Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bước tiến mới xử lý nợ xấu vì Covid-19: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến hết năm 2021

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bước tiến mới xử lý nợ xấu vì Covid-19: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến hết năm 2021

Dũng Nguyễn

(KTSG Online) - Sau thời gian dài thảo luận với các cơ quan nghiên cứu liên quan, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03, sửa đổi Thông tư 01 ban hành ngày 13-3-2020, được đánh giá là bước đi rất cần thiết để hướng dẫn các tổ chức tín dụng xử lý những khoản nợ xấu vì dịch bệnh Covid-19.

Bước tiến mới xử lý nợ xấu vì Covid-19: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến hết năm 2021
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho các doanh nghiệp được xem là sự hỗ trợ thiết thực giúp họ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 03/2021 ký ngày 2-4-2021, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 ban hành ngày 13-3-2020, quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nội dung Thông tư bao gồm sửa đổi điều kiện khoản nợ được cơ cấu lại, phân loại nhóm nợ và bổ sung quy định về trích lập dự phòng rủi ro. Có hiệu lực từ ngày 17-5-2021, Thông tư 03 này có một số điểm mới so với bản dự thảo được công bố trước đó.

Đủ 8 điều kiện để cơ cấu nợ

Theo quy định sửa đổi, TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ khi đáp ứng đầy đủ 8 điều kiện về thời gian phát sinh dư nợ, đề nghị của khách hàng và đánh giá của TCTD về khoản nợ, không vi phạm quy định pháp luật và cơ cấu thời hạn trả nợ chỉ đến ngày 31-12-2021.

Cụ thể, thời điểm xác định nợ cơ cấu là khoản nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-12-2021. Bản dự thảo thông tư trước đó quy định thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ ngắn hơn (chỉ đến 31-3-2021).

Số dư khoản nợ được cơ cấu lại thuộc một trong các trường hợp: hoặc số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; hoặc phát sinh trước ngày 23-1-2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 29-3-2020; hoặc số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23-1-2020 và quá hạn trước ngày 17-5-2021.

NHNN chính thức ban hành Thông tư 03, sửa đổi Thông tư 01 để gia hạn thời gian hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu vì Covid-19.

Khoản nợ tái cơ cấu là khoản nợ được TCTD đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Khách hàng phải có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và TCTD đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.  TCTD không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) cần phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 31-12-2021, tương tự với việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí. Từ ngày 1-1-2024, toàn bộ việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro áp dụng theo quy định thông thường.

Giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ

Liên quan đến việc phân loại nợ, các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định cho khoản nợ phát sinh từ ngày 23-1-2020 đến trước 10-6-2020.

Thông tư 03/2021 quy định số dư nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại sẽ không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD.

Đối với số dư nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ bị quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được TCTD tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại thông tư này, TCTD phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD.

Đối với số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định tại thông tư, từ ngày được cơ cấu lại, TCTD không hạch toán thu nhập (dự thu) mà theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với TCTD.

Từ ngày 1-1-2024, TCTD căn cứ quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD để phân loại đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư.

Trích lập dự phòng trong 3 năm

Thông tư số 03/2021 sửa đổi Thông tư 01/2020 bổ sung thêm quy định về trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, các TCTD thực hiện trích lập dự phòng cụ thể đối với khách hàng có số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi.

Việc trích lập dự phòng nợ cơ cấu được thực hiện trong 3 năm. Từ ngày 1-1-2024, TCTD trích lập dự phòng rủi ro đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư.

Mức trích lập dự phòng là số tiền chênh lệch giữa số tiền dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng (không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư này) và số trích lập dựa trên kết quả phân loại nợ của dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong trường hợp số tiền chênh lệch là dương thì TCTD thực hiện trích lập bổ sung tối thiểu 30% số tiền muộn nhất là vào cuối năm nay, tỷ lệ 60% vào cuối năm 2022 và 100% vào cuối năm 2023.

Thông tư cũng nhắc đến quy định chuyển tiếp. Theo đó các hợp đồng, thỏa thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết về thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định Thông tư 01/2020. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng, thỏa thuận được thực hiện nếu nội dung phù hợp với quy định pháp luật và quy định liên quan đến Thông tư 03 trên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới