Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Búp bê Barbie Sarah Gilbert truyền cảm hứng

Andy Huỳnh Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sân trung tâm ở Wimbledon, tại thủ đô London của nước Anh, là nơi tay vợt số một thế giới Novak Djokovic đăng quang giải này vào ngày 11-7 năm nay. Sau chiến thắng của mình, tay vợt Serbia đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt của khán giả.

Cách đó không đầy hai tuần, trên sân này, một người phụ nữ cũng đã nhận được những tràng pháo tay tương tự, thậm chí còn “vinh dự” hơn cả số một thế giới Djokovic khi khán giả đồng loạt đứng lên để tỏ lòng ngưỡng mộ với bà. Người phụ nữ đó là Giáo sư Sarah Gilber, một nhà khoa học tại Đại học Oxford, đồng tác giả của vaccine Oxford/AstraZeneca.

Giáo sư Sarah Gilbert nói bà hy vọng các em nhỏ khi quan sát búp bê Barbie của tôi sẽ nhận ra sự nghiệp của các nhà khoa học sẽ giúp ích cho thế giới xung quanh như thế nào.

Tên tuổi của nhà khoa học 59 tuổi người Anh này không xa lạ gì với các khán giả đồng hương của mình ở Wimbledon, nhưng có lẽ nhiều người Việt Nam vẫn chưa biết nhiều về vị nữ giáo sư, một nhân vật xứng đáng được tôn vinh khi cho đến nay hơn một tỉ liều vaccine AstraZeneca đã được sử dụng khắp thế giới, và, tuy khó có thống kê cụ thể, có thể đã cứu sống được rất nhiều nhân mạng.

Sarah Gilbert còn đáng kính hơn khi bà quyết định không bán bản quyền thương mại vaccine này dù có thể số tiền kiếm được từ nó là một con số khổng lồ đối với một khoa học gia. Sarah Gilbert đã từ chối thương mại hóa vaccine AstraZeneca hoặc dùng nó để kiếm lời. Theo yêu cầu của nhà khoa học này, Oxford và AstraZeneca đã đồng ý không kiếm lợi nhuận từ vaccine AstraZeneca.

“Tôi không muốn nộp đơn để xin bản quyền đầy đủ cho vaccine [độc quyền] vì tôi muốn chia sẻ các lợi ích tri thức của vaccine với bất kỳ ai có thể tự sản xuất vaccine cho mình”, tờ The Star dẫn lời vị nữ giáo sư này(1).

Chính vì thế, theo một số nguồn tin, giá hiện nay của một liều vaccine AstraZeneca chỉ vào khoảng bốn đô la Mỹ, thấp hơn nhiều lần với các vaccine chống Covid-19 khác.

Dĩ nhiên, ở Anh, Sarah Gilbert đã được tôn vinh với nhiều danh hiệu, chẳng hạn như huân chương Albert Medal của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia (Royal Society of Arts – trong số những người đã nhận huân chương này có Thomas Edison và Stephen Hawking), cũng như tước “dame” (nữ hiệp sĩ).

Đặc biệt gần đây hơn, một sự kiện liên quan đến Sarah Gilbert, tuy không có ý nghĩa chính thức như huân chương của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia hay tước “nữ hiệp sĩ”, nhưng về mặt công chúng lại có tác động lớn hơn và được biết đến nhiều hơn. Hãng đồ chơi Mỹ Mattel vừa ra mắt một mẫu búp bê Barbie nổi tiếng của mình với ngoại hình của Sarah Gilbert. Vấn đề là ở chỗ tuy chỉ là một món đồ chơi mang tính thương mại, nhưng ý nghĩa đàng sau lại có thể lớn hơn nhiều với các thế hệ tương lai.

Tờ The Independent dẫn lời Lisa McKnight, Phó chủ tịch cấp cao phu trách mảng búp bê Barbie toàn cầu của hãng Mattel, giải thích như sau: “[Nhãn hiệu] Barbie nhận thấy các lực lượng [y tế] ở tuyến đầu đã hy sinh to lớn khi đương đầu với đại dịch cũng như những thử thách họ gặp phải. Nhằm giúp thêm nhiều người biết đến các nỗ lực này, chúng tôi đang chia sẻ các câu chuyện […] truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai noi theo tấm gương của họ và phục vụ trở lại cộng đồng”(2).

Sarah Gilbert đáp lại các ý tưởng này dù ban đầu cho rằng búp bê với ngoại hình của mình là “lạ lùng”. Bà nói: “Tôi rất hào hứng với việc truyền cảm hứng cho thế hệ của các bạn nữ trẻ tuổi để họ theo đuổi các ngành học STEM (science, technology, engineering, mathematics – khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học) cho nghề nghiệp tương lai và hy vọng các em nhỏ khi quan sát búp bê Barbie của tôi sẽ nhận ra sự nghiệp của các nhà khoa học sẽ giúp ích cho thế giới xung quanh như thế nào. Tôi mong rằng búp bê của tôi sẽ giúp các em thấy được các ngành nghề các em chưa để ý đến, như một nhà khoa học về thuốc chủng ngừa chẳng hạn”(3).

Mattel không chỉ tôn vinh một mình Sarah Gilbert, một vài phụ nữ trong lực lượng y tế tuyến đầu cũng có búp bê Barbie (như bác sĩ người Canada Chika Sacy Oriuwa, hay nhà nghiên cứu thuốc y sinh người Brazil Jaqueline Goes de Jesus).

Dĩ nhiên, theo người viết, không phải bé nào cũng thích các búp bê này. Nhưng chắc chắn một số em sẽ quan tâm hơn đến các ngành STEM, thay vì chỉ mong được làm hoa hậu hay người mẫu. Theo một thống kê, hiện chỉ có 35% sinh viên theo học các ngành STEM ở Anh là nữ(4).

Đó cũng là một vấn đề phụ huynh chúng ta nên lưu ý trong hướng nghiệp cho con em.

———–

(1)https://www.thestar.com.my/news/nation/2021/07/20/scientist-who-sacrificed-earning-millions-to-save-millions-with-astrazeneca

(2), (3)https://www.independent.co.uk/voices/barbie-sarah-gilbert-astrazeneca-vaccine-b1896517.html

(4)https://www.npr.org/2021/08/05/1024888880/mattels-barbie-turns-women-of-science-including-a-covid-vaccine-developer-into-d

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới