và đã vượt quy mô lao động của thời điểm trước khi chịu tác động của dịch Covid-19 là 61,7 ngàn người.

Số người có việc làm chính thức đạt 17,8 triệu người; tăng 2,7 triệu người (tương ứng tăng 19,4%) so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Tốc độ tăng của lao động chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động phi chính thức phi nông nghiệp trên 2 điểm phần trăm.

Hơn 1.200 doanh nghiệp gặp khó do sụt giảm đơn hàng

Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, thị trường lao động có nhiều biến động. Tại phiên hội thảo về lao động an sinh xã hội trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra ngày 17-12, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, nhất là ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn trong việc duy trì quá trình sản xuất kinh doanh khiến hàng trăm ngàn công nhân bị giảm giờ làm, mất việc làm.

Lao động được tư vấn bảo hiểm xã hội. Ảnh: B.D

Số lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng đầu năm 2022 cũng tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, TPHCM tăng 25,88%; Bình Dương tăng 39,08%; Đồng Nai tăng 54,69% và Tiền Giang tăng 66,5%.

Tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9 cho đến ngày 10-12-2022 đã có 1.242 doanh nghiệp tại 44 tỉnh thành gặp khó khăn, sụt giảm đơn hàng.

Số lao động bị giảm giờ làm hoặc đang mất việc làm có hưởng lương là 433.908 người, chiếm 90% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 6.570 người; chấm dứt hợp đồng lao động với 41.642 người.

TTXVN đưa tin, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn, đơn hàng tiếp tục bị sụt giảm có thể hết quí 1 và sang quí 2-2023. Riêng tháng 12 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có hơn 660 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của hơn 271.700 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm hơn 15.700 lao động.

Chính sách ổn định thị trường lao động

Năm 2022, Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí...

Tính đến ngày 25-8-2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã hỗ trợ hơn 1.500 tỉ đồng cho 2,4 triệu công nhân, lao động đang làm việc trong gần 49.500 doanh nghiệp; hỗ trợ gần 150 tỉ đồng cho gần 131.000 công nhân quay trở lại thị trường lao động của 11.586 doanh nghiệp.

Tổ chức các phiên giao dịch, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động. Ảnh: TL

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16-12 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động, nhất là dịp Tết 2023.

Các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, ổn định các loại thị trường, tháo gỡ khó khăn, tập trung nguồn lực cho các động lực tăng trưởng như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh; có giải pháp cụ thể trong tạo việc làm, bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động.

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, Văn phòng Giới thiệu sử dụng lao động (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đề xuất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong thời gian tới đề ra các chính sách cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0%, đồng thời, kết nối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới